BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bảo hiểm Y tế cho người nhiễm HIV:

Một quyết định nhân văn 

Cập nhật ngày: 17/07/2017 - 05:41

BTN - Cho đến nay, căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS vẫn chưa có thuốc điều trị. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể ngăn chặn sự phát triển của virus trong cơ thể cũng như hạn chế sự lây nhiễm ra ngoài cộng đồng nhờ uống thuốc kháng virus (ARV). Nhiều năm qua, nguồn thuốc được các tổ chức quốc tế tài trợ. Nhưng sắp tới đây, nguồn tài trợ sẽ phải cắt giảm dần. Để có thể tiếp tục điều trị mà không tốn quá nhiều chi phí, người nhiễm HIV cần được bảo hiểm y tế (BHYT).

Bệnh nhân đến khám tại Phòng khám ngoại trú BVĐK Tây Ninh.

CÓ BHYT, TIỀN THUỐC MỖI NGÀY CHƯA TỚI 10.000 ĐỒNG

Với những người bình thường, mua BHYT là một phúc lợi để phòng khi tai nạn, bệnh tật xảy ra mà không kham nổi chi phí điều trị quá cao. Còn với người bị nhiễm HIV, khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cao hơn rất nhiều so với người khác do hệ thống miễn dịch bị phá huỷ, cho dù không mắc những bệnh cơ hội, nếu không được hỗ trợ của BHYT, riêng chi phí cho thuốc ARV cũng đã tốn không ít tiền.

Hiện nay, có 2 phác đồ điều trị cho người nhiễm HIV uống thuốc ARV là phác đồ bậc 1 và phác đồ bậc 2. Người bệnh được chuyển sang điều trị theo phác đồ bậc 2 do thuốc đã không đáp ứng điều trị theo phác đồ bậc 1.

Y sĩ Phạm Thị Kim Dung- cán bộ Phòng khám ngoại trú, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cho biết, nếu không tính đến các chi phí như xét nghiệm huyết học, chụp X-quang, một người uống thuốc ARV theo phác đồ điều trị bậc 1 phải tốn khoảng 800.000đ/tháng.

Nếu điều trị theo phác đồ bậc 2, chi phí lên đến khoảng 3 triệu đồng/tháng. Nếu đang điều trị bậc 2 nhưng lại đồng nhiễm bệnh lao, chi phí điều trị tăng lên đến hơn 5 triệu đồng/tháng.

Đây là số tiền không hề nhỏ đối với bất kỳ ai, đặc biệt là những bệnh nhân nhiễm HIV, họ thường có hoàn cảnh khó khăn, có người không đủ sức khoẻ để lao động kiếm tiền.

Nếu có BHYT, người nhiễm HIV chỉ phải chi trả tối đa 20% tiền chữa bệnh. Với những người đang điều trị bậc 1, người bệnh chỉ phải chi tiền thuốc trung bình 160.000đ/tháng, tính ra một ngày chưa đến 10.000 đồng.

HẦU HẾT BỆNH NHÂN ĐỀU CÓ BHYT

Để người bệnh giảm được chi phí điều trị khi không còn được tài trợ thuốc, các y, bác sĩ điều trị tại các phòng khám ngoại trú trong tỉnh đã vận động người dân mua BHYT.

Tại Phòng khám ngoại trú Trung tâm Y tế huyện Trảng Bàng có bảng thông báo cho bệnh nhân biết rõ về việc thuốc ARV đang phải cắt giảm, và khuyến khích người nhiễm HIV nên chủ động mua BHYT với thông điệp “Tham gia BHYT là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục và suốt đời”.

Một bệnh nhân tên N.T.B.N (Trảng Bàng) cho biết, chị phát hiện bệnh từ năm 2000 nhưng đến khoảng năm 2005 mới bắt đầu điều trị ARV miễn phí tại Trung tâm Y tế huyện. Cuối năm 2016,  khi nghe tin sẽ không được tài trợ thuốc ARV nữa, chị đã mua BHYT.

“Hiện tại, tôi vẫn được nhận thuốc miễn phí, nhưng xét nghiệm máu phải chi trả tiền. Mới tháng rồi tôi làm xét nghiệm, tốn hết 68.000 đồng”, chị N nói.

Theo chị Đ.T.Đ (huyện Tân Biên) đang điều trị ARV tại Phòng khám ngoại trú Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, trước đây chị làm việc ở một công ty và được cấp BHYT. Từ đầu năm nay, chị nghỉ làm việc, chị vẫn tiếp tục mua BHYT mới.

Mặc dù từ trước đến nay chị chưa dùng đến BHYT để chi trả khi điều trị bất cứ bệnh gì. “Trước giờ sức khoẻ còn tốt thì không cần tới, nhưng đâu biết sau này thế nào, nếu lỡ có bệnh, có bảo hiểm cũng đỡ. Tôi ở nông thôn mà, bảo hiểm chi được phần nào đỡ phần đó”, chị Đ chia sẻ.

Còn với trường hợp của anh B.V.Q (huyện Trảng Bàng), vợ anh mới mua BHYT cho anh được chừng 3 tháng thì phát hiện anh bị nhiễm HIV. Sau đó, anh được đưa đến điều trị tại Phòng khám ngoại trú Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.

Thời gian này anh bị thêm bệnh lao màng não. Sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi rồi chuyển xuống Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.Hồ Chí Minh), anh đã khoẻ lại. “Cũng may có BHYT, nên suốt quá trình điều trị chi phí chỉ hơn 10 triệu đồng, nếu không có chắc phải tốn mấy chục triệu”, anh Q nói.

Tính đến cuối tháng 5.2017, toàn tỉnh Tây Ninh có trên 2.900 trường hợp nhiễm HIV còn sống. Trong đó có trên 1.600 người đang điều trị ARV. Hiện, Tây Ninh có 5 phòng khám ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, Trung tâm Y tế các huyện Hoà Thành, Gò Dầu, Bến Cầu và Trảng Bàng.

Số người đăng ký điều trị ARV tại Phòng khám ngoại trú Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh là nhiều nhất, gần 1.000 bệnh nhân, nhưng chỉ có 76 người tự mua BHYT.

Những người nhiễm HIV đa số có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, để có thể bảo đảm 100% người nhiễm có được BHYT là điều không dễ.

Để tạo điều kiện cho người bệnh có thể tiếp tục điều trị thuốc ARV, qua đó ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, vừa qua, Sở Y tế đã rà soát 1.500 người nhiễm HIV nhưng chưa có điều kiện mua BHYT, trình UBND tỉnh đề nghị hỗ trợ từ nguồn kinh phí kết dư của BHYT năm 2015.

Ngày 28.6.2017, tại Công văn số 1414, UBND tỉnh đã quyết định chi trên 980 triệu đồng để mua 1.500 thẻ BHYT (thời hạn 12 tháng) cho các đối tượng là người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị thuốc ARV nhưng không có điều kiện tham gia BHYT.

Nhận thuốc ARV tại Phòng khám ngoại trú BVĐK Tây Ninh.

CẦN HỖ TRỢ CHO NGƯỜI NHIỄM HIV ĐIỀU TRỊ TRÁI TUYẾN

Trước đây, khi có thông tin về việc người nhiễm HIV được hỗ trợ BHYT, ngành Y tế dự kiến sẽ bố trí phòng khám ngoại trú HIV nằm chung hệ thống phòng khám ở các bệnh viện. Trên thực tế, không thể thực hiện được do người bệnh vẫn lo sợ sự kỳ thị.

Từ đó đến nay, các điểm điều trị ngoại trú trên địa bàn tỉnh đã có hệ thống mạng kết nối giữa phòng khám ngoại trú HIV với hệ thống thanh toán BHYT chung của tỉnh.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ bố trí một cán bộ thu phí trực tiếp tại Phòng khám ngoại trú Bệnh viện Đa khoa tỉnh, để tạo điều kiện cho người nhiễm HIV không phải đóng phí tại khu vực thu phí đông người của bệnh viện”, bác sĩ Nguyễn Trường Chinh, Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cho biết.

Theo bác sĩ Huỳnh Văn Đệ- Trưởng khoa Nhiễm kiêm phụ trách Phòng khám ngoại trú Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, khi mua BHYT, người mua phải đăng ký điểm điều trị ban đầu và nếu ở các huyện, thành phố thì phải đăng ký điều trị tại Trung tâm Y tế huyện, thành phố đó.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, trước nay họ đang điều trị HIV tại Phòng khám ngoại trú của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tức tuyến trên. Với những trường hợp này, để được hưởng bảo hiểm theo đúng tuyến, họ phải làm giấy chuyển viện.

Nhưng, một số người bệnh vẫn e ngại, không muốn trình bày bệnh của mình khi làm thủ tục chuyển viện.

“Vấn đề kỳ thị cho đến nay vẫn còn tồn tại. Do đó, nhiều người thà chấp nhận đi xa để nhận thuốc chứ không về địa phương của mình. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị hai ngành BHXH và Y tế cùng ra văn bản hướng dẫn, để người nhiễm HIV có BHYT tuyến huyện vẫn được hưởng bảo hiểm đúng tuyến khi điều trị ARV tại tỉnh. Đây cũng là tạo điều kiện cho những người bị nhiễm HIV có thể điều trị ARV liên tục và suốt đời”, bác sĩ Đệ nói.

NGỌC DIÊU