Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Luật Phòng, chống ma tuý được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 11, ngày 30.3.2021 có hiệu lực từ ngày 1.1.2022, với 8 chương, 55 điều quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với tệ nạn ma tuý; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý và trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng chống ma tuý.
Đoàn viên, thanh niên thi tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy.
Theo đó, Luật quy định rõ chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma tuý là ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma tuý cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới và địa bàn phức tạp về ma tuý.
Cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma tuý, người làm công tác cai nghiện ma tuý trong các cơ sở cai nghiện ma tuý công lập được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, địa bàn hoạt động theo quy định của Chính phủ.
Luật bổ sung quy định cụ thể về nguồn tài chính cho phòng, chống ma tuý tại Điều 4, gồm: ngân sách nhà nước; nguồn tài trợ, viện trợ, đầu tư, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; chi trả của gia đình, người nghiện ma tuý; các nguồn tài chính hợp pháp khác.
Luật bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như nghiên cứu, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định trái phép chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma tuý, tiền chất; chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma tuý trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma tuý, quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý, cai nghiện ma tuý, quản lý sau cai nghiện ma tuý; hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn sử dụng trái phép chất ma tuý; quảng cáo, tiếp thị chất ma tuý; kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma tuý, người cai nghiện ma tuý, người sau cai nghiện ma tuý…
Tại chương V - Cai nghiện ma tuý gồm 17 điều đã được sửa đổi toàn diện để khắc phục tình trạng bất cập trong công tác cai nghiện hiện nay, bảo đảm tính đồng bộ với pháp luật xử lý vi phạm hành chính và phù hợp với thực tiễn.
Cụ thể, các trường hợp phải xác định tình trạng nghiện gồm người sử dụng trái phép chất ma tuý đang trong thời gian quản lý bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma tuý; người sử dụng trái phép chất ma tuý không có nơi cư trú ổn định; người đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc trong thời hạn 1 năm kể từ ngày chấp hành xong biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma tuý; người đang trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma tuý bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma tuý; người tự nguyện xác định tình trạng nghiện ma tuý.
Biện pháp cai nghiện ma tuý gồm cai nghiện ma tuý tự nguyện và cai nghiện ma tuý bắt buộc. Cai nghiện ma tuý tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện ma tuý. Cai nghiện ma tuý bắt buộc được thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma tuý công lập.
Không quy định cai nghiện ma tuý bắt buộc tại cộng đồng. Cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng (Điều 30) được thực hiện với sự trợ giúp chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma tuý, sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của UBND cấp xã.
Thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng từ đủ 6 - 12 tháng, Nhà nước có hỗ trợ kinh phí với những trường hợp đủ điều kiện. Cơ sở cai nghiện ma tuý, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện cung cấp một hoặc nhiều hoạt động cai nghiện theo quy trình cai nghiện ma tuý quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này được đăng ký, cung cấp dịch vụ cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với Chủ tịch UBND cấp huyện.
Khi tiếp nhận và tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng phải thực hiện đúng quy trình chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày người cai nghiện ma tuý sử dụng dịch vụ hoặc tự ý chấm dứt việc sử dụng dịch vụ hoặc hoàn thành dịch vụ phải thông báo cho UBND cấp xã nơi người đó đăng ký cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
Tránh trường hợp lợi dụng việc cai nghiện tự nguyện hoặc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế để không bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Luật đã quy định chặt chẽ các trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên.
Ra quân hưởng ứng tháng hành động phòng chống ma túy năm 2021.
Một điểm mới đáng chú ý của Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 là quy định đối với người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi sẽ bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 6 - 12 tháng và được bố trí ở một khu vực riêng, được bảo đảm đầy đủ quyền lợi như học tập, vui chơi…
Việc đưa đi cai nghiện bắt buộc đối với nhóm tuổi này không phải là biện pháp xử lý hành chính nên không ảnh hưởng đến lý lịch tư pháp. Nếu tái nghiện, người trong nhóm tuổi này sẽ được đăng ký cai nghiện tự nguyện (còn người nghiện trên 18 tuổi sẽ bị đưa đi cai nghiện bắt buộc nếu tái nghiện).
Luật Phòng, chống ma tuý năm 2021 đã bổ sung quy trình cai nghiện ma tuý gồm các bước: tiếp nhận, phân loại; điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác; giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách; lao động trị liệu, học nghề; chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.
Thiên Di