Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo VTV, chi phí bản quyền mà các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình đang chi trả chưa phản ánh đúng giá trị nội dung mà kênh VTV mang lại.
Từ tối 16/1, người dùng các nền tảng truyền hình số không thể theo dõi nhiều kênh thuộc hệ thống Đài truyền hình Việt Nam (VTV). Các kênh VTV2, VTV3 được thông báo tạm thời gián đoạn trên FPT Play, TV360, MyTV. Theo thông báo từ nhà cung cấp, nguyên nhân của việc này là chưa đạt được thỏa thuận với VTV.
Lên tiếng về tình trạng một số kênh biến mất khỏi các nền tảng, VTV khẳng định đã khởi động làm việc, trao đổi với các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền về mô hình hợp tác mới từ cuối tháng 11/2024.
Một số kênh VTV không thể tìm thấy trên FPT Play, TV360, MyTV.
"Đến nay có nhiều đơn vị thống nhất được với VTV về việc hợp tác tiếp phát sóng. Đối với các đơn vị vẫn chưa đạt được thỏa thuận, VTV không có cơ sở pháp lý cần thiết để duy trì cung cấp tín hiệu cho toàn bộ gói kênh VTV", thông báo nêu.
Theo VTV, chi phí bản quyền mà các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình đang chi trả chưa phản ánh đúng giá trị mà kênh VTV mang lại cho các đơn vị này.
Công tác đàm phán đang diễn ra, các đơn vị liên quan sẽ có cuộc làm việc dưới sự chủ trì của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) để sớm đạt được thỏa thuận công bằng, hài hòa.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, số lượng thuê bao truyền hình trả tiền tại Việt Nam tăng từ 18,3 triệu năm 2023 lên 21 triệu thuê bao năm 2024. Lĩnh vực truyền hình trả tiền tại Việt Nam tồn tại bốn bài toán lớn về giá, bản quyền trên không gian mạng, phí bản quyền âm nhạc và xử lý tình trạng quảng cáo cờ bạc, cá độ trong các giải đấu thể thao.
Nguồn TPO