Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Một số kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy cơ sở karaoke
Thứ tư: 10:31 ngày 14/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đối với người dân khi đến nơi vui chơi, giải trí, cần tìm hiểu kiến thức cơ bản về PCCC và kỹ năng thoát nạn; khi vào vui chơi cần quan sát các lối thoát nạn. Khi có cháy phải hết sức bình tĩnh, nhận định hướng khói. Khi di chuyển phải cúi thấp người vì khói luôn có xu hướng bay lên cao…

Các đơn vị cần trang bị phương tiện PCCC, thiết bị báo động khi xảy ra sự cố cháy, nổ (ảnh minh hoạ)

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ cháy cơ sở kinh doanh karaoke, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Điển hình như vụ cháy karaoke ISIS, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội làm 3 cán bộ Cảnh sát PCCC hy sinh hay vụ cháy quán karaoke An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương vào ngày 6.9 làm nhiều người chết.

Để bảo đảm an toàn PCCC đối với cơ sở kinh doanh karaoke và kịp thời thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp PCCC.

Đối với cơ sở kinh doanh karaoke, trước khi đi vào hoạt động phải có đầy đủ các giấy phép hành nghề, được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định. Ban hành nội quy PCCC và niêm yết công khai cho nhân viên, khách hàng nắm và thực hiện. Xây dựng phương án chữa cháy, phương án CNCH và được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức triển khai và thực tập phương án chữa cháy, phương án CNCH theo quy định.

Các đơn vị trang bị phương tiện PCCC, thiết bị báo động khi xảy ra sự cố cháy, nổ; thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện; lắp thiết bị bảo vệ (cầu dao, aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn; không để vật dụng, hàng hoá dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, dây dẫn điện.

Đối với người dân khi đến nơi vui chơi, giải trí, cần tìm hiểu kiến thức cơ bản về PCCC và kỹ năng thoát nạn; khi vào vui chơi cần quan sát các lối thoát nạn. Khi có cháy phải hết sức bình tĩnh, nhận định hướng khói. Khi di chuyển phải cúi thấp người vì khói luôn có xu hướng bay lên cao…

Khi thấy lượng khói tập trung nhiều, mọi người cần phải bò dưới sàn để khỏi bị ngạt. Để chống nhiễm khói, mọi người cần lấy khăn thấm nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở hoặc có thể sử dụng mặt nạ chống khói khi được trang bị. Khi phải băng qua lửa, ngoài việc dùng khăn thấm nước che miệng, mũi, phải dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy thoát nhanh ra ngoài qua đám lửa để tránh bị cháy quần áo, gây bỏng da.

Hãy di tản ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt vì thực tế, nghẹt thở do khói là nguyên nhân dẫn đến tử vong cao và nhanh hơn là bị bỏng. Trong quá trình thoát nạn, báo cho những người xung quanh biết và đóng các cửa để giới hạn sự lan tràn của lửa và khói.

Người dân không sử dụng thang máy làm thang thoát nạn vì sự cố cháy nổ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của thang máy. Do đó, chỉ sử dụng cầu thang bộ để thoát ra. Có thể giúp đỡ những người xung quanh thoát nạn ra ngoài an toàn khi bản thân có đủ sức khoẻ và tỉnh táo. Sau khi thoát nạn ra ngoài an toàn nên tập trung ở một nơi và kiểm tra lại xem còn có người bị kẹt lại trong đám cháy không, từ đó có các biện pháp, giải cứu người bị kẹt trong đám cháy ra ngoài an toàn.

Trong quá trình thoát nạn, phải tuân thủ theo đúng sự hướng dẫn của người chỉ huy hoặc nhân viên hướng dẫn thoát nạn của toà nhà. Một yếu tố quan trọng để con người sống sót khi hoả hoạn xảy ra là phải thật sự bình tĩnh và nhanh nhẹn thực hiện theo đúng phương pháp, kỹ năng thoát nạn. 

Khi bị kẹt trong đám cháy, khói của đám cháy đang tràn vào từ các cửa và hành lang, mọi người phải nằm xuống sàn nhà, cách nơi khói đang tràn vào càng xa càng tốt; dùng khăn thấm nước che mặt, đóng hết các cửa lớn và cửa sổ lại để cô lập đám cháy. Nếu có khói lửa đang lan đến gần, phải dùng vải, quần áo chèn vào các khe hở để hạn chế đến mức thấp nhất việc khói, lửa tràn nhanh vào nhà, sau đó sử dụng bình chữa cháy cố gắng khống chế đám cháy.

Khi thoát ra ngoài cửa sổ hay hành lang, phải tạo ra tín hiệu làm cho lực lượng chữa cháy để ý nhận ra bằng cách vẫy tay, la hét. Nếu thấy an toàn để thoát thân và có một cửa lớn đang đóng, trước khi thoát ra bằng lối đó, phải kiểm tra độ nóng của cửa bằng cách đặt mu bàn tay lên cửa. Không mở cửa nếu thấy cửa ấm hoặc nóng.

Nếu thấy cửa không bị tác động nhiệt thì mở cửa từ từ và đè sát người vào cửa. Nếu thấy có lửa và khói phía bên ngoài thì đóng cửa lại ngay lập tức đồng thời chèn kỹ các khe hở, không cho khói, lửa lan vào phòng. Nếu không có lửa và khói thì nhanh chóng thoát ra ngoài đồng thời đóng cửa lại nhưng không được khóa cửa. Trên đường thoát nạn, tìm mọi cách báo động cho mọi người cùng thoát nạn an toàn.

Khi bị lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt nếu có thể, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt, không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Khi thấy người khác bị cháy, hãy giúp người đó dừng lại, nằm xuống và lăn người qua lại.

Dùng chăn, mền, quần áo choàng lên người để dập tắt lửa. Khi gặp người bị ngạt, ngất, bỏng phải tổ chức sơ, cấp cứu ban đầu trước khi đưa nạn nhân đi cấp cứu tại bệnh viện. Báo cháy kịp thời cho cơ quan Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 để được hỗ trợ trong công tác thoát nạn, cứu nạn khi có người bị kẹt trong đám cháy.

Phương Thảo

Tin cùng chuyên mục