Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Một số nhà văn tiêu biểu của văn học Tây Ninh qua Tài liệu giáo dục địa phương lớp 9
Chủ nhật: 21:31 ngày 08/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Bằng tình yêu nước, yêu văn chương tha thiết, giới văn nghệ sĩ Tây Ninh đã nỗ lực phấn đấu, góp phần tạo nên đời sống văn học đa dạng, phong phú.

Nhằm đáp ứng nội dung giáo dục địa phương của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tiếp nối chương trình lớp 8, UBND tỉnh biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Tây Ninh lớp 9. Tài liệu có 6 chủ đề, gồm những nội dung cơ bản về văn hoá, lịch sử truyền thống, địa lý, kinh tế, văn học nghệ thuật của địa phương.

“Bằng tình yêu nước, yêu văn chương tha thiết, giới văn nghệ sĩ Tây Ninh đã nỗ lực phấn đấu, góp phần tạo nên đời sống văn học đa dạng, phong phú. Trước năm 1975, có thể kể đến đóng góp của nhà văn, nhà thơ Thẩm Thệ Hà, Vân An, Nguyễn Việt Phương, Xuân Phát... Các tác giả đã bộc lộ lòng yêu nước sâu sắc, ca ngợi tinh thần đấu tranh kiên cường, anh dũng của nhân dân Tây Ninh trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Sau năm 1975, lực lượng sáng tác văn chương đông đảo hơn. Về thơ, có sự đóng góp của Cảnh Trà, Trần Nhã My, Phan Kỷ Sửu, Phan Phụng Văn, Ngọc Tình, Mai Tuyết. Văn xuôi nổi bật có Nguyễn Đức Thiện, Nguyễn Khắc Luân, Phước Hội, Đào Phạm Thuỳ Trang…

Những tác giả giai đoạn này tập trung khắc hoạ vẻ đẹp của quê hương, phản ánh tinh thần lao động, xây dựng đất nước của con người Tây Ninh” - Tài liệu giáo dục địa phương giới thiệu. Trong số văn nghệ sĩ, có ba cây bút được giới thiệu đậm nét trong tài liệu gồm Thẩm Thệ Hà, Vân An và Nguyễn Đức Thiện

Thẩm Thệ Hà

Theo Tài liệu giáo dục địa phương xuất bản năm 2024, Thẩm Thệ Hà (1923-2009), tên thật là Tạ Thành Kỉnh. Ông là nhà giáo, nhà thơ, nhà văn tiêu biểu của Tây Ninh. Thẩm Thệ Hà sinh tại làng Gia Lộc, huyện Trảng Bàng (nay là phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng).

Ông học tiểu học ở Trảng Bàng rồi lên Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) tiếp tục học trung học và đỗ Tú tài. Từ năm 1945 đến 1952, ông tham gia cách mạng, hoạt động trong Ban Điệp báo Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Đến thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ông hoạt động trong Ban Văn - Báo - Giáo Sài Gòn.

Ông sáng lập Nhà xuất bản Tân Việt Nam năm 1949 (cùng Vũ Anh Khanh) và Nhà xuất bản Lá Dâu (1966). Đây là hai nhà xuất bản đã in nhiều tác phẩm cổ vũ tinh thần yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Để có điều kiện hoạt động trong vùng địch tạm chiếm, ông dạy học ở các trường trung học như Nguyễn Văn Khuê, Chi Lăng, Tân Thanh, Đặng Văn Trước, Đức Trí, Dân Trí, Trần Hưng Đạo. Sau ngày đất nước thống nhất, ông vẫn gắn bó với giảng đường cho đến lúc nghỉ hưu (1983).

Bút tích của Thẩm Thệ Hà.

Từ năm 14 tuổi, ông đã đến với văn chương. Bút hiệu Thành Kỉnh, ông đã có khá nhiều thơ đăng trên Phổ thông bán nguyệt san (Hà Nội) và các báo ở Sài Gòn như  Đồng thinh, Chúa nhật, Thanh niên, Điện tín… Trong những năm Sài Gòn bị Pháp tạm chiếm (1946-1954), ông tiếp tục đăng thơ trên các báo Việt bút, Đại chúng, Lẽ sống, Tiếng chuông, Văn hoá… với bút danh Thẩm Thệ Hà.

Thơ ông được tuyển in trong các tập Thi nhân Việt Nam hiện đại của Phạm Thanh, Thơ mùa giải phóng của Nhà xuất bản Sống chung, Thi ca Việt Nam hiện đại của Trần Tuấn Kiệt và được tập hợp trong vài thi phẩm chưa xuất bản: Thâm thuý (thơ sáng tác trước 1945), Trời nổi phong yên (sau 1945).

Trước năm 1945, Thẩm Thệ Hà chủ yếu làm thơ tình, cộng hưởng với mạch cảm xúc của các nhà “Thơ mới” ở miền Bắc và miền Trung - những bài ưu trội như Chiều tương tư, Biệt ly êm ái, Rồi mỗi chiều xuân, Dòng mơ chung thuỷ… đều có chung một tình cảm trong sáng, một chút dịu dàng của cái “tôi” trữ tình trẻ trung. Sau năm 1945, cách viết trau chuốt, đôi khi hơi cầu kỳ, bay bướm nhưng thơ ông mang một âm hưởng mới- sôi nổi, hào hùng và thể hiện một tình cảm lớn lao, thiêng liêng: yêu nước nồng nàn, quyết tâm hành động vì mục tiêu độc lập dân tộc cao cả (Trời nổi phong yên, Khoé mắt u hoài, Tống biệt hành…).

Thành tựu sáng tác của ông trong lĩnh vực văn xuôi dồi dào, phong phú hơn. Ông viết truyện ngắn như Thằng đưa đám, Ai nghe lòng đất quặng đau, Bài học thương nhau… Ông là tác giả của sáu cuốn tiểu thuyết được dư luận độc giả yêu mến và được những tờ báo tiến bộ thời ấy ở Sài Gòn đánh giá cao: Vó ngựa cầu thu (Tân Việt, 1949), Gió biên thuỳ (Tân Việt, 1949), Đời tươi thắm (Lá dâu, 1956), Hoa trinh nữ (Sống mới, 1957), Bạc áo hào hoa (Miền Nam, 1969).

Dù cách xây dựng cốt truyện đơn giản, nghệ thuật kể chuyện hồn nhiên, miêu tả tâm lý, tính cách nhân vật thiếu chiều sâu cần thiết nhưng văn xuôi của Thẩm Thệ Hà đã phản ánh quá trình trăn trở, tìm đến lý tưởng cứu quốc của các thế hệ thanh niên miền Nam trong kháng chiến.

Ông còn có tới 14 cuốn tiểu truyện viết cho lứa tuổi thiếu niên, do hai Nhà xuất bản Sống mới và Khai trí ấn hành từ năm 1968 đến 1971 (Con chim xanh, Tàn giấc mơ tiên, Thiên tài lạc lối, Đoàn quân áo đen, Tài không đợi tuổi…). Ông là dịch giả của hai quyển tiểu thuyết Con đường cứu nước của Xtan (Maroussia của P.J. Stahn), Nhà xuất bản Nam Việt, 1947 và Mũi tên đen của Xtivenxon (The Black Arrow của S.L. Stevenson, 1850-1894), Nhà xuất bản Sống mới, 1965.

Sự thống nhất trong sáng tác của ông là tiếng nói của người trí thức yêu nước luôn đề cao tinh thần dân tộc, khát vọng đấu tranh và hướng tới những giá trị nhân văn cao đẹp. Ông góp phần đáng kể vào sự phát triển và trưởng thành của văn học Tây Ninh nói riêng và văn học hiện đại Việt Nam nói chung.

Vân An

Nhà văn Vân An (1925 - 2005) tên khai sinh là Trần Vạn An, quê quán tại Trảng Bàng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Là một thanh niên trí thức, ông đã cống hiến trọn vẹn tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp cách mạng từ những ngày kháng chiến mùa thu trên quê hương đến khi được vinh dự bước vào hàng ngũ của Đảng và trở thành cán bộ lãnh đạo báo chí và văn học nghệ thuật Tây Ninh.

Ông từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như Trưởng Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Tây Ninh, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh, Tổng Biên tập Báo Tây Ninh, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh… Ông viết văn, làm thơ, viết nhạc, kịch nói, viết báo nhưng thế mạnh vẫn là văn xuôi. Văn của Vân An như những tia lửa góp thêm vào đoá hoa lửa rực rỡ làm sáng ngời hình ảnh của đất và người Tây Ninh trung dũng, kiên cường.

Nhà văn Vân An

Từ quê hương Trảng Bàng lớn lên và tham gia kháng chiến, các tác phẩm của Vân An thường lấy cảm hứng từ con người và sự việc có thật ở vùng đất Tây Ninh. Khởi đầu nghiệp văn của Vân An là truyện ngắn Ngoài kia trời rộng nước trong. Thông qua câu chuyện của anh chiến sĩ cách mạng bị bắt, tác giả ca ngợi tinh thần yêu nước, đấu tranh chống xâm lược để đem lại độc lập, tự do cho nước nhà. Tác phẩm đạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn kháng chiến do Phòng Chính trị Quân khu 9 tổ chức (1948).

Trong thời gian tập kết ở miền Bắc, ông sáng tác đều đặn, các tác phẩm giai đoạn này ca ngợi những người nông dân kiên cường bám đất, một tấc không đi, một li không rời để ủng hộ và tham gia kháng chiến. Một số tác phẩm nổi bật: Lòng tin (tập truyện ngắn, 1959), Giữ súng mướn (tập truyện ngắn, 1960), Bám đất (tiểu thuyết, 1964)...

Sau năm 1975, người ta biết nhiều đến ông qua các tác phẩm như Màn kịch khóc cười (1978), Sài Gòn 46 (1986), Họ là ai? (1988)... Riêng tác phẩm “Họ là ai?” giống một thiên phóng sự báo chí phản ánh về chế độ diệt chủng của Pol Pot và cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nhà văn nêu bật tấm lòng nhân hậu của những người Khmer yêu nước và những việc làm chính nghĩa của người dân Việt Nam, đối lập với bọn Khmer Đỏ khát máu và những hận thù của bọn phản động lưu vong.

Nguyễn Đức Thiện

Nguyễn Đức Thiện (1949-2014), quê quán tại Thanh Hoá. Năm 1972, ông nhập ngũ, làm phóng viên Quân đoàn 2, đến năm 1976, ông về công tác tại Khu gang thép Thái Nguyên. Từ năm 1986, ông chuyển vào công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Tây Ninh.

Từ đó, ông gắn bó với đất Tây Ninh đến cuối đời. Sự nghiệp văn học của ông cũng được tạo dựng từ mảnh đất này. Nhà văn đã nhận được giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi Truyện ngắn Tây Ninh 1995 với truyện ngắn Đồng đội; giải Truyện ngắn hay nhất của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1996 với tác phẩm Bạn bè một thuở; giải Ba cuộc thi Truyện ngắn Tuần báo Văn nghệ Quân đội 1998-1999 với chùm truyện ngắn: Tiếng chim hót lúc sớm mai, Ông Ba Láng, Dòng sông vẫn trôi; giải A cuộc thi Truyện ngắn Báo Văn nghệ 1998-2000 với truyện ngắn Phía sau gương mặt người; giải Nhì cuộc thi bút ký Báo Văn nghệ năm 2002 với tác phẩm Tà Bình.

Nguyễn Đức Thiện sáng tác nhiều thể loại nhưng thế mạnh của ông là văn xuôi. Nổi bật trên trang viết của ông là bóng dáng con người Tây Ninh trong sự nghiệp chiến đấu chống kẻ thù xâm lược và quá trình đấu tranh chống lại biểu hiện tiêu cực trong những năm đầu xây dựng quê hương.

Nét đặc sắc trong ngòi bút Nguyễn Đức Thiện là ở khả năng quan sát sắc bén, tư duy logic, mang văn phong báo chí. Văn của ông vừa nóng hổi hiện thực đời sống vừa giàu chất trữ tình, đậm chất Nam bộ. Văn xuôi Nguyễn Đức Thiện hoà vào dòng chung khuynh hướng thế sự - đời tư của văn học Việt Nam.

Chân dung nhà văn Nguyễn Đức Thiện. Ảnh: Đ.H.T

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục