Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Một số nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2022-2023
Thứ hai: 00:17 ngày 12/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2022-2023 là “Ðoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ÐT đề ra 12 nhiệm vụ quan trọng, chính yếu của năm học này để các địa phương trong cả nước thực hiện.

Học sinh lớp 1, Trường tiểu học Nguyễn Hiền trong “ngày đầu tiên đi học”.

CHÚ TRỌNG GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ, THÍCH ỨNG VỚI THIÊN TAI

Ðẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở GD&ÐT.

Tổ chức thực hiện chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”; chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022-2030”; chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hoá học đường.

Các địa phương chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 chủ động, linh hoạt để thích ứng với tình hình thiên tai, dịch bệnh, vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục. Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học, phòng chống dịch bệnh và tai nạn thương tích.

Tăng cường tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và an toàn thực phẩm, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh; kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học.

CHUẨN HOÁ GIÁO VIÊN, KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG THIẾU GIÁO VIÊN

Nâng cao chất lượng, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2022-2023 và những năm  tiếp theo, trong đó, ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình GDPT 2018.

Thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Ðặc biệt, bố trí đủ giáo viên dạy học các môn Ngoại ngữ và Tin học để triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3.

Tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho GD&ÐT, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT 2018, trong đó tập trung cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025” và Ðề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”.

Củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, khuyến khích các địa phương có điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo. Từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

BẢO ÐẢM CÔNG BẰNG TRONG GIÁO DỤC

Triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11, sách giáo khoa tiếng dân tộc và tài liệu giáo dục địa phương.

Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách khác. Phát triển các phương thức giáo dục hoà nhập, chuyên biệt và bán chuyên biệt để đáp ứng quyền được học tập của người học là người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Khuyến khích phát triển và khai thác dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực GD&ÐT. Triển khai thực hiện hiệu quả Ðề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” và Ðề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025”.

Tăng cường công tác truyền thông giáo dục, chủ động thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới của ngành và việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ÐT.

VIỆT ÐÔNG

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục