BAOTAYNINH.VN trên Google News

Một số quy định mới về BHYT 

Cập nhật ngày: 28/11/2018 - 08:06

Ngày 17.10.2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 146/2018/NĐ-CP (NĐ 146) quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực từ ngày 1.12.2018. So với Nghị định 105/2014/NĐ-CP (NĐ 105) ngày 15.11.2014 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT, NĐ 146 có một số điểm mới. Báo Lao Động xin giới thiệu những điểm mới và quy định về mức hưởng BHYT trong NĐ 146.

Người có công với cách mạng được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh. Ảnh minh họa: Nam Dương

Mở rộng đối tượng tham gia BHYT do NLĐ và NSDLĐ đóng

NĐ 146 đã mở rộng nhóm đối tượng tham gia BHYT do NLĐ và NSDLĐ đóng lên 6 nhóm thay vì 5 nhóm  theo quy định tại NĐ 105. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1, điều 1, NĐ 146, thì nhóm người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương sẽ do NLĐ và NSDLĐ đóng BHYT. Đối với nhóm do tổ chức BHXH đóng BHYT, NĐ 146 quy định chặt chẽ hơn tại khoản 3, điều 2 là NLĐ phải nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành. Cũng trong nhóm này, NĐ 146 quy định NLĐ trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi nhận nuôi con nuôi thì BHYT do tổ chức BHXH đóng.

Cũng theo quy định tại NĐ 146, thì có thêm hai nhóm người được ngân sách Nhà nước đóng BHYT gồm: Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc, gồm: a) Người tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được hưởng trợ cấp theo một trong các văn bản sau: Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước; Quyết định số 188/2007/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước;  Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; và nhóm người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc họ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ (khoản 10, điều 3).

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 17, điều 3, NĐ 146 thì nhóm người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định của pháp luật về BHXH sẽ được ngân sách Nhà nước đóng BHYT thay cho tổ chức BHXH như quy định tại NĐ 105 trước đây.

Đối với nhóm người được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng, NĐ 146 bổ sung thêm nhóm người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, khoản 9, điều 3 NĐ 146. NĐ 146 cũng quy định bổ sung thêm các đối tượng sau đây được tham gia BHYTtheo hình thức hộ gia đình gồm: a) Chức sắc, chức việc, nhà tu hành; b) Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội trừ đối tượng quy định tại các điều 1, 2, 3, 4 và 6 NĐ 146 mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHYT.

NĐ 146 cũng bổ sung, sửa đổi một số trường hợp được xác định là tham gia BHYT 5 năm liên tục như: Người được cử đi công tác, học tập, làm việc hoặc theo chế độ phu nhân, phu quân hoặc con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi đi theo bố hoặc mẹ công tác nhiệm kỳ tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; Khoảng thời gian đã tham gia BHYT trước khi đi lao động ở nước ngoài được tính nếu tham gia BHYT khi về nước trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Khám, chữa bệnh tại tuyến xã hưởng 100% chi phí  

Theo quy định tại NĐ 146, người tham gia BHYT khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các điều 26, 27 và 28 của Luật BHYT; khoản 4 và 5 điều 22 của Luật BHYT thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:

a) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với gồm người có công với cách mạng; cựu chiến binh; người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; thân nhân của người có công với cách mạng; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng; b) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1.1.1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên;  Trẻ em dưới 6 tuổi. c) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã; d) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở; đ) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến; e) 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với đối tượng quy định tại khoản 1 điều 2, khoản 12 điều 3 và khoản 1 và 2 điều 4 NĐ 146; g) 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng khác.

Đối với trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến, sau đó được cơ sở nơi tiếp nhận chuyển tuyến đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức hưởng quy định tại khoản 3 điều 22 của Luật BHYT, trừ các trường hợp sau: cấp cứu; đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh khác ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. 

Nguồn LĐO