BAOTAYNINH.VN trên Google News

Một số quy hoạch triển khai thực hiện tốt, nhưng vẫn còn nhiều quy hoạch “treo”

Cập nhật ngày: 16/09/2010 - 12:12

Từ năm 2007 đến nay, hằng năm UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chuyên môn tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch ngành, lĩnh vực trình HĐND tỉnh xem xét thông qua làm cơ sở định hướng cho phát triển kinh tế - xã hội; cho công tác đầu tư xây dựng các công trình và thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Cụ thể 3 năm qua UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua 12 quy hoạch, bao gồm quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch phát triển tổng thể ngành, lĩnh vực; đồng thời chỉ đạo các ngành, các cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân các quy hoạch đã được phê duyệt và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện.

Đoàn giám sát làm việc với các ngành tại Văn phòng HĐND tỉnh

Qua đợt giám sát mới đây của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh cho thấy, các quy hoạch tầm nhìn đến năm 2020 đã được quán triệt và triển khai thực hiện. Về cơ bản các mục tiêu và định hướng của các quy hoạch đều phù hợp, sát với điều kiện thực tế của địa phương. Việc phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với quy hoạch được duyệt, một số chương trình, dự án đầu tư được triển khai tích cực, các công trình đưa vào sử dụng đem lại hiệu quả thiết thực phục vụ cho phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tình hình triển khai thực hiện các quy hoạch còn rất chậm, nhiều quy hoạch được HĐND tỉnh thông qua nhưng chậm được công bố và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, cá biệt có quy hoạch đến nay vẫn chưa được phê duyệt; nhiều chương trình, dự án còn đang trong giai đoạn dự thảo, xây dựng phương án triển khai,… nên ảnh hưởng đến việc tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và thu hút các nguồn vốn hợp pháp khác. Điển hình một số quy hoạch như: thực hiện “Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh”, đến nay trên toàn tỉnh có 108 chợ ở 78 xã, phường, thị trấn. Đã đầu tư xây mới và nâng cấp 55 chợ theo quy hoạch (18 chợ xây mới, 33 chợ nâng cấp, di dời 4 chợ) với tổng vốn đầu tư khoảng 62 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, vốn các chương trình mục tiêu. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại quy mô lớn tiến độ triển khai rất chậm (các Trung tâm thương mại: Long Hoa, phường 2, Trảng Bàng…), một số chợ biên giới như Vạc Sa, Chàng Riệc, Phước Trung,… được đầu tư từ lâu nhưng chưa đưa vào sử dụng do chưa hoàn chỉnh các công trình phụ, vị trí xây dựng không phù hợp.

Đối với “Quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh”, việc triển khai thực hiện ở một số ngành không đảm bảo đúng định hướng theo quy hoạch được phê duyệt, công nghiệp chế biến mía đường giảm sản lượng, công suất thực tế của các nhà máy chế biến chỉ đạt khoảng 60% do nguyên liệu mía không ổn định. Trong khi đó, ngành chế biến khoai mì công suất đã tăng gấp 2 lần so với năm 2005, ngành chế biến mủ cao su tăng công suất vượt so với quy hoạch 1,7 lần. Đối với ngành sản xuất kinh doanh phôi thép xây dựng có tình trạng cấp phép không theo quy hoạch, số cơ sở này ngày càng nhiều dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm môi trường ngày càng tăng.

Về thực hiện “quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế”, trên địa bàn tỉnh có 2 khu kinh tế cửa khẩu; 9 khu công nghiệp; 18 cụm công nghiệp và 6 cụm (điểm) công nghiệp, ngoại trừ Khu Công nghiệp Trảng Bàng đã lấp đầy diện tích đất và đi vào hoạt động. Tuy nhiên phần lớn các khu công nghiệp còn lại đang trong quá trình đo đạc và lập quy hoạch, tiến hành giải phóng mặt bằng, đền bù cho dân, chưa triển khai các bước đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; các cụm công nghiệp. Có 2 cụm công nghiệp (Bến Kéo, Thanh Điền) có dự án đầu tư sản xuất; cụm công nghiệp Suối Cạn không thực hiện được, các cụm còn lại phần lớn chưa triển khai xây dựng hạ tầng.

Về thực hiện “Quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh”, đã xác lập được 4 đơn vị chủ rừng, hiện có 2 đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, các đơn vị còn lại đang chờ Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định cấp giấy, riêng đối với rừng sản xuất, chưa cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu rừng sản xuất cho dân nên công tác quản lý còn nhiều khó khăn, hiện trạng các cột mốc cũ đã mất hoặc hư hỏng, nhưng công tác cắm mốc các loại rừng trên thực địa còn vướng mắc, trùng lắp với dự án cắm mốc ranh giới các nông trường nên chưa triển khai thực hiện việc cắm mốc mới. Công tác khoanh nuôi, tái sinh và bảo vệ rừng theo quy hoạch cơ bản thực hiện đảm bảo tốt, hạn chế được tình trạng phá rừng, tuy nhiên một số khu vực khoanh nuôi tái sinh rừng không hiệu quả như khu rừng tại xã Hoà Hội, khu vực cầu Sài Gòn, khu 522, 681 thuộc khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Đối với “Quy hoạch tổng thể phát triển thuỷ sản của tỉnh”, hiện đang tiến hành đầu tư xây dựng 1 nhà máy chế biến thuỷ sản (cá tra xuất khẩu), từng bước áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thuỷ sản, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong nông nghiệp; tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng đê bao tiểu vùng phục vụ cho hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản còn chưa hiệu quả, kết quả sử dụng vốn đầu tư đến nay đạt thấp, khoảng 36,7% (9 tỷ/24,5 tỷ) do còn vướng công tác đền bù cho dân trong vùng quy hoạch.

Một buổi giám sát tại trụ sở UBND huyện Châu Thành

Một số quy hoạch khác như: “Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn của tỉnh”, đến nay chỉ mới tổ chức tuyên truyền, chưa tiến hành triển khai thực hiện được các dự án. “Quy hoạch phát triển nhà ở xã hội của tỉnh”, mặc dù đã được HĐND tỉnh thông qua từ 16.7.2009 tuy nhiên đến nay, ngành chức năng vẫn chưa hoàn thành các thủ tục cần thiết để trình UBND tỉnh ban hành quyết định tổ chức thực hiện. “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh”, việc đầu tư xây dựng không đúng tiến độ đã được phê duyệt, các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch chưa hấp dẫn các nhà đầu tư và khách tham quan. Các dự án theo quy hoạch được phê duyệt vẫn đang trong tình trạng “dự án quy hoạch” chưa triển khai thực hiện được. “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế của tỉnh”, đã thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực y tế với chủ trương cho xây dựng và nâng cấp 2 cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh; tuy nhiên, phần lớn các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đang trong “giai đoạn viết dự án”, các dự án kế thừa quy hoạch trước đó như nâng cấp bệnh viện đa khoa tuyến huyện đang trong giai đoạn thi công với tiến độ thực hiện chậm, một số dự án chưa bố trí được quỹ đất để xây dựng (Bệnh viện y học cổ truyền, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, …)...

Để thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, Ban Kinh tế và Ngân sách đã đề nghị UBND tỉnh trong quá trình chỉ đạo điều hành việc thực hiện các quy hoạch trên địa bàn tỉnh cần tập trung thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chỉ thị số 09/2008/CT-TTg ngày 28.2.2008 về việc tăng cường công tác lập và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, Chỉ thị số 09/2007/CT-TTg ngày 6.4.2007 về tăng cường quản lý sử dụng đất của các quy hoạch và dự án đầu tư. Đặc biệt, tiến hành rà soát và kiên quyết thu hồi đất tại các dự án đối với các chủ đầu tư không có khả năng thực hiện; làm tốt công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi tiến hành thu hồi đất. Đối với các trường hợp quy hoạch mà chưa đủ điều kiện thực hiện được, UBND tỉnh cần chỉ đạo điều chỉnh mốc thời gian thực hiện và công bố rộng rãi ra dân, thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đất đai nhằm đảm bảo các quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch. Đồng thời, tiến hành kiểm điểm và xử lý trách nhiệm các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện đúng quy định để chấn chỉnh nghiêm công tác thực hiện quy hoạch trong thời gian tới.

N.M