BAOTAYNINH.VN trên Google News

Một tấm lòng gió đã cuốn đi… 

Cập nhật ngày: 26/09/2020 - 19:38

BTN - Khi bước sang tuổi thất thập, và người bạn đường chung thuỷ cũng đã vĩnh biệt anh mãi mãi ra đi, anh Năm Lến mới chia tay ngành mía đường của quê hương Tây Ninh để về sống với con cháu ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Kỹ sư Vương Văn Lến (ảnh chụp khi đương nhiệm Ðại biểu HÐND tỉnh khoá IV-V).

Hơn bốn mươi năm trước, bạn đọc thường thấy xuất hiện trên Báo Tây Ninh bút danh “kỹ sư Vương Văn Lến”, thường gọi là Năm Lến. Sự xuất hiện của cái tên kèm theo chức danh ấy trên Báo Tây Ninh rất sớm, gần như từ ngay sau khi tờ báo từ chiến khu về, chính thức có quyết định thành lập, có giấy phép xuất bản công khai, phát hành rộng rãi trên địa bàn tỉnh.

Ðó cũng là do yêu cầu nhiệm vụ cách mạng lúc bấy giờ, tỉnh nhà mới giải phóng, mọi việc còn ngổn ngang trong tình cảnh cực kỳ khó khăn, sản xuất đình đốn, ngân sách, lương thực đều thiếu thốn… Vì thế, lãnh đạo tỉnh một mặt ứng phó với tình hình chính trị, xã hội, một mặt phát động mạnh mẽ toàn dân “bung ra” sản xuất nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực, không để dân bị đói.

Tất nhiên, tờ báo của Ðảng bộ tỉnh phải tập trung tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị. Và không đợi ai mời gọi, kỹ sư Vương Văn Lến, lúc ấy là “chuyên viên 3” ngạch bậc cao nhất trong Ty Nông nghiệp, phụ trách mảng công tác kỹ thuật trồng trọt của Ty ngày ngày tích cực bám địa bàn các huyện, thị trong tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất, đêm về viết tin, bài cộng tác với Báo Tây Ninh về những đề tài “sát sườn” phong trào sản xuất tại các địa phương.

Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn còn nhớ, mùa khô 1978-1979, giặc Pol Pot vừa bị dẹp yên bên kia biên giới, ở bên này, suốt một vạt đất ruộng dài hàng chục ki-lô-mét dọc quốc lộ 22B từ Cầy Xiêng, xã Ðồng Khởi, huyện Châu Thành lên tới xã Mỏ Công, huyện Tân Biên trở thành “cánh đồng lớn” sản xuất lương thực cứu đói.

Với sự ủng hộ nhiệt tình của đồng bào, hàng ngàn ha ruộng lúa mùa khô được những đôi tay của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan tỉnh, cùng với lực lượng Thanh niên Xung phong (TNXP) từ biên giới về đào giếng khắp mặt ruộng để lấy nước tưới bắp.

Những người từng tham gia “chiến dịch sản xuất cứu đói” năm ấy đều còn nhớ hình ảnh kỹ sư Năm Lến, người dong dỏng cao gò lưng phóng xe Honda CD ngược xuôi từ Thị xã lên Châu Thành, Tân Biên để hướng dẫn các “tổ, đội sản xuất nghiệp dư” trồng trọt, chăm sóc cánh đồng bắp (ngô).

Riêng với Tổng đội TNXP Tây Ninh, Năm Lến vận động Tổng Ðội trưởng Hai Chương nhờ người chủ nhà nơi Ban Chỉ huy Tổng đội trú đóng cho mượn khoảng sân rộng trước nhà để… trồng lúa! Lúc ấy, nghe nói chuyện trồng lúa cạn trên sân đất khô, ai nấy đều lắc đầu, không thể tin được.

Nhưng với tinh thần chấp hành kỷ luật như bộ đội, anh em tổ sản xuất TNXP thực hiện răm rắp lời anh Năm Lến chỉ bảo, hướng dẫn từng ly, từng tí qua từng ngày trong suốt ba tháng ròng nhân giống lúa A3. Nghe đâu anh đã phóng xe xuống tận Trường đại học Cần Thơ xin Tiến sĩ Võ Tòng Xuân được mấy nắm giống lúa mới, bỏ túi áo giắc-két đem về.

Vậy mà đến cuối vụ Ðông Xuân, khoảng sân rộng chỉ vài trăm mét vuông ấy đã cho thu hoạch cả chục giạ lúa giống “quý hiếm” để Ty Nông nghiệp tỉnh cung cấp cho các địa phương trong tỉnh sản xuất đại trà giống lúa A3 vào các vụ sau.

Nhà máy đường Nước Trong năm 1995. Ảnh do Bảo tàng tỉnh cung cấp

Chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, năm 1980, kỹ sư Vương Văn Lến được lãnh đạo tỉnh bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Nông trường quốc doanh Nước Trong. Bây giờ thì anh Năm Lến mới có “đất dụng võ”.

Tại Nước Trong, ban đầu, Năm Lến là Phó Giám đốc kỹ thuật, mấy năm sau là Giám đốc nông trường, và anh đã thực sự biến đơn vị kinh tế quốc doanh này thành một trong hai điểm sáng ở miền Nam trong công cuộc đổi mới kinh tế nông nghiệp: miền Tây  có nông trường Sông Hậu, miền Ðông có nông trường Nước Trong.

Mấy chục năm qua, với Báo Tây Ninh, anh Năm Lến và Nông trường Nước Trong đã có thời là “nhân tố mới”, là “nhân vật điển hình”. Còn với anh Năm Lến, Báo Tây Ninh là “nhân chứng lịch sử” của cuộc đời anh. Trong bài báo này, người viết xin kể lại một số việc anh Năm Lến đã làm ở Nước Trong nói riêng, ở Tây Ninh nói chung liên quan đến một ngành kinh tế - kỹ thuật chủ lực của tỉnh - ngành mía đường. 

Việc đầu tiên là anh Năm Lến đã mạnh dạn đề xuất nông trường ký kết với tư nhân hợp đồng sản xuất mía trên diện tích đất được Nhà nước giao cho đơn vị từ năm 1981. Với sự cổ vũ, động viên của lãnh đạo tỉnh, Năm Lến cùng các cộng sự mời gọi những người trồng mía đầy kinh nghiệm trong tỉnh đến với nông trường, mang theo xe, máy nông nghiệp của gia đình, lên nông trường tham gia sản xuất mía.

Ðối với lực lượng sản xuất cơ hữu của nông trường là công nhân trong các đội sản xuất, Ban giám đốc nông trường tiến hành khoán sản phẩm theo hợp đồng kinh tế với những định mức, điều kiện có phần ưu đãi hơn hợp đồng tư nhân vì được sử dụng phương tiện, thiết bị máy móc nông nghiệp quốc doanh, lại còn có đồng lương căn bản.

Kết quả sau ba năm đầu tiên, tròn một chu trình vòng đời cây mía, diện tích mía của nông trường Nước Trong tăng gấp hơn 10 lần, từ chưa đầy 100 ha tăng lên hơn 1.000 ha, năng suất bình quân đạt 51 tấn/ha/vụ, trong khi năng suất mía bình quân toàn tỉnh là 35 tấn/ha/vụ và năng suất định mức khoán theo hợp đồng là 45 tấn/ha/vụ.

Những con số này không có gì khó để tính ra hiệu quả của việc hợp đồng trồng mía: với diện tích, năng suất ấy, năm 1985, nông trường đạt sản lượng 51.000 tấn mía cây, người lao động (cả hợp đồng và công nhân nông trường) lời được 10 tấn mía cây/ha và được nông trường thu mua hết với giá cả thoả thuận trong khung giá quy định của Nhà nước.

Thu hoạch mía. Ảnh: Sơn Trần

Một thành tích đáng kể nữa của Năm Lến là kết quả thiết thực của việc anh nghiên cứu khoa học kỹ thuật trên cây mía. Từ trước đến nay, cây mía là “cây trồng hằng niên” ở Tây Ninh, chỉ trồng mỗi năm một vụ Hè Thu vào đầu mùa mưa với năng suất, sản lượng có hạn.

Do vậy, đến vụ thu hoạch, các cơ sở chế biến chỉ hoạt động vài tháng là “tắt lò, úp chảo” chờ đến năm sau. Sau khi khảo cứu nắm vững điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, đặc tính cây trồng, tập quán canh tác của vùng Bắc Tây Ninh, anh Năm Lến cùng đội ngũ cán bộ kỹ thuật của nông trường mạnh dạn trồng thí điểm cây mía vụ Ðông Xuân vào đầu mùa khô.

Sau khi 3 ha mía thí điểm đạt yêu cầu, cho năng suất, sản lượng không kém mía Hè Thu, nông trường Nước Trong đã thực hiện đại trà mỗi năm hai vụ mía Hè Thu và Ðông Xuân. Cho đến ngày nay thì việc trồng mía “mùa nghịch” đã phổ biến khắp tỉnh, khắp các vùng chuyên canh mía trong nước.

Với tư cách người đứng đầu một đơn vị kinh tế hoạt động hiệu quả trên vùng đất Bắc Tây Ninh, kỹ sư Vương Văn Lến được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh liên tiếp hai nhiệm kỳ 1989-1999.

Những năm đầu thập niên 1990, sau khi tỉnh xây dựng thành công nhà máy đường công suất 500 tấn mía cây/ngày (rồi đến nay đã nâng lên 1.500 tấn mía cây/ngày), nông trường và nhà máy đường cùng mang tên Nước Trong được sáp nhập lại thành Công ty Mía đường Tây Ninh, kỹ sư Vương Văn Lến được chuyển sang làm Phó tổng Giám đốc Công ty đường Biên Hoà, phụ trách việc xây dựng vùng nguyên liệu mía phục vụ cho nhà máy chế biến đường công suất 3.500 tấn mía cây/ngày đặt tại Tây Ninh.

Sau khi nghỉ hưu ở đơn vị kinh tế quốc doanh, dù không còn tuổi lao động, anh Năm Lến vẫn còn hoạt động trong ngành mía đường với việc hợp tác sản xuất mía cho Công ty Nagazunar, của nhà đầu tư Ấn Ðộ đặt nhà máy ở Long An, xây dựng vùng nguyên liệu ở huyện Châu Thành, Tây Ninh.

Khi bước sang tuổi thất thập, và người bạn đường chung thuỷ cũng đã vĩnh biệt anh mãi mãi ra đi, anh Năm Lến mới chia tay ngành mía đường của quê hương Tây Ninh để về sống với con cháu ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ðã lâu không gặp nhau, mới đây, tình cờ gặp lại một người cộng sự với anh ở nông trường Nước Trong, người viết bài này mới biết kỹ sư Vương Văn Lến qua đời ở tuổi 75. Anh Năm Lến đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 29.8.2020. Hay tin muộn, không được tiễn đưa anh về cõi vĩnh hằng, người viết xin được một lần nữa kể về anh như một người đã cống hiến trọn đời mình cho quê hương Tây Ninh.

Ký sự của NGUYỄN TẤN HÙNG