Văn hóa - Giải trí   Về Tây Ninh

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Một tập ảnh quý về Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 25/04/2019 - 13:08

BTN - Thật mừng khi cầm trên tay tập ảnh Di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh do Sở VH,TT&DL phát hành cuối năm 2018. Cầm cuốn sách ảnh trên tay đã có cảm tình ngay! Bởi trang bìa là hình ảnh một phần trung tâm của TP. Tây Ninh dưới góc máy flycam.

Căn hình rất chuẩn với 2/3 là đất, 1/3 là trời. Núi Bà Ðen nhô lên chiếm thêm một góc dưới trời mây bảng lảng. Núi và nước rạch Tây Ninh đều đậm màu lam sẫm, làm nổi bật lên trắng muốt ba nhịp cầu Quan. Góc bên phải là cảnh chợ hoa xuân trên bến dưới thuyền. Rồi mái đỏ, tường vàng lô nhô giữa những cụm rừng cây xanh mướt. Ôi chà! Thành phố mình thế này, giữa vườn cây - vườn trong phố, phố trong vườn…

Giở ngay trang đầu tiên ra xem, lại “choáng” nữa bởi một đại cảnh hoàng hôn Lòng hồ Dầu Tiếng tràn ra suốt 2 trang giấy (khổ 20 x 25cm). Cảnh hoàng hôn này miên man, rực rỡ biết bao. Mặt nước nhuộm thắm ráng mỡ gà làm đậm đen thêm dáng núi. Cũng sừng sững bên trái của đại cảnh là biểu tượng của lòng hồ như một đoá sen bê tông lừng lững đứng soi gương. Chợt nhớ đến ý kiến một cô giáo trẻ người Hà Nội. Cô bảo hoàng hôn Tây Ninh có cái gì lạ lắm! Trời màu cam trong veo như thể rất mơ hồ. Ðấy là cô mới cảm nhận qua mấy tấm ảnh của học trò trong triển lãm “Tây Ninh trong em là…” do Tổ chức Teach for Vietnam của cô tổ chức.

Vậy ngắm cảnh hoàng hôn “panorama” này, cô còn kinh ngạc đến đâu! Kể cho tổng quát lại, sách dày tới 98 trang, toàn giấy ảnh láng bóng trắng dày, bìa cứng. Sách đã lựa chọn ra giới thiệu 27 di tích lịch sử văn hoá hoặc danh lam thắng cảnh ở Tây Ninh. Cũng chỉ là một phần nhỏ trong hàng trăm di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh đã được công nhận. Nhưng rõ ràng đây là phần có thể nói là tiêu biểu nhất.

Lần lượt giở từng trang, di tích giới thiệu đầu tiên là Căn cứ Trung ương Cục miền Nam- di tích quốc gia đặc biệt. Có ảnh của ngôi nhà lợp lá trung quân, giữa một lõm rừng nên mái vẫn sáng ngời lên trong nắng. Ðường mòn và vách chiến hào qua đây óng ánh rêu xanh. Rồi, bức tranh hoành tráng ở quảng trường khu đón tiếp vẫn tươi rói những sắc màu men sứ.

Cô giáo đang chỉ cho các học sinh từng chi tiết tranh, như đang có một bài học lịch sử giữa rừng. Ta cũng sẽ gặp lại các đồng chí lãnh đạo tỉnh và trung ương trở lại miền căn cứ. Và cả những quang cảnh các công trình tưởng niệm nổi bật trên nền rừng cây, hồ nước, mây trời… Có nơi lại tưởng là công viên thành phố nào đây?

Sách ảnh tiếp tục đưa ta về những di tích cấp quốc gia. Như địa điểm lưu niệm Chiến thắng Junction City, địa điểm chiến thắng Tua Hai, địa điểm thành lập cơ sở Ðảng Cộng sản đầu tiên tại Giồng Nần, Căn cứ Dương Minh Châu, Ðịa đạo An Thới (Trảng Bàng), Ðịa đạo Lợi Thuận (Bến Cầu), Căn cứ Thanh niên cách mạng Trảng Bàng tại rừng Rong (An Tịnh)...

Giữa những tấm ảnh màu mô tả cảnh vật và sinh hoạt truyền thống hiện thời, có cả những bức ảnh tư liệu đen trắng thời kháng chiến. Thật ngạc nhiên đấy lại là những tấm ảnh rõ ràng, sắc nét, đặc tả sâu sắc nhất về những trang sử hào hùng thời kháng chiến chống Mỹ. Trong ảnh là cảnh chiến đấu của bộ đội ta trong các trận chống càn Junction City trên vùng rừng căn cứ Bắc Tây Ninh.

Những trang tiếp theo cũng là những ảnh đặc tả về các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh tiêu biểu cho các thời kỳ phát triển của miền đất Tây Ninh. Các di tích cổ nhất, có trên 1.200 năm lịch sử là tháp Chót Mạt (Tân Biên) và tháp Bình Thạnh (Trảng Bàng). Sau nữa là những ngôi đình Hiệp Ninh, Thái Bình, Gia Lộc, Long Thành, Cẩm An, Trường Ðông…hay khu di tích mộ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản; các ngôi chùa Khedol, Gò Kén, gò chùa Cao Sơn…

Dấu vết của đô thị cổ đầu tiên ở Tây Ninh cũng có mặt ở đây là thành bảo Cẩm Giang, có ngay từ khi Tây Ninh mới chỉ là một đạo Quang Phong, với đạo sở là thành Quang Hoá (1824). Di tích duy nhất vẫn thuộc sở hữu tư nhân là ngôi nhà cổ của Ðốc phủ sứ Nguyễn Tâm Kiên. Và không thể thiếu vắng những hình ảnh của Toà thánh Tây Ninh và Lòng hồ Dầu Tiếng…

Gọi là tập ảnh, nhưng cũng có những lời giới thiệu từng di tích. Có lẽ do đã rút kinh nghiệm từ chuyện phát hành cuốn sách Di tích lịch sử - văn hoá và danh thắng tỉnh Tây Ninh (2014) và thái độ cầu thị của ban biên tập mà những sai sót của tập sách trước đã bị loại trừ. Ví dụ, trang viết về di tích Tua Hai (trang 16) đã không còn đoạn hư cấu như trong sách trước.

Ðấy là đoạn mô tả: “một căn cứ chứa vũ khí, quân trang, quân dụng cho cả vùng 3 chiến thuật…”. Bài viết về Căn cứ Dương Minh Châu cũng đã được sửa lại cho đúng là: “khu rừng dầu lịch sử tại ấp Phước Tân, xã Phước Minh… được chọn làm di tích căn cứ Dương Minh Châu” không phải như sách cũ đã viết sai rằng: địa điểm ấy chính là căn cứ Dương Minh Châu.

Vì trên thực tế, căn cứ địa này là cả một vùng rộng lớn bao gồm cả hai huyện Dương Minh Châu và Tân Châu hiện tại. Dù vậy, có lẽ cũng cần viết rõ hơn nữa, rằng đây cũng chính là huyện căn cứ địa Dương Minh Châu của tỉnh Gia Ðịnh Ninh, được thành lập từ tháng 5.1951 (như một số sách lịch sử về Tây Ninh đã viết).

Về hai di tích cổ nhất, nếu như những trang ảnh về tháp Chót Mạt giúp người xem hình dung rõ rệt các thời kỳ của đền tháp; từ hình ảnh điêu tàn, trước khi được trùng tu, với cả những hoa văn đặc sắc và hình ảnh hiện nay sau khi đã trùng tu, thì ở tháp Bình Thạnh (trang 41-43) lại có thể khiến bạn đọc hiểu lầm, khi giới thiệu một mảng phù điêu được cho là đặc sắc. Thực ra đấy chỉ là một mảng phù điêu mới tôn tạo. Phần di tích gốc, đáng ca ngợi nhất lại chính là mảng đá làm lanh tô trên cửa ra vào của tháp. Ðấy mới thật sự là tác phẩm đã vượt qua 12 thế kỷ còn lại đến ngày nay.

Cũng hơi tiếc cho trang di tích núi Bà Ðen. Dù đã sửa lại cho đúng trong lời giới thiệu là Ðiện Bà ở độ cao 225m (thay cho 350m như đã sai trong sách trước) nhưng lại chọn ảnh chụp chùa Bà với điện thờ vào thời điểm thiếu vắng khách hành hương (trang 48). Ðã thế lại bị cây lá che khuất đi một phần mái. Trong khi đó, có rất nhiều những tấm ảnh hội xuân rất đông người và tràn ngập niềm vui trên sân núi Ðiện Bà.

Thêm nữa, tấm ảnh liền kề chụp đôi thanh niên đẹp đẽ gảy đàn trên đỉnh núi lại chưa chắc đã là đỉnh núi. Bởi cái chóp hình kim tự tháp ấy là do các bạn tự làm ra để đặt lên chụp ảnh mà thôi. Do vậy nó không chứa đựng giá trị nào về lịch sử văn hoá.

Sau cùng là một sai sót (có lẽ là duy nhất) trong phần giới thiệu di tích cấp quốc gia đình Long Thành. Trang 40 có tấm ảnh rước sắc trong lễ hội Kỳ yên đình Long Thành nhưng các biên tập viên chắc đã xếp nhầm ảnh từ đâu đó về đây. Vì không gian đường phố ấy là không thể có khi rước sắc (hoặc thỉnh tro) ở đình Long Thành. Và cả cái kiệu cũng không phải nốt. Còn ảnh chụp từ đâu, xin Ban Biên tập xác minh lại cho và nếu có thể thì kịp thời đính chính.

Thêm nữa, sách ảnh cũng có vài thiếu sót nhỏ như các trang giới thiệu di tích quốc gia đặc biệt Trung ương Cục lại không có tấm ảnh nào về căn cứ MTDTGPMNVN hay Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMN VN, dù ở đấy có rất nhiều cảnh quan đặc sắc. Ngay cả tấm ảnh bìa rất đẹp, giá được cập nhật thêm khách sạn Vinpearl, chắc sẽ có giá trị hơn. Và cũng không hiểu vì sao, ảnh in trong sách lại không ghi tên tác giả, liệu có hợp lý với các quy định về bản quyền tác giả?

TRẦN VŨ

 


Liên kết hữu ích