Từ xa xưa, đa số bà con vùng Bảy Núi, An Giang, sống bằng nghề nông - lâm kết hợp và thường xuyên chở nông sản thực phẩm, gia súc, cây củi ra chợ mua bán, trao đổi. Phương tiện phổ biến nhất là xe bò và xe ngựa. Gần một thế kỷ trôi qua, bà con ở hai huyện miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn vẫn gắn bó thân thiết với con bò và con ngựa, cũng giống như người đồng bằng sông nước gắn liền với con trâu và chiếc xuồng.
Vào những ngày lễ Tết và hội hè, nhất là lễ hội vía Bà tháng tư, du khách đổ về Bảy Núi sẽ không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy những chiếc xe ngựa chất lỉnh kỉnh nào trái cây, rau củ, gia súc và các sản vật núi rừng, chạy lộc cộc trên những con đường tráng nhựa.
|
Chở hàng bằng xe ngựa lộc cộc trên đường |
Có lẽ ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay chỉ ở vùng Bảy Núi và một số ít nơi còn sót lại những chiếc xe ngựa kiểu dáng thô sơ này. Khác với xe ngựa Đà Lạt và Bình Dương - một loại xe có thùng cây, mui và chỗ dựa chắc chắn, xe ngựa vùng Bảy Núi do người Khơme chế ra rất đơn giản, mui trần, bánh cây, không tay vịn, người ngồi không quen cứ lắc qua lắc lại cơ hồ như muốn ngã. Mãi đến sau năm 1954 bánh xe bằng cây mới được thay thế bánh bơm nên chạy nhanh và êm hơn. Khi xe chạy, người cầm cương (xà ích) thường bóp còi bí bo lại còn gắn thêm chuông hoặc lục lạc lên cổ ngựa để phát ra tiếng leng keng thật lạ và êm tai.
Trước đây, tại các tỉnh miền Tây có loại xe ngựa kiểu dáng Pháp, chuyên dùng chở khách và hàng hóa, nhưng loại xe này đã vắng bóng từ sau năm 1967. Theo một số nguồn tư liệu thì xe ngựa đã xuất hiện ở Sài Gòn vào năm 1920, cho đến năm 1930 mới xuất hiện ở Nam kỳ lục tỉnh. Đó là loại xe kiểu Pháp, có mui, còn loại xe ngựa dáng thô sơ ở vùng Bảy Núi chưa ai biết đích xác ra đời vào năm nào, nhưng thịnh hành nhất là trước năm 1970 ( khoảng 100 chiếc) nay chỉ còn khoảng 40 chiếc, phần lớn do người dân tộc Khmer điều khiển.
|
Những chú ngựa được tháo cương để ăn cỏ ven đường |
Khi những chiếc xe máy ồ ạt xuất hiện ở Việt Nam, nhiều người đã cải tiến xe lôi đạp thành xe lôi máy. Trẻ con ngày xưa thường chạy theo những chiếc xe ngựa trang trí lộng lẫy nào pa nô, áp phích để xin tờ quảng cáo về truyện phim hoặc tuồng cải lương sắp trình chiếu. Nay những hình bóng ấy đã đi vào quá khứ, nhưng mỗi lần về Tri Tôn nghe tiếng nhạc ngựa nhiều người lại cảm thấy nao nao như được sống lại một thời tuổi thơ êm ả.
Tại Tri Tôn và Tịnh Biên, loại hình xe ngựa vẫn tồn tại cho đến hôm nay do tính đặc trưng của một vùng rừng núi và nhu cầu sử dụng của người địa phương. Xe ngựa Bảy Núi chủ yếu để chở người và hàng hóa từ các phum sóc xuống phố huyện và chở hàng công nghệ phẩm từ thị trấn ngược lên miền núi. Vì phải lên xuống dốc, đôi khi còn phải băng qua những đoạn đường đất đá chông chênh nên kiểu dáng xe ngựa nơi đây rất thấp, nhỏ, gọn để tiện dụng bất cứ nơi nào. Mỗi chiếc xe ngựa có thể chở từ 300 đến 500 kg hàng hóa, đặc biệt là lúa gạo và trái cây, kèm thêm vài ba người.
|
Diễu hành xe ngựa - nét văn hóa xưa vẫn còn tồn tại ở vùng Bảy Núi, An Giang |
Các lão làng ở xã Văn Giáo (Tịnh Biên) và xã Lương Phi (Tri Tôn) kể rằng trước đây phương tiện vận chuyển phổ biến ở vùng Bảy Núi chỉ có xe ngựa và xe bò, nhưng xe bò dùng chở các vật liệu nặng hơn như lúa, rơm, cây củi. Dọc theo những con đường dưới chân núi Dài, núi Cô Tô và núi Cấm ngày nay lúc nào cũng có những chiếc xe ngựa và xe bò chở đầy hàng hóa ì ạch bên cạnh những chiếc xe hơi đời mới bóng lộn.
Người đánh xe ngựa và xe bò bao giờ cũng chậm rãi, thong dong và nhàn hạ, không vội vàng, khẩn trương như các loại xe cơ động. Những người khách ngồi trên xe cũng không có gì hối hả, họ cứ râm ran hết chuyện này đến chuyện nọ.
Theo VNE