Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sau nhiều năm xa cách, nay có dịp trở lại thăm Pleiku (tỉnh Gia Lai), tôi vui mừng thấy phố núi này có nhiều thay đổi. Nhiều công trình được đầu tư xây dựng, thành phố như khoác lên mình chiếc áo mới.
Hấp dẫn Quảng trường Đại Đoàn Kết
Năm 2012, Quảng trường Đại Đoàn Kết được khánh thành và mở cửa phục vụ du khách. Đây là một công trình quy mô, quan trọng không thể bỏ qua nếu đến Gia Lai.
Quảng trường rộng 12 ha, trong đó gồm nhiều hạng mục như: Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên; phù điêu bằng đá mô tả cuộc sống, sinh hoạt của các dân tộc Tây Nguyên; mô hình núi Hàm Rồng; Bảo tàng cổ vật, Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, mô hình nước Việt Nam thu nhỏ, nhà Rông, nhà sàn Tây Nguyên thu nhỏ,…
Đặc biệt ấn tượng với chúng tôi là bộ cồng chiêng bằng đồng to lớn. Bộ này gồm 11 chiếc chiêng, trong đó có 6 chiêng bằng, 5 chiêng núm và một chiếc trống lớn.
Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây nguyên ở Quảng trường Đại Đoàn Kết.
Tôi ấn tượng với bức thư tạc trên tảng đá nặng hơn 102 tấn. Nội dung bức thư là lời của Bác gửi đến đồng bào dân tộc thiểu số nhân Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku năm 1946: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Bahnar và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.
Đó là lời nhắn nhủ của Hồ Chủ tịch mà cho đến tận ngày nay, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vẫn lấy làm chân lý sống cho mình.
Bà Rơ Châm H’Yéo- Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai kể cho chúng tôi nghe về quá trình đón nhận thư Bác: Hồi đó người dân Gia Lai nghèo lắm, không có đủ gạo, đủ muối để ăn, không đủ áo để mặc nhưng vẫn kiên trung, dũng cảm theo Bác Hồ, theo cách mạng đến cùng. Ngày nhận thư Bác, bà con ở các làng ai cũng mừng rơi nước mắt. Như vậy là các dân tộc Tây Nguyên đã được ở trong tim Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn được Chính phủ quan tâm đặc biệt. Không ai bảo ai, người Jrai cũng như Bahnar, mỗi nhà đều dịch bức thư của Bác treo vào nơi trang trọng nhất ở trong gia đình.
Bức thư tạc trên tảng đá.
Những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt đến là vậy nhưng đồng bào Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng vẫn sắc son một lòng với cách mạng, vẫn đoàn kết bên nhau đánh đuổi giặc Pháp, Mỹ rồi tàn quân Fulro và sau đó bắt tay vào kiến thiết quê hương. Có được điều này là nhờ mỗi đồng bào dân tộc nơi dây thấm nhuần lời dạy của Bác về tinh thần đại đoàn kết, về giá trị bất biến của lòng tự hào cách mạng.
Đẹp hơn “đôi mắt Pleiku”
Mới đây nhất là việc khánh thành bảo tượng Quan Thế âm Bồ tát tại khu du lịch Biển Hồ Pleiku. Tượng có chiều cao tổng thể 15 mét, trong đó phần Tượng Phật cao 7 mét, đài hoa sen cao 3 mét, đế tượng được ốp đá theo hình bát giác cao 5 mét. Tất cả đều làm bằng chất liệu đá cẩm thạch trắng, được thực hiện bởi các nghệ nhân ở tỉnh Ninh Bình.
Tượng phật được xây dựng ở khu vực tháp Đầu Rùa, nơi trước đây xây dựng căn nhà Lục Giác. Phía sau tượng phật còn có một phiến đá lớn, mài nhẵn bóng, trên đó điêu khắc mặt Trống đồng Đông Sơn và nhiều hoa văn, họa tiết cầu kỳ. Ngay phía sau phiến đá này là 5 trụ đá thô có chiều cao thấp khác nhau như 5 ngón tay khổng lồ. Xung quanh công trình được bao bọc bởi hàng rào đá và toàn bộ mặt bằng của khu vực này được lát gạch, trông rất sạch sẽ.
Mặc dù nơi đây được xây dựng thêm nhiều công trình mới, nhưng những điểm đặc trưng của Biển Hồ Pleiku vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Hai bên đường dẫn vào hồ vẫn là những cánh rừng thông xanh bát ngát. Mỗi khi có gió lùa về, vạt rừng thông cất tiếng vi vu như chào mừng du khách. Trên bờ hồ, những cây cổ thụ nghiêng nghiêng, soi bóng xuống mặt nước trong xanh, phẳng lặng.
Tác giả và đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm trước bộ cồng chiêng bằng đồng lớn nhất Việt Nam.
Đến nay, Biển hồ Pleiku vẫn là một trong những hồ đẹp nhất ở Tây Nguyên, được mệnh danh là “đôi mắt Pleiku”. Công tác bảo vệ môi trường ở hồ nước này được đảm bảo cực kỳ nghiêm ngặt. Một đồng nghiệp ở Báo Gia Lai cho biết, do Biển hồ là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho cả thành phố Pleiku, nên chính quyền địa phương nghiêm cấm mọi hành vi tác động tới chất lượng nước của hồ, như không được khai thác cát, nuôi thủy sản bằng lồng bè, không phát triển du lịch trên mặt hồ v.v...
Việc đánh bắt cá cũng rất hạn chế, chỉ cho phép đánh bắt bằng phương pháp thủ công nhỏ lẻ như giăng lưới, câu cá với tính chất vui chơi giải trí là chính. Tuyệt đối nghiêm cấm những kiểu khai thác thủy sản bằng phương pháp hủy diệt, hiện đại như dùng chất nổ, thuốc độc, lưới điện, lưới nhủi v.v… Nếu so với công trình thủy lợi Dầu Tiếng ở tỉnh ta, thì công tác bảo vệ môi trường ở Biển hồ Pleiku có nhiều ưu điểm hơn hẳn.
Nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác
Theo đồng nghiệp Báo Gia Lai, ở tỉnh này còn một số điểm tham quan du lịch nổi tiếng khác, như Thác Phú Cường, được ví như dải lụa bạc nằm giữa cao nguyên, thuộc địa phận xã Dun, huyện Chư Sê. Còn có Công viên Đồng Xanh trải dài trên cánh đồng lúa nước An Phú với diện tích khoảng 8 ha, thuộc địa phận xã An Phú, thành phố Pleiku, là nơi hội tụ không gian văn hóa truyền thống của vùng đất Tây Nguyên, “lá phổi xanh” của mảnh đất Gia Lai.
Đó là chưa kể, ở phố núi này còn có đặc sản nổi tiếng cà phê. Trong không gian lành lạnh, ngồi bên bạn bè hàn huyên tâm sự và nhấm nháp ly cà phê nơi đây là một trải nghiệm không thể nào quên.
Đại Dương