Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Một thoáng Tân Hưng
Thứ sáu: 23:21 ngày 01/01/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tân Hưng đang thay đổi từng ngày. Chỉ một lần đến Tân Hưng, bạn hẳn sẽ cảm nhận được cảm giác yên bình khi ngắm nhìn những con đường trải rộng, những ngôi nhà chữ đinh vách gỗ xa xưa, hay thấp thoáng bóng dáng hàng cây thốt nốt... để thêm yêu mảnh đất xa xưa này.

Từ thành phố Tây Ninh lên huyện Tân Châu, sẽ bắt gặp cổng chào Tân Hưng hoành tráng. Trải qua bao lần thay đổi địa giới hành chính, ngày nay Tân Hưng là một xã trung bình với diện tích 58,83km2, ôm dọc theo đường 785 từ Thạnh Tân cho đến Tân Phú. Nhìn lên bản đồ, Tân Hưng rất nhỏ bé, nhưng mảnh đất anh hùng này trong chiến tranh lại là nơi xung yếu, hứng chịu không biết bao nhiêu mưa bom bão đạn.

Tân Hưng là mảnh đất có lịch sử lâu đời. Theo “Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ” của Nguyễn Ðình Tư, trước khi có tên Tân Hưng, xã có tên là Khedol, ban đầu là làng được thành lập năm 1867, thuộc Tổng Chơn Bà Ðen.Sau năm 1956, Khedol được gọi là xã, đến tháng 3.1958, xã Khedol được đổi thành xã Tân Hưng.

Lúc này, Tân Hưng là một vùng đất vô cùng rộng lớn, gần như bao trùm cả Tân Châu ngày nay. Ðến tháng 7.1958, xã Tân Hưng mới chia làm ba xã là Tân Hưng, Tân Hội và Tân Long. Ðiều đó cho thấy, Tân Hưng không chỉ là một địa danh lâu đời mà còn là một vùng đất bề thế trong lịch sử.

Chính vì Tân Hưng thông với căn cứ Dương Minh Châu, và là cửa ngõ từ trung tâm tỉnh lỵ lên Bắc Tây Ninh, qua nước bạn Campuchia, cho nên trong thời kỳ chiến tranh, vùng đất này thường xuyên bị giặc oanh tạc, bố ráp, hòng kiểm soát và phá tan lực lượng của ta. Nhưng quân và dân nơi đây anh dũng kiên cường, một lòng kháng chiến bảo vệ quê hương.

Tài liệu “30 năm đấu tranh cách mạng của Ðảng bộ và nhân dân huyện Tân Biên anh hùng (1930-1975)”, trang 104 -105 ghi: “Ðể thực hiện được mục tiêu của chiến tranh đặc biệt là tiêu diệt và cô lập lực lượng vũ trang cách mạng, tiêu diệt cơ sở Ðảng, giành lại trận địa nông thôn, phong toả vùng biên giới, cắt đứt mọi chi viện từ miền Bắc, nhằm bóp chết phong trào quần chúng, đánh bại chiến tranh cách mạng, giành thắng lợi trong thời gian ngắn, trên huyện C105 (tên huyện Tân Biên thời kháng chiến- NV), chúng vạch ra kế hoạch bình định, gom dân ở hai trục lộ chính: lộ 22 và lộ 4, chủ yếu là các xã ven lộ như Mỏ Công, Tân Hưng, Kà Tum.

Chúng cho rằng đây là trọng điểm hướng Bắc của Tây Ninh, nơi phòng ngự để bảo vệ Thị xã, là nơi tập trung nhiều căn cứ đầu não cách mạng và Trung ương Cục, đồng thời vừa là cửa ngõ sang Campuchia khi có điều kiện. Vì vậy chúng xem đây là địa bàn quan trọng.

Trong khi đồng bào vùng giải phóng tích cực chống càn, lợi dụng lúc địch còn đang lúng túng với công tác chuẩn bị, chớp lấy thời cơ, Ðảng uỷ C105 chỉ đạo an ninh các xã ập vào tiếp tục diệt một số tên tề, ác ôn chìm mà quần chúng nhân dân phát hiện được, kết hợp với du kích bắn tỉa, bao vây cảnh cáo, hù doạ, đưa gia đình binh sĩ đến kêu gọi người thân.

Ta làm liên tục, tổ chức từ ngày này sang ngày nọ, có nơi ta bao bó cả tháng như các đồn địch ở Cần Ðăng, Kà Tum, Lò Gò, Mỏ Công, Tân Hưng... đồng thời vận động nhân dân đào phá từng đoạn đường dài trên lộ 4 (Bàu Cỏ - Bàu Bắc), lộ 22, hạ cây làm chướng ngại giao thông kết hợp với gài trái, phục kích đánh lẻ. Sau đó có lực lượng chủ lực Miền hỗ trợ, quân dân địa phương lần lượt gỡ lần thứ hai các đồn Cần Ðăng, Kà Tum, bứt rút đồn Mỏ Công, Tân Hưng.

Sau sự kiện này, quần chúng càng tin tưởng vào cách mạng, vào Ðảng. Những người giác ngộ và được giáo dục tạm gác cuộc sống riêng tư trong vùng tạm chiếm theo ta ra vùng kháng chiến. Mặc dù phải gánh chịu nhiều khó khăn vất vả và thậm chí có thể bị địch bắt đánh đập, tù đày vì hệ thống đồn bót kềm kẹp, kiểm soát dày đặc của địch, nhưng những chiếc xe bò chở gạo lúa, thực phẩm cần thiết của quần chúng nhân dân vẫn thường xuyên đến với cách mạng. Nhiều gia đình gặt lúa xong, đóng bao giấu lại ngoài ruộng để bộ đội đêm về ra vận chuyển vào vùng kháng chiến”.

Ngày nay đến trung tâm xã Tân Hưng ta vẫn thấy nhà bia tưởng niệm 114 liệt sĩ. Người nằm xuống để đất hồi sinh, Tân Hưng giờ đã khác xưa nhiều lắm. Phía Ðông xóm Bố Kết xanh ngát một màu xanh mãng cầu, sát sườn bờ Hồ có nhà máy điện mặt trời rực rỡ.

Phía Tây có Nhà máy đường Bourbon (nay là Nhà máy TTCS, thuộc Tập đoàn Thành Thành Công), có dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ tiên tiến nhất Việt Nam với sản phẩm chính là đường tinh luyện RE theo tiêu chuẩn châu Âu, công suất thiết kế 8.000 tấn mía cây/ngày. Trong hơn ba thập niên qua, Tân Hưng là vùng nguyên liệu mía, mì quan trọng của tỉnh Tây Ninh.

Nếu như bốn mươi năm trước đây, ngồi xe than từ Ðồng Pal ra Tây Ninh ngang Tân Hưng, chợ Bàu Cỏ chỉ là một mô đất thấp nhỏ mua bán lặt vặt, xung quanh là mênh mông trảng nước, ngày nay trung tâm xã đã phát triển hơn. Từ cơ quan hành chính xã đến khu chợ đều rất khang trang, sạch đẹp. Xã Tân Hưng có đầy đủ các trường học từ mẫu giáo đến THPT, với chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao.

Nhà máy điện năng lượng mặt trời ở khu vực bờ hồ Dầu Tiếng, nằm trên địa bàn xã Tân Hưng, huyện Tân Châu. Ảnh: Dương Vĩnh Tuyên

Tân Hưng không thuộc vùng sâu của huyện, xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhiều nhất là Khmer và Chăm. Người Khmer ở Bố Kết vì chưa có điều kiện xây chùa, nên hầu hết các nghi lễ đều sinh hoạt chung với người Khmer Thạnh Tân ở chùa Khedol. Làng Chăm Bàu Bắc là một trong những làng xưa nhất của Tây Ninh.

Trước đây gọi là Chăm Tạo Tác, do một bộ phận của Chăm Ðông Tác lên đây khai phá nương rẫy rồi ở lại lập làng sinh sống cho tới ngày hôm nay. Chính vì Tân Hưng có nhiều dân tộc và tôn giáo nên văn hoá nơi đây rất đa dạng. Các lễ hội cổ truyền như Chol Chnam Thmay, Sen Dolta, Roya Ramadan… đều được bà con tổ chức trọng thể và được sự quan tâm của chính quyền địa phương.

Tân Hưng có vị trí rất đắc địa cho việc phát triển kinh tế từ nhiều mặt. Phía Nam là núi, phía Ðông là sông hồ. Nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng dẫn theo kênh Tân Hưng cắt qua địa bàn xã, thuận lợi cho vấn đề sản xuất nông nghiệp. Trục lộ 785 xuyên suốt từ trung tâm tỉnh cho đến tận biên giới, cùng với đường ngang qua hai cánh Tân Biên và Dương Minh Châu rất thuận tiện cho giao thông.

Ai về Tân Hưng hôm nay sẽ thấy một màu xanh của ruộng vườn cây trái. Ði một vòng qua các ấp trong xã mới thấy hết được sức sống đang vươn lên mạnh mẽ ở đây. Từ nhà cửa đến hệ thống điện đường trường trạm đều được đầu tư xây dựng khá tốt.

Tân Hưng đang thay đổi từng ngày. Chỉ một lần đến Tân Hưng, bạn hẳn sẽ cảm nhận được cảm giác yên bình khi ngắm nhìn những con đường trải rộng, những ngôi nhà chữ đinh vách gỗ xa xưa, hay thấp thoáng bóng dáng hàng cây thốt nốt... để thêm yêu mảnh đất xa xưa này.

Ghi chép: ÐÀO THÁI SƠN

Tin cùng chuyên mục