Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Một thời Giao bưu và Thông tin không thể nào quên
Thứ hai: 00:09 ngày 15/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mặc dù ngành Giao bưu không trực tiếp chiến đấu, nhưng có không ít người hy sinh do trúng bom, đạn, bị bệnh sốt rét, ảnh hưởng chất độc da cam.

Mô hình hoạt động truyền tin bằng máy “đầu bò” tại nhà truyền thống Giao bưu và Thông tin (xã Tân Lập, huyện Tân Biên)

Nhìn lại chặng đường 77 năm hình thành và hoạt động (15.8.1945 -15.8.2022), ngành Bưu điện trải qua nhiều thăng trầm đáng nhớ. Đặc biệt, trong thời kỳ đất nước chìm trong bom đạn chiến tranh, nhiều cán bộ, nhân viên Bưu điện không ngại gian lao, nguy hiểm; mưu trí, sáng tạo để hoàn thành trọng trách được giao.

Ông Phạm Văn Chuông, 66 tuổi, nguyên Trưởng Phòng Nghiệp vụ Bưu điện Tây Ninh nhớ lại, năm 1972, mới 16 tuổi, ông đã rời làng quê Gia Lộc, Trảng Bàng đi theo các chú Tư Văn, Mười Lượng tham gia cách mạng. Lúc ấy, ông cùng 2 thanh niên khác được tổ chức đưa đi học ở Trường Thông tin liên lạc khu miền Đông Nam bộ (Biên Hoà), trực thuộc Trung ương Cục miền Nam, học chuyên nghề báo vụ. “Chúng tôi đi bộ nửa tháng mới tới Trường Thông tin liên lạc khu miền Đông Nam bộ”- ông Chuông nói. Học thành thạo nghiệp vụ, ông Chuông được đưa về Tiểu ban Thông tin của Tỉnh uỷ làm nhiệm vụ truyền, nhận tín hiệu morse ở cụm điện đài của tỉnh.

Trong chiến tranh, đơn vị di chuyển nhiều nơi, chủ yếu đóng quân chính ở căn cứ Đồng Rùm (xã Tân Thành, huyện Tân Châu hiện nay). Đơn vị đảm trách việc bảo quản, sử dụng nhiều phương tiện, máy móc truyền tin, như máy phát điện bằng động cơ, máy phát điện bằng thủ công (máy “đầu bò”), phương tiện truyền tin bằng tín hiệu morse, quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm…

Để tránh bị quân địch phát hiện nơi đóng quân, anh em trong đơn vị nghĩ ra nhiều phương pháp như đặt máy phát điện có động cơ cách xa lán trại của đơn vị từ 200-300 mét. Những lúc hành quân theo các đơn vị chiến đấu, để bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, cán bộ, nhân viên phải tháo rời từng bộ phận của các máy phát điện động cơ, máy phát điện thủ công và khuân vác theo.

Đến nơi đóng quân thì ráp máy móc lại làm nhiệm vụ. “Lúc nào đóng quân thời gian dài năm ngày mười bữa thì ráp máy có động cơ vào phát điện. Còn ở dã chiến hoặc dừng chân tạm thời thì chỉ lấy máy “đầu bò” ra sử dụng. Anh em quay tay trong vài phút, đủ để truyền tín hiệu morse xong là xếp máy móc lại, tiếp tục hành quân”- ông Chuông miêu tả.

Ông Phạm Văn Chuông kể lại hoạt động truyền tin thời kháng chiến.

Mặc dù ngành Giao bưu không trực tiếp chiến đấu, nhưng có không ít người hy sinh do trúng bom, đạn, bị bệnh sốt rét, ảnh hưởng chất độc da cam. Ông Chuông cũng bị sốt rét rừng chết đi sống lại mấy lần. “Có lần ở khu vực Bùng Binh (xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng ngày nay) đang dưới hầm trú ẩn thì bị bom đánh sập hầm.

Tôi dùng hai tay bịt lỗ tai nhưng vẫn bị sức ép của bom làm máu ra lỗ tai. Lần khác, tôi bị thương phần mềm gần đầu gối nhưng không khai báo, vì thấy mình còn sống là mừng rồi”- ông Chuông kể. Những năm sau ngày giải phóng, ông lần lượt đảm trách một số chức vụ như Giám đốc bưu chính và phát hành báo chí (trực thuộc Bưu điện tỉnh), Giám đốc Bưu điện các huyện Châu Thành, Hoà Thành, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Bưu điện tỉnh. Năm 2017, ông nghỉ hưu, về sinh sống với gia đình ở xã Bình Minh, TP. Tây Ninh. Những năm gần đây, tuổi cao sức yếu, mắc bệnh tiểu đường, lại do nhiễm chất độc da cam nên ông bị hoại tử một chân, phải cưa bỏ.

Ông Nguyễn Văn Hẩn, 63 tuổi, ngụ phường 3, TP. Tây Ninh cũng là một trong những cựu trào trong ngành Bưu điện của tỉnh. Ông Hẩn quê ở huyện Củ Chi (Sài Gòn cũ, nay là TP. Hồ Chí Minh), năm 14 tuổi về nhà bà ngoại ở xã Trường Hoà (huyện Toà Thánh, nay là thị xã Hoà Thành) sinh sống.

Thấy cậu bé Hẩn lanh lợi, cảnh sát nguỵ bắt cậu vào lực lượng dân quân tự vệ. Hằng ngày, cậu thiếu niên Hẩn phải cầm súng cạc-bin đứng gác ở đầu đường. “Lúc đó cây súng còn cao hơn tôi một khúc. Các chú trong gia đình thấy tôi như vậy liền kêu vào căn cứ cách mạng”- ông Hẩn kể.

Sau đó, người chú đưa ông vào rừng tham gia cách mạng, công tác ở Ban Giao bưu huyện Toà Thánh (nay là thị xã Hoà Thành). Thời điểm đó, đơn vị đóng quân trong khu rừng K48 (nay thuộc xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh). Đơn vị có 6 người, do lãnh đạo huyện thay phiên phụ trách. “Những ngày đầu mới vào căn cứ, tôi được các chú hướng dẫn đi giao bưu ra sao và tuyệt đối không được làm lộ tuyến đường thường đi của đơn vị. Khoảng 2 tuần sau, khi đã thông thuộc đường sá thì tự đi một mình”- ông Hẩn tâm sự.

Mô hình hoạt động giao bưu tại nhà truyền thống Giao bưu và Thông tin (xã Tân Lập, huyện Tân Biên).

Theo lời ông Hẩn, thời điểm chiến tranh, đơn vị giao bưu của tỉnh toạ lạc ở ngã tư Đồng Pan (thị trấn huyện Tân Châu hiện nay). Nhiệm vụ chính của đơn vị là vận chuyển công văn, tài liệu và dẫn đường cho cán bộ từ tỉnh về huyện công tác.

Mỗi ngày, ông đều đạp xe khoảng 30km, từ căn cứ K48 đến Đồng Pan nhận công văn, tài liệu đem về. “Lúc đó công văn, tài liệu chỉ đạo từ cấp trên xuống cấp dưới không sử dụng tên cụ thể mà dùng ký hiệu. Nhiệm vụ của nhân biên bưu điện lúc bấy giờ là phải nhớ được các ký kiệu đó để gửi đúng địa chỉ”, ông Hẩn nói.

“Có lần, tôi nhận lệnh chở một nữ cán bộ tỉnh đưa đến bến Bà Mùi (đường vào khu du lịch sinh thái Ma Thiên Lãnh hiện nay) để cán bộ vào căn cứ kháng chiến trong núi Bà Đen. Sau ngày đất nước thống nhất, tôi mới biết đó là lãnh đạo của tỉnh.

Một lần khác, tôi nhận được lệnh đưa một cán bộ về cơ sở, nhưng khi đến nơi, có đến 2 người đứng cạnh chiếc xe Honda 72, tôi băn khoăn không biết ai là người mình phải nhận, nhưng không dám hỏi rõ. Cuối cùng đành hướng dẫn cả hai người cùng đi.

Tôi đạp xe đi trước, hai người chạy xe Honda 72 chầm chậm theo sau. Sau này mới biết, một người là lãnh đạo cấp cao của tỉnh, người còn lại là cận vệ của ông ấy”. Theo lời ông Hẩn, có nhiều chuyện cười ra nước mắt: “Thời đó, đơn vị chỉ có 3 chiếc xe đạp, xe nào cũng không có thắng, không có vè. Có lúc xe đạp bị bể bánh, tôi phải lấy rơm nhét vào bánh xe để đi tiếp. Đi được một lúc, bánh xe bể toác hoác, văng rơm ra, tôi lấy đá xanh đập đứt cây tơ-lông hai bên vỏ xe, chỉ còn chiếc niềng cứng ngắt mà vẫn đạp xe về đến nơi”.

Ông Nguyễn Văn Hẩn diễn tả lại động tác đẩy xe đạp chở bưu phẩm có trang bị súng AK  

Sau ngày miền Nam giải phóng, công văn, tài liệu có nhiều hơn, ông Hẩn đảm trách công tác tổng phát hành. Những năm sau đó thành lập bưu điện tỉnh, huyện và bắt đầu nhận nhân viên mới. Anh em vẫn đi phát thư từ và một ít bưu phẩm bằng xe đạp.

Đến năm 1978, miền Bắc chi viện vào Tây Ninh một số nhân viên nữ chuyên ngành bưu điện. Họ trực ở cơ quan, nhận bưu phẩm, bưu kiện và dần dần hình thành các dịch vụ cho đến hôm nay. Năm 1980, cơ quan đưa ông Hẩn đi học nghiệp vụ bưu điện ở huyện Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), sau đó, ông được chuyển qua một số vị trí công tác như chuyên viên Phòng Nghiệp vụ Bưu điện tỉnh, Phó Giám đốc Bưu điện các huyện Dương Minh Châu, Tân Biên. Năm 2014, ông Hẩn nghỉ hưu.

Năm 2021, dù bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhưng tổng doanh thu Bưu điện tỉnh đạt được trên 293 tỷ đồng, đạt 125,6% kế hoạch năm. Nhóm dịch vụ bưu chính chuyển phát - hành chính công đã phối hợp với các sở, ban, ngành mang lại những tiện ích cho người dân. Kết quả, gần 5.400 giấy chứng nhận tốt nghiệp, bằng tốt nghiệp và học bạ kịp thời chuyển đến học sinh trong tháng 7 và 8.2021; hơn 1.300 giấy phép lái xe được giao trực tiếp cho người dân.

Cũng trong năm 2021, Bưu điện tỉnh được nhận cờ thi đua, bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), bằng khen của Công đoàn Bộ TT&TT; giấy khen của Tổng Công ty, Công đoàn Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Ông Nguyễn Tấn Phong- Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Văn Hồng- Trưởng Bưu cục khách hàng lớn Bưu điện TP. Tây Ninh được vinh danh người lao động tiêu biểu ngành TT&TT; 10 cá nhân tiêu biểu xuất sắc khác được vinh danh và 3 bưu tá xuất sắc được khen thưởng.

Đại Dương

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục