Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Một thời ngang dọc
Thứ bảy: 19:45 ngày 03/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - “Một thời ngang dọc” là tựa đề bộ tiểu thuyết gồm 2 tập của nhà văn Hoàng Ly, một tác giả viết tiểu thuyết võ hiệp xuất sắc nhất Việt Nam trước năm 1975, vừa được nhà xuất bản Hội Nhà văn liên kết với Công ty Cổ phần Văn hóa phẩm Sài Gòn xuất bản vào cuối quý I.2019.

Nhà văn Hoàng Ly tên thật là Đỗ Hồng Nghi (1915-1981), quê quán Nam Định. Ông còn có các bút danh khác như Trương LinhTử, Thánh Sống. Đầu thập niên 40 thế kỷ trước ông tham gia làng văn, làng báo Hà Nội. Cuối thập niên 50 ông viết tiểu thuyết feuilleton đăng trên nhiều nhật báo ở Sài Gòn, thu hút số lượng độc giả ái mộ khá cao và sau đó  được xuất bản thành sách.

Ông là tác giả của một loạt tiểu thuyết võ hiệp đường rừng nổi tiếng, hình thành một thể loại văn chương gọi là “tân phái võ hiệp Việt Nam”.

Bìa sách “Một thời ngang dọc”.

Các tác phẩm nổi tiếng của Hoàng Ly gồm có “Một thời ngang dọc (còn có tên khác là Thập đại Vạn Sơn Vương”, “Nữ tướng miền sơn cước”, “Lửa hận rừng xanh”… Trong các tác phẩm, Hoàng Ly luôn nêu cao tinh thần nhân văn, tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Ca ngợi những tính chất văn hóa đặc trưng của các địa phương, các dân tộc anh em vùng núi rừng phía Bắc, với kiến thức sâu rộng cũng như sự khéo léo kết hợp giữa kiếm hiệp truyền thống với những thành tựu cơ giới của phương Tây hiện đại.

Là tiểu thuyết võ hiệp rất đậm đà màu sắc Việt Nam. Nội dung câu chuyện hoàn toàn diễn tiến trong bối cảnh lịch sử và trong không gian địa lý của đất nước ta. Mặc dù thời điểm ấy tiểu thuyết võ hiệp nước ngoài dịch thuật đã ồ ạt xuất bản ở Sài Gòn, nhưng tiểu thuyết của Hoàng Ly vẫn trụ vững trong lòng độc giả.

“Một thời ngang dọc” bắt đầu trong bối cảnh đất nước Việt Nam dưới ách  thống trị của chế độ thực dân Pháp. Vào năm 1888, phong trào Cần Vương thất bại, nhà vua yêu nước Hàm Nghi bị Pháp bắt và lưu đày sang Algérie, kinh thành thất thủ, phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết sang vùng Long Châu (Trung Hoa) tiếp tục hoạt động chờ thời cơ quét sách giặc thù khôi   phục núi sông.

Trên đường đi đến bên bờ sông Đà thuộc tỉnh Lai Châu (vùng Tây Bắc nước ta) ông quyết định chôn giấu kho tàng triều Nguyễn tại một địa điểm bí mật và vẽ một tấm bản đồ để sau này tìm kiếm và sử dụng vào việc xây dựng lực lượng, trả thù cho dân cho nước. Bọn thực dân và bè lũ sơn tặc muốn chiếm đoạt số vàng đó nhưng không thể nào tìm ra tấm bản đồ,

Chàng trai người Kinh Hồng Lĩnh vốn tinh thông võ nghệ có cha là một chí sĩ yêu nước, bị tên phản bội Trần Tắc chỉ điểm cho giặc Pháp bắt và xử tử nên chàng phải trốn lên miền rừng núi Thập Vạn Đại Sơn hành hiệp giang hồ. Chàng là một tay thiện xạ nên được giới giang hồ tôn là “Thần Xạ Đại Sơn Vương”.

Cũng nên nói rõ, những người sống giang hồ hay còn gọi là lục lâm thảo khấu, lạc thảo, giặc cỏ… không phải ai cũng là kẻ xấu, vì trong số đó cũng có người xuất thân từ gia đình lương thiện và lại là nạn nhân của bọn ác bá cường hào, quan lại thực dân Họ không tìm ra lối thoát trong đêm tối cuộc đời. Nhưng vẫn có người thể hiện được lương tâm, lòng trọng nghĩa một khi họ biết quay về nẻo chính với những hành động có ích cho dân, chống lại bọn thực dân cầm quyền tàn bạo.

Anh chàng Hồng Lĩnh, nhân vật chính của tác phẩm cũng là một nhân vật như thế. Trên đường đi tìm Trần Tắc để trả thù nhà, bất ngờ chàng giải cứu được Phương Kiều. Oái oăm thay, cô lại là con gái của Trần Tắc, bị bọn thổ phỉ ồ Cao Bằng bắt cóc làm áp lực buộc cha cô phải đưa tấm bản đồ nơi ông Tôn Thất Thuyết chôn giấu vàng…

Câu chuyện diễn ra thật lôi cuốn qua 12 phần kéo dài trên 600 trang khổ 16x24 là một cuộc chiến đấu giữa hai trận tuyến chính-tà và khẳng định thật rõ nét cái giá mà mọi tội ác phải trả.

Bên cạnh nhiều chi tiết sôi động như một bộ phim hành động, “Một thời ngang dọc” còn có bóng dáng dễ thương của một tình yêu son sắt, mặn nồng…

Phan Kỷ Sửu

Tin cùng chuyên mục