Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Một thời với rong
Chủ nhật: 08:33 ngày 22/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Gần cuối năm dương lịch, sau mùa nước lụt, trên những đám ruộng do nông dân bỏ không, rong và bông súng trắng trổ bông. Nhìn đám ruộng đầy bông súng nở hoa trắng, lại được điểm tô thêm màu vàng chanh của hoa rong, tôi nhớ lại những kỷ niệm cách đây hơn hai chục năm.

Do sống ở vùng ruộng đồng, sông nước, từ nhỏ, theo chỉ bảo của người lớn, tôi đã biết 4 thứ rong. Đó là rong ma da (hay còn gọi rong nhớt), rong trứng, rong cây và rong heo ăn. Rong ma da là cái thứ làm khổ nhà nông nhất. Nó có màu xanh rêu, không có gốc, rễ gì cả, sống trong nước. Loại này có nhiều ở những đám ruộng trũng. Nó vây bố cây lúa. Khi lúa mới cấy, vừa bén rễ mà không diệt trừ được nó, nó sẽ bó thân cây lúa làm lúa không phát triển được.

Rong trứng cũng không mọc lên từ đất mà nó sống trôi nổi, bồng bềnh trong nước, loại này phát triển rất mạnh ở những đám ruộng lầy sâu trũng, nhiều nhất là dưới các dòng rạch nhánh. Thân nó rất nhiều nhánh. Đây là loại rong nở hoa vàng nhìn đẹp mắt và nên thơ. Nhưng nó cũng chẳng có tích sự gì nhiều đối với nhà nông. Do không ai vớt, nên mùa nước nổi ở những con rạch nhánh quê tôi, tràn ngập rong trứng, có chỗ ghe xuồng đi lại rất khó khăn vì rong trứng bủa vây. Hồi đó, anh em tôi và bọn trẻ hàng xóm thường vớt những nhánh rong trứng xanh non, về bỏ vào hũ chao nuôi cá lia thia.

Còn rong cây (có người gọi cây đuôi chồn) mọc dưới bùn, chỗ ruộng sâu hoăc mé rạch nơi nước chảy chậm và trong sạch. Là họ hàng nhà rong, nhưng rong cây người ta ăn sống được, cũng giống như rau hẹ nước. Hồi đó, ở những đám ruộng trũng quê tôi, ngoài rau hẹ mọc khắp nơi, còn có những đám rong cây lên xanh um. Ăn rau hẹ hoài cũng ngán, vài ngày, nhà tôi lại đổi bữa sang ăn rong cây.

 Nhưng “bạn thân” của anh em tôi là rong heo ăn. Gọi là rong heo ăn, nhưng gà vịt cũng không chê loại rong này. Hằng năm, khi mùa mưa đến, nước dưới dòng rạch chính (phụ lưu lớn của sông Vàm Cỏ Đông) bắt đầu dâng lên. Các bãi bùn ở mé rạch, rong heo ăn mọc lên rất nhiều. Ngoài ra, ở các dòng rạch nhánh (phụ lưu của dòng rạch chính), loại rong này cũng mọc đầy luôn.

Không trôi nổi bồng bềnh và có hoa vàng đẹp như rong trứng, rong heo ăn bám rễ trong bùn lầy. Nghe tên gọi là biết nó có lợi cho nhà nông rồi. Hồi đó bà con quê tôi thường xuống rạch vớt rong về cho heo, gà, vịt ăn. Nhà tôi cũng vậy. Lúc ấy, nhà tôi thường nuôi một con heo nái (có khi 2 con), cùng với mấy chục con vừa gà, vừa vịt xiêm.

Hồi đó chưa có thức ăn công nghiệp như bây giờ, những người nuôi heo, gà ở quê tôi chủ yếu là cho ăn cám chà và độn với chuối cây, hoặc rong. Mỗi bữa, khi đi học về, cơm trưa xong, anh em tôi lại xách ky xuống rạch, chèo xuồng, lặn ngụp vớt rong về cho heo, gà, vịt ăn. Rong vớt dễ dàng, chỗ nào cạn, vừa tầm với, anh em tôi cúi mặt xuống sát mặt nước,  hai tay quơ rong, còn gặp chỗ sâu phải lặn xuống mà nhổ. Mỗi lần nhổ, làm một gộp trong hai bàn tay, rồi cầm gốc mà giũ giũ cho sạch bã hèm, xong bỏ rong lên xuồng.

Về bến, chất rong vô ky, bưng lên nhà. Rong đem về, anh em tôi lấy dao chặt ra từng khúc nhỏ rồi trộn với cám chà cho heo và gà, vịt ăn. Có rong làm thức ăn xanh, nhà tôi cũng như nhiều nhà xung quanh giảm được chi phí chăn nuôi rất nhiều. Hồi đó, ngoài vớt rong cho heo, gà nhà ăn, anh em tôi cũng đem lại nhà bà Ba bán quán giữa xóm đổi bánh, kẹo. Nhà bà cũng nuôi heo nái, nhưng không có ai đi vớt rong.

Không rõ do nguồn nước bị ô nhiễm, hay vì lý do gì mà trên đồng ruộng, cũng như dưới sông rạch quê tôi giờ đây không còn rau hẹ, rong cây và rong heo ăn. Rong trứng và bông súng trắng còn mọc lác đác ở những đám ruộng trũng, nông dân bỏ hoang hoá. Những buổi trưa lặn hụp dưới dòng rạch, vừa tắm mát, vừa vớt rong về chăn nuôi của anh em tôi giờ chỉ là “ký ức vui vẻ”.

T.L

Tin cùng chuyên mục