Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Mỗi khi đi công tác ở các xã xa như Long Chữ, Long Phước thường ai cũng phải hết sức tranh thủ, có khi chưa đến 6 giờ sáng là đã cọc cạch xe ra đường đến cơ quan; để rồi trưa về vừa đạp xe vừa thở hào hển, mặt mày, quần áo đẫm mồ hôi, còn chiếc xe thì bùn sình lem luốt. Vất vả vậy nhưng mọi người đều cố gắng vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

|
Cán bộ, nhân viên đã và đang công tác tại Đài Truyền Thanh huyện Bến Cầu.
Ở thị trấn Bến Cầu (huyện Bến Cầu), trời vừa tờ mờ sáng, chỉ cần nghe tiếng nhạc hiệu hay tiếng hướng dẫn tập thể dục vang lên từ những cái loa lắp dọc theo hàng trụ điện là người dân quanh đó đều biết đã 5 giờ sáng. Đây là thời điểm mà nhiều người phải thức dậy để lo toan mọi việc cho một ngày mới. Người ra ruộng đồng, người đi chợ, người tập thể dục… Tôi cũng là người trong số người thường đi bộ tập thể dục trên các con đường xung quanh Thị trấn đã nhiều năm qua. Trong lúc đi bộ trên đường, chắc ai cũng như tôi- có thể cảm nhận được một điều lý thú. Đó là vừa đi, vừa được nghe thông tin thời sự phát ra từ những cái loa của Đài Truyền thanh huyện Bến Cầu, nội dung thường là tiếp âm các chương trình thời sự của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Tây Ninh và Đài Tiếng nói Việt Nam, kế đến là chương trình của Đài huyện. Lần nào nghe thấy tiếng loa, tôi cũng nhớ những kỷ niệm một thời từng làm việc ở Đài Truyền thanh huyện…
Sau ngày miền Nam giải phóng (năm 1975), Đài Truyền thanh huyện Bến Cầu trực thuộc Phòng Văn hoá - Thông tin huyện, trụ sở làm việc được đặt tại trụ sở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bây giờ. Đến năm 1985, do quy hoạch của địa phương, Đài di dời đi nơi khác, cách địa điểm cũ khoảng 400 mét, thuộc ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận (tức khu phố 2, thị trấn Bến Cầu bây giờ). Trụ sở Đài nằm trên một phần đất rộng hơn 500m2. Nói trụ sở cho oai chứ thật ra đó chỉ là một căn nhà rộng chừng hơn 30m2, cột cây, mái lợp đưng, vách đất, nền tráng xi măng; bên trong được ngăn bằng vách bồ.
Năm 1988, từ cơ quan khác tôi chuyển công tác đến Đài Truyền thanh huyện Bến Cầu. Vào Đài rồi, tôi cũng như các anh chị em khác đang công tác tại đây không khỏi băn khoăn lo lắng vì trụ sở làm việc quá ọp ẹp. Cũng may ở đây không khí khá mát mẻ, do các anh em trong đơn vị bỏ công trồng nhiều cây dừa ở xung quanh. Phía sau Đài có hai hố bom, mùa mưa tha hồ trồng rau, thả đủ thứ cá rô, cá trê, cá tràu… để nuôi, nhờ đó có chút chất tươi cải thiện bữa cơm hằng ngày và khi cần đãi khách.
Trong điều kiện còn nhiều gian khó, hàng năm, Đài Truyền thanh Bến Cầu vẫn cố gắng tổ chức các lớp tập huấn, mời cán bộ Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh đến hướng dẫn nghiệp vụ biên tập, viết tin bài cho phóng viên, cộng tác viên của huyện nhà. Đơn vị cũng thường tổ chức giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm với các Đài huyện bạn như Hoà Thành, Châu Thành hoặc Thị xã (nay là Thành phố). Thời bấy giờ, phần lớn những con đường chính từ khu trung tâm huyện đến các xã đều là đường sỏi đỏ, đường đất- nắng bụi, mưa lầy. Cán bộ nhân viên Đài Truyền thanh huyện hầu hết đều còn khó khăn, chỉ vài người có xe máy, phần đông đi làm bằng xe đạp. Vì thế, mỗi khi đi công tác ở các xã xa như Long Chữ, Long Phước thường ai cũng phải hết sức tranh thủ, có khi chưa đến 6 giờ sáng là đã cọc cạch xe ra đường đến cơ quan; để rồi trưa về vừa đạp xe vừa thở hào hển, mặt mày, quần áo đẫm mồ hôi, còn chiếc xe thì bùn sình lem luốt. Vất vả vậy nhưng mọi người đều cố gắng vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Rất may, Đài có được sự hỗ trợ đắc lực từ các cộng tác viên ở các cơ quan khác và các xã trong công tác thông tin, tuyên truyền.
Năm 1990, Đài Truyền thanh Bến Cầu được tách khỏi Phòng Văn hoá Thông tin theo Quyết định của UBND huyện. Vào cuối năm 1991, một lần nữa Đài di dời nơi làm việc, đến tiếp nhận trụ sở cũ của Xí nghiệp mía đường Bến Cầu (đã giải thể) thuộc địa bàn ấp Thuận Lâm, xã Lợi Thuận. Thời điểm này, Đài được cấp trên đầu tư trang cấp, nâng cấp máy tăng âm lên 600W, kèm theo các loại thiết bị thu thanh. Tuy thế, về mặt kỹ thuật vẫn còn có khó khăn như đường dây loa tải quá xa, chẳng hạn đường dây đến xã Tiên Thuận dài hơn 4,5km, không bảo đảm kỹ thuật truyền thanh. Vì thế phải cắt giảm đường dây, chỉ dẫn đến ấp Thuận Nam (khu phố 4 bây giờ) mà thôi. Điều thuận lợi là Đài đã được UBND huyện trang cấp 1 xe gắn máy, phóng viên, nhân viên Đài có thể thay phiên sử dụng khi cần đi nắm tin hay sửa chữa đường dây loa… giúp công việc được giải quyết một cách nhanh chóng hơn. Đầu năm 1994, Đài Truyền thanh huyện Bến Cầu được cấp trên đầu tư xây dựng đài phát sóng FM, phát trên sóng 96,3 MHZ và chính thức phát sóng vào ngày 29.3.1994. Hệ thống truyền thanh, phát sóng cũng được mở rộng, bao phủ khắp các xã trong huyện.
Vừa thực hiện việc truyền thanh bằng dây loa, vừa phát sóng, Đài Truyền thanh Bến Cầu với đội ngũ nhân lực còn mỏng, yếu nhưng không ngừng cố gắng học hỏi, nâng cao trình độ nghiệp vụ để phục vụ công tác ngày một tốt hơn. Phát thanh viên cũng thường xuyên rèn luyện giọng để làm sao thu hút được đông đảo người nghe. Thời điểm này, trên Cục Phát thanh cấp hàng trăm chiếc radio và hàng trăm chiếc loa gia đình cho người dân vùng sâu, vùng xa. Vào giờ phát thanh, rảo dọc theo các xóm, ấp vùng sâu, vùng xa có thể thấy hầu như nhà nào cũng vọng lên tiếng loa, tiếng radio.
Năm 2002, Đài Truyền thanh Bến Cầu lại di dời đến trụ sở mới, toạ lạc trên đường Đặng Văn Son thuộc khu phố 2, thị trấn Bến Cầu và ở tại đây cho đến ngày nay. Cơ sở vật chất mới khá khang trang, máy phát sóng hiện đại, phủ sóng khắp các xã. Ngoài 9 đài truyền thanh của xã, thị trấn, còn có các cụm truyền thanh tại các ấp. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, phóng viên, nhân viên Đài cũng đã được nâng lên nhiều so với trước kia.
Mấy chục năm trôi qua, trong số anh chị em công tác ở Đài Truyền thanh Bến Cầu, có người giờ đây đã nghỉ hưu hay đã nghỉ việc, có người chuyển sang cơ quan khác, đảm nhiệm các công tác khác, trong đó có anh Võ Văn Quí, hiện là Bí thư Đảng uỷ xã Long Thuận, anh Nguyễn Văn Trường hiện là Trưởng Đài truyền thanh xã Tiên Thuận, chị Dương Thị Khánh Hoà, hiện là đại uý công tác tại Huyện đội Bến Cầu…
Khép lại một chặng đường hoạt động và công tác tại Đài Truyền thanh Bến Cầu, mỗi lần ghé lại hay ngang qua đây, trong tôi vẫn xốn xang bao ký ức, bao kỷ niệm khó phai mờ…
NGUYỄN CÔNG DANH