Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Một thuở soi đèn bắt ếch
Thứ ba: 06:20 ngày 29/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thật lòng mà nói, ăn thịt con ếch thì dễ, chứ bắt được nó thì không hề dễ dàng. Cái nghề bắt ếch có nhiều cách như soi ếch bằng chĩa ban đêm, dùng cần câu nhấp ếch, cắm câu ếch, đặt lọp…

Trong cuộc sống, có những công việc mưu sinh mà cứ như chơi tài tử. Chẳng hạn cái nghề bắt ếch đồng.

Ở quê tôi xưa, mùa mưa là mùa của ếch. Thuở ấy trên địa bàn còn nhiều bưng trảng cỏ, mùa mưa ếch tập kết về rất nhiều. Cặp theo hai bên bờ dòng Tha La có nhiều bàu và hố bom, mưa về nước suối tràn vô, ếch ra khỏi mà, đêm kêu như hát bội. Không riêng gì anh em nhà tôi, mà bà con trong xã cũng nhiều người làm nghề bắt ếch. Ếch bắt về ăn cũng có mà bán cũng có. Tôi còn nhớ mãi câu hát rao bán ếch xửa xưa: Trời mưa bong bóng phập phồng/ Chồng em cực khổ ra đồng gió mưa/ Soi đèn bắt ếch bắt cua/ Bà con cô bác giùm mua mở hàng…

Thật lòng mà nói, ăn thịt con ếch thì dễ, chứ bắt được nó thì không hề dễ dàng. Cái nghề bắt ếch có nhiều cách như soi ếch bằng chĩa ban đêm, dùng cần câu nhấp ếch, cắm câu ếch, đặt lọp… Mỗi thứ phải có đồ nghề riêng và cách làm cùng với cách sướng khổ riêng của nó. Nhưng phải nói vất vả nhất là đi soi ếch đêm. Nhớ xưa, mỗi mùa mưa đến là ra chợ Đồng Pan mua chì, dầu hắc, lắc, vỏ bình đem về làm một cái bình ắc-quy cỡ 6V, cùng với đèn đội đầu, gọi đó là bộ đèn soi. Còn chĩa và rọng thì trưng dụng đồ nghề làm cá xài cũng được. Đợi những đêm mưa già, khi trời tạnh hẳn, lúc ấy mới vác đồ nghề lên đường.

Cái giống ếch cũng khá lạ, ban ngày có thể chui rúc sâu trong hang hoặc ẩn mình dưới nước, nhưng đêm về- nhất là những đêm sau mưa thì chúng lên bờ tất tật. Khi trời mưa lớn, ếch không bao giờ xuất hiện mà mọp dưới tán lá cỏ hay xó hóc nào đó, chờ hết mưa là lập tức nhảy ra chiếm địa bàn.

Chỗ ếch ngồi phải thoáng, thường là những chỗ đất trống ven bờ nước hoặc các mô đất có địa thế làm chỗ dựa. Ban đầu chúng nhảy ra chủ yếu là để kiếm mồi như trùn, dế, sâu bọ… cho no bụng cái đã. Sau đó mới ồm ộp kêu gọi bạn tình. Nếu là giống chim cút, sẽ là cút mái gầm, cút trống theo; còn giống ếch hoàn toàn ngược lại- ếch đực kêu, ếch cái tìm đến.

Ếch cái thường to hơn ếch đực rất nhiều, dưới cổ chỉ toàn một lớp da trắng. Ếch đực nhỏ hơn nhưng dưới cổ bao giờ cũng có cái bớt đen và lớp da mỏng, khi nó kêu lớp da này phình ra tóp vô như cái bong bóng vậy. Đó là điểm phân biệt đâu là ếch đực và đâu là ếch cái. Khi ếch bắt cặp, ếch cái thường cõng ếch đực bò ra mé nước, vì cái giống ếch luôn luôn vừa bắt cặp vừa đẻ trứng như thế.

Đi soi ếch đêm phải đi hết sức nhẹ nhàng, tránh gây tiếng động. Mõi con ếch có một đặc tính khác nhau, con mê đèn thì thấy ánh sáng là ngồi nhìn trân trân; lúc ấy chỉ cần chiếu điểm sáng chính xác vào đầu ếch và bước nhẹ đến chụp lấy mà thôi. Nhưng những con ếch đã từng “va chạm trận mạc”, bị bắt hụt nhiều lần hoàn toàn khác.

Với những con ếch kiểu này đòi hỏi người đi soi phải có kinh nghiệm. Nghe nó kêu, phải định hướng từ xa, tắt đèn xong đi thật nhẹ đến hướng đó, đứng im… rình, thủ sẵn chĩa, chờ khi ếch ta mất cảnh giác, bắt đầu kêu đều đều, lập tức bật đèn lên thật sáng, soi thẳng vào cho nó quáng mắt rồi nhanh tay chĩa. Nếu chĩa không kịp hoặc thiếu độ chính xác, ếch sẽ nhảy xuống nước, lặn mất ngay. Có thể nói đi soi ếch khá là cực nhưng những đêm soi trúng, được nhiều ếch thì rất vui. Ếch soi bằng chĩa thường bị chết, nên chủ yếu chỉ để ăn, còn muốn bán ra chợ phải chuyển qua công việc cắm câu ếch.

Cái nghề cắm câu ếch cũng khá công phu. Đầu tiên phải chuốt cần. Chọn tre gai hoặc tầm vông già đem cưa ra từng đoạn dài cỡ bảy tấc, rồi chẻ nhỏ ra để vót. Cần cắm ếch không cần to, chỉ cần cỡ chiếc đũa ăn là được, nhưng phải bôi nhớt phơi khô cho thật dẻo.

Vì lũ ếch coi vậy mà rất mạnh, khi dính câu rồi chúng còn nhảy rất ghê, cần mà không dẻo sẽ bị gãy ngay. Khi cần đã được vót hoàn chỉnh thì tóm dây câu vào, dây câu ếch thường làm bằng dây dù mềm và phải nhuộm lá cứt quạ cho tiệp với màu đất để ếch không phát hiện.

Lưỡi câu ếch, phải dùng lưỡi mỏ ó cỡ số sáu là vừa… Cần cắm chỉ như vậy, cái quan trọng và chủ yếu nhất là làm mồi câu. Mồi cắm ếch phải làm cho có bài bản, nếu chỉ bắt trùn, dế làm mồi thì không nhạy. Đầu tiên phải ra chợ mua vài con cá nục biển hoặc cá cơm sông cũng được, cùng với vài vị thuốc bắc như a quỳ, a giao, tai vị, mã tiền, băng phiến và dầu chuối. Sau cùng là cách chế biến. Cá bằm nhuyễn, càng nhuyễn càng tốt, sau đó nhét cá bằm vào chai, cho vô một ít nước vo gạo, đem phơi nắng cho lên mùi.

Sau một ngày cho các vị thuốc bắc vào. Cụ thể là a quỳ đem ngâm cho tan, kinh nghiệm dân gian ngâm với nước tiểu của mình là nhanh tan nhất. A giao nấu trên bếp cho tan ra với nước, băng phiến để y vậy đổ vô. Còn mã tiền, tai vị rang cho giòn, giã nhuyễn trộn chung vào với dầu chuối. Tất cả được trộn cho thật đều với cá bằm, tạo ra cái mùi thật đặc biệt, ếch rất khoái.

Cắm câu ếch chủ yếu là ban đêm, nhưng từ chiều phải đi dọn bãi. Chỗ nào cắm cần phải moi đất lên đắp thành một ụ nhỏ và vuốt cho láng, rồi mới đặt mồi câu lên trên. Vì ếch thích ngồi những chỗ cao hơn mé nước, bình thường nó đi tìm mồi cũng lựa những địa thế như vậy.

Đêm xuống ếch ra khỏi hang, hoặc bơi vào bờ, nghe mùi mồi hấp dẫn là nhảy đến đớp ngay. Ếch ăn câu xong, bị cần câu neo lại đó, người đi cắm câu chỉ chờ đến sáng là đến gỡ về, hiếm khi bị sẩy lắm. Cái nghề cắm ếch không cực nhưng đòi hỏi phải công phu. Mùa mưa nước nổi, ếch tụ về, cắm một đêm vài ba ký dễ như chơi.

Có người không cắm câu mà đan lọp bắt ếch với cách làm mồi cũng tương tự. Ếch câu hay đặt lọp đều là ếch còn sống nguyên, không như ếch bị soi chĩa nên dễ bán hơn. Cái nghề này, ngày xưa nhiều người từng nhờ nó mà kiếm cơm gạo, mắm, muối được. Ngày nay, ruộng đồng đầy thuốc xịt cỏ, hoá chất độc hại, ếch cũng hiếm dần, thành thử cái nghề bắt ếch cũng dần dần đi vào dĩ vãng.

Trong các cách săn bắt ếch thì nhấp ếch phải nói là hấp dẫn nhất. Nhấp ếch phải làm một cần câu trúc dài khoảng sáu mét, dây câu cũng phải dài tương đương, lưỡi phải chọn loại lưỡi chữ  “U” cỡ lớn.

Nhấp ếch thường đi vào ban ngày, đột nhập vào các hầm mương hoặc hố bom có nhiều cỏ rậm mọc quanh năm, những chỗ này thường có ếch trú ngụ. Chỉ cần móc vào lưỡi câu một khúc trùn hoặc cái bông mướp vàng cho sang sáng là có thể dùng làm mồi dụ ếch. Ban ngày, ếch thường mọp dưới gốc những bụi cỏ ven bờ hố nước, ít khi chúng nhảy ra ngoài.

Vì vậy phải nhấp miếng mồi liên tục ngoài rìa mép nước để gây chú ý cho chúng. Đang lúc đói, thấy mồi động đậy chúng nhảy đến táp ngay. Nhấp ếch cũng phải có chút kinh nghiệm là tuyệt đối không làm động cỏ rác quanh bờ hố nước, vì ếch ban ngày rất nhát, nghe sột soạt là nhảy xuống nước lặn mất tăm.

Phải đi cho thật êm và không để bóng của mình soi xuống nước, cứ âm thầm đưa dây mồi vào những chỗ đắc địa mà nhấp, ếch sẽ nhảy ra ăn ngay, không cảnh giác gì cả. Khi ếch táp mồi không nên giật câu lên liền, phải chờ cho nó lắc đầu qua lại một hai cái, lúc ấy, giật lên lưỡi câu mới dính vào miệng ếch.

Phải nói không gì sướng bằng giật lên được con ếch bà to đùng, đen thui lui, hai chân nhảy nhún liên tục, cần câu cong quặt, tay nặng nặng- nghe mới sướng làm sao! Nhưng phải nhớ rằng đi nhấp ếch ban ngày phải đem cọng dây để cột eo ếch mà mang, không nên bỏ chúng vào rọng, vì vô rọng chúng sẽ nhảy đùng đùng, gây náo loạn, khó câu được con khác.

Nhớ xưa còn nhỏ, mỗi lần đi học về, tôi và thằng em ăn gì đó ba mớ là vác cần đi nhấp ếch ngay. Thời đó xã mới làm đường, người ta móc một cái hố to mấy mẫu để lấy đất. Mùa mưa về hố ngập nước, không biết cơ man nào là ếch tụ về đây, đêm về chúng kêu vang động cả một vùng.

Vì hố sâu nên không soi đêm được, chỉ có câu nhấp là thượng sách. Hai anh em tôi đi từ trưa đến chiều câu được một xâu ếch dài tới mấy chục con to có, nhỏ có, rất thú vị. Thoáng cái mà đã mấy chục năm rồi còn đâu!

Ếch là cái giống lưỡng cư, thịt ăn rất ngon và bổ dưỡng. Từ xa xưa, ếch được mệnh danh là “gà đồng”, tức là ngon như thịt gà vậy. Dân nhậu và các bà nội trợ có thể chế biến đủ thứ món từ ếch. Ếch nướng y, bỏ lên lá chuối xanh, chấm muối ớt nhậu với rượu đế quả là tuyệt cú mèo, không gì bằng.

Ếch xào lá giang, xào bạc hà, xào lăn hay xào sả ớt cũng đều rất ngon. Món này ăn với cơm gạo mới thì không còn gì phải nói. Ngày nay, từ ếch, người ta cũng chế biến ra trăm thứ và phải khẳng định một điều rằng- hễ thịt ếch là ngon!

Thuở nhỏ nhà nghèo nên anh em chúng tôi không có điều kiện vui chơi gì ngoài những thú vui sông nước, nội đồng, hết bắt cá rồi đến bắt ếch. Vui thú là vậy nhưng cũng không ít nguy hiểm từ cái nghề này- từ chuyện té hầm, té hố đến hiểm hoạ rắn rết, bụi lùm.

Tôi nhớ có lần thằng bạn nhỏ thọt gần cả cánh tay vào hang để bắt ếch. Nó la lên: “Tao nắm được cái đùi ếch to quá” rồi lập tức kéo ra, ai dè nguyên con rắn. Nó bị rắn mổ cho một nhát vào tay, khóc la tưởng chết, tôi xé cái áo, cột ga-rô tay nó lại rồi vội vã đưa nó về nhà. Cũng may là gặp rắn không độc nên bạn tôi mới thoát khỏi nguy hiểm.

Mới đó mà đã trôi qua hơn nửa đời người, tuổi thơ bắt ếch của tôi đã chìm trong mịt mờ sương khói thời gian. Đêm mưa, ngủ không được nghe tiếng ếch kêu xa xa, lòng rưng rưng không sao nói hết khi nhớ về cái thời dĩ vãng xa xôi ấy.

Đ.T.S

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục