Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Một thuở trái cây hoang dã
Chủ nhật: 11:38 ngày 20/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cùng với cà na, bình bát, trên các bờ rạch còn có nhiều cây trâm lớn. Vào mùa mưa, trái trâm chín đen cây, anh em tôi và nhiều trẻ em khác thường rủ đi hái. Ðứa nào “mạnh tay, mạnh chân” thì leo lên cây, lựa những nhánh nhiều trái chín đen hái thả xuống.

Cây bình bát nặng oằn trái.

Khi tôi còn nhỏ, trái cây rất hiếm có. Hồi đó, ở quê tôi, những nhà khá giả, có đất vườn thì trồng chuối, xoài, mít, vú sữa, ổi, mận, mãng cầu... mỗi thứ một ít, chủ yếu để cho con cháu ăn. Khi nào dư thừa họ mới đem bán. Còn các loại trái cây mà ngày nay người ta bày bán đầy chợ như sầu riêng, nhãn, cam, quýt, bưởi, chôm chôm, măng cụt, nho… rất ít. Trẻ em con nhà nghèo, không có đất vườn trồng cây ăn trái (trong đó có anh em tôi) thì lặn lội xuống  mé sông, hoặc rủ nhau “lên rừng” mà hái trái cây mọc hoang dã.

Quê tôi vừa có sông rạch, vừa có gò giồng. Trước đây hai bên đường thôn xóm có nhiều cây cối và còn sót lại vài cụm rừng chồi nhỏ. Ðây là những địa chỉ khá hấp dẫn mà đám trẻ em con nhà nghèo chúng tôi thường xuyên lui tới. Ở sông rạch thì có bình bát, trâm, cà na, trâm ổi, mua… Trên gò giồng đáng kể như nhãn chài, nhãn lồng, cơm nguội, duối, mắm…

Trái cây thuộc hàng anh cả về độ lớn, ăn ngon (ngon theo trẻ em nhà nghèo của chúng tôi hồi đó), ăn no trong họ hàng hoang dã là bình bát. Vùng sông nước quê tôi có rất nhiều cây bình bát mọc hoang. Vào khoảng tháng năm, tháng sáu âm lịch, bình bát chín, trái lớn có khi to bằng bắp chân. Trái còn sống vỏ trái màu xanh đậm, khi chín vỏ màu vàng, nhìn khá bắt mắt.

Trái chín, ruột trái bình bát có màu vàng lợt, nhiều hột, ăn ngọt và chua. Hồi đó, đi cắt cỏ, câu cá, hay săn chuột đồng… trong lúc mệt và đói mà “lượm” được một trái bình bát chín cây là bọn trẻ (kể cả người lớn) con mắt sáng rực. Vì ăn vô đỡ đói, đỡ mệt liền.

Những buổi trưa hè nóng nực, mấy nhà “chơi sang” lấy bình bát chín, rút cùi, lột vỏ, bỏ vào thau, mua đá cục đập nhỏ cho vào, thêm tý đường cát… cả nhà xúm lại ăn ngon lành. Vào mùa bình bát chín, khi mặt trời chưa mọc là anh em tôi cũng như nhiều trẻ em hàng xóm rủ nhau đi hái bình bát “hòm hòm” (vỏ hơi vàng vàng, chưa chín hẳn) về dú (thường dú một ngày, một đêm).

Ðứa nào có xuồng ba lá thì chèo chống cặp theo mé rạch, đứa không có xuồng thì rảo trên các bờ rạch tìm hái bình bát. Tuy không còn nhiều như trước đây, nhưng ngày nay sông rạch quê tôi vẫn còn cây bình bát. Vào mùa bình bát chín ,chẳng thấy ai đi tìm hái nữa.

Trái giác rừng.

Trái thứ hai ở vùng sông nước mà chúng tôi tìm đến là cà na. Hồi ấy, trên các bờ rạch có nhiều cây cà na cao lớn. Cà na có hai loại, một loại cho trái chua và một loại cho trái đắng. Trái cà na chua thì từ lúc mới thành trái cho tới già ăn vào có vị chua chát. Còn cà na đắng thì có vị đắng từ lúc mới “tượng” cho đến khi già. Trái chín thì cà na bớt đắng và thơm. Cây cà na mọc hoang, ai muốn hái bao nhiêu cũng được.

Chủ ruộng, chủ đất có cây cà na mọc chẳng rầy la. Vào những buổi trưa giữa mùa hè, anh em tôi cùng bọn trẻ hàng xóm rủ nhau đâm chén muối ớt, đi dọc theo bờ rạch tìm cây cà na chua có trái già mà hái. Ngoài ra, chúng tôi còn tìm hái trái cà na đắng về muối ăn. Qua quá trình khai phá, ngày nay trên các bờ rạch quê tôi, cây cà na trở nên khan hiếm. Hễ cái gì hiếm là quý. Những năm gần đây, không chỉ giữ gìn mà có người còn trồng mới cà na.

Cùng với cà na, bình bát, trên các bờ rạch còn có nhiều cây trâm lớn. Vào mùa mưa, trái trâm chín đen cây, anh em tôi và nhiều trẻ em khác thường rủ đi hái. Ðứa nào “mạnh tay, mạnh chân” thì leo lên cây, lựa những nhánh nhiều trái chín đen hái thả xuống. Ðứa dưới đất đi lượm gom lại, sau đó xúm lại ăn chung. Ăn xong thi nhau lè lưỡi ra xem, đứa nào lưỡi đen nhiều là đứa đó ăn nhiều.

Chúng tôi cũng thường chèo xuồng cặp các bụi trâm ổi. Không chỉ hái lá non về ăn, mà chúng tôi còn tìm những trái trâm ổi chín. Trái trâm ổi lớn cỡ bằng ngón chân cái người lớn. Trái chín vỏ mềm ăn xốp, ngòn ngọt. Ngoài ra, chúng tôi cũng không bỏ qua trái mua. Theo bờ rạch, bờ ruộng quê tôi có nhiều cây mua tím. Trái mua chín có ruột đen, ăn vị chua ngọt. Ði ngoài đồng ruộng, gặp cây mua có trái chín, tụi nhỏ chúng tôi sẵn sàng tạm nghỉ đôi chân, để đôi bàn tay làm việc và cái miệng thưởng thức trái mua chín.

Những khi không tìm trái cây vùng sông nước, chúng tôi đi tìm trái cây trên gò. Hồi đó những con đường làng, đường ấp, xóm quê tôi chưa được mở rộng. Hai bên đường còn nhiều cây rừng. Ngoài ra, cũng còn vài cụm rừng chồi nho nhỏ. Ðây là nơi dành cho bọn nhỏ nhà nghèo chúng tôi dạo mát và thưởng thức trái rừng. Trái bự nhất trên vùng gò giồng là trái cây mắm.

Cây mắm cao, lại có gai, nên không trèo được. Trái mắm nhỏ thì xanh, lúc chín có màu đỏ bầm, to bằng ngón chân cái. Ruột trái mắm có nhiều hột màu đen, giống như hột é ngâm nước. Hồi nhỏ, chúng tôi thường lấy cây thọc mắm chín để ăn. Trái mắm ăn chua chua, ngòn ngọt, lềnh lềnh, không ngon.

Ngày nay, trên đường về nhà tôi vẫn còn cây mắm, trái mắm chín rụng nhiều, chắc là đâu có đứa trẻ nào thèm ăn nữa. Bên cạnh những cây mắm, mình đầy gai góc, là những cây duối cao to, thân xù xì, nhiều nhánh nhỏ. Trái duối nhỏ, chín vàng, nhiều nước, ăn lờ lợ.

Trên những cây duối, vắt vẻo nhiều dây giác rừng. Trái giác đóng thành từng chùm cũng giống như trái nho. Khi nhỏ trái màu xanh lợt, vừa chín tới màu đỏ hồng và chín lâu thì màu nâu đen. Ruột giác có màu tím. Trái giác sống ăn ngứa họng. Trái chín có nhiều nước, ăn chua chua, ngọt ngọt.

Trái nhãn chài.

Thấp nhỏ, trẻ em đứng dưới đất cũng hái được, hoặc móc xuống mà hái là cây nhãn lồng. Trái nhãn lồng tròn vo, nhỏ cỡ đầu ngón tay út, khi chín có màu vàng rơm. Trái nhỏ mà hột to, phần cơm của trái nhãn lồng trắng mỏng, mọng nước. Vừa bấm vỏ là nước trong ruột bắn ra. Trái nhãn lồng ăn ngọt hơn trái duối, trái mắm, lại dễ hái, nên chúng tôi rất thích. Thân bụi là cây nhãn chài.

Trái nhãn chài đóng thành chùm, xoè ra như nải chuối. Mỗi nải có năm bảy trái. Khi chín trái nhãn chài có màu đỏ tươi. Trái có từng đốt như ngón tay. Mỗi đốt là một hột. Nhãn chài chín ăn ngòn ngọt…Vừa có thể gọi là bụi, nhưng có thể gọi dây đó là mây.

Trái mây tròn, mọc thành chùm dài, khi chín có màu trắng, ruột có hột to cứng, ăn ngòn ngọt, chát chát… Còn nhiều loại trái rừng ăn được và ngon nữa như vú bò, cơm nguội, cò ke… mà hồi nhỏ, trẻ em con nhà nghèo chúng tôi được thưởng thức.

Tuy không còn nhiều như xưa kia, nhưng các loại cây trái vùng sông nước hay trên gò giồng nêu trên vẫn còn. Trong những tháng nghỉ hè, nhất là mùa hè trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các bậc phụ huynh có thể đưa con em mình đi một cách “nhỏ lẻ”, đến những nơi “hơi vắng vẻ”, gần gũi với thiên nhiên. Ðể từ đó các em, các cháu biết thêm một vài loại cây trái trong tự nhiên. 

T.L

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục