Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Một tuyến kênh thuộc khu tưới Tân Biên chưa phát huy hiệu quả
Thứ ba: 09:08 ngày 30/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, hiện nay, khu tưới chỉ phục vụ tưới gần 3.000 ha, đạt chưa tới 50% so với thiết kế. Khó khăn lớn nhất trong việc phát huy hiệu quả khu tưới Tân Biên là thiếu hệ thống kênh mương nội đồng và mương kiến.

Kênh mương cao hơn ruộng khiến nông dân gặp khó khăn khi dẫn nước sản xuất nong nghiệp.

Khu tưới Tân Biên thuộc dự án thuỷ lợi Phước Hoà là một trong những công trình thuỷ lợi quan trọng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp ở Tây Ninh. Trong đó, hạng mục xây dựng kênh chính l và kênh cấp 1, 2, 3 thuộc các khu tưới Tân Biên với mức đầu tư hơn 160 tỷ đồng, diện tích tưới là hơn 6.400 ha được kỳ vọng sẽ cung cấp nguồn nước tưới, tiêu hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện hệ thống kênh nhánh, kênh tiêu công trình này còn nhiều bất cập.

Nơi tràn ngập, nơi cạn khô

Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi có mặt tại xã Tân Bình, huyện Tân Biên khi hệ thống kênh thuỷ lợi N2-19 đang hoạt động. Tại kênh N2-19-1 (nhánh của kênh N2-19) chảy qua các ấp Tân Thanh, Tân Thạnh, Tân Nam (xã Tân Bình), phía đầu kênh nước chảy tràn nhưng đi đến phía cuối kênh (ấp Tân Thạnh) lại không hề có nước, nông dân không thể trồng trọt.

Công trình thuỷ lợi N2-19 lấy nước từ kênh chính Tân Biên, có tổng chiều dài thiết kế là 3.050m, phục vụ tưới tiêu cho 352 ha lúa, hoa màu. Khi vào vụ xuống giống, nước ở đầu kênh tràn ra khiến ruộng ngập, người dân gặp khó khăn trong gieo trồng. Trong khi đó, người dân cuối kênh ở ấp Tân Thạnh cũng không gieo sạ được vì... thiếu nước. Mặc dù nằm sát kênh nhưng có không ít ruộng lúa của người dân luôn trong tình trạng “khát nước”. Xảy ra tình trạng này là do kênh thấp hơn mặt ruộng từ 0,5-0,7m và không có đường nước dẫn vào ruộng.

Ðể có nước tưới, người dân phải mua máy bơm. Trong khi trước đó, người dân vẫn sử dụng nguồn nước mưa và kênh mương nội đồng cũ để sản xuất. Từ khi tuyến kênh N2-19 được thi công và đưa vào sử dụng đến nay thì nhiều ha lúa “khát” khô vì không lấy được nước.

Ông Hà Văn Hùng (ngụ ấp Tân Thạnh) cho biết, ông có gần 1 ha ruộng nhưng không có nước tưới để trồng lúa. Nếu sử dụng máy bơm nước thì chi phí tăng cao, không có lợi nhuận nên vụ này ông đành bỏ hoang đám ruộng. Cũng theo ông Hùng, do thiếu nước nên năng suất lúa ở đây giảm sút đáng kể, từ 20-30% so với các cánh đồng khác trên địa bàn xã.

Ông Nguyễn Trung Tiễn, Ðội trưởng Ðội Quản lý kênh Tân Biên cho biết, bờ tả của kênh N2-19-1 cao hơn mặt kênh nên không thể lấy nước trực tiếp vào ruộng như thiết kế ban đầu là nước tự chảy. Do địa hình gò tự nhiên, khi kênh đi qua chỉ tự chảy được một bên, còn bên kia phải sử dụng máy bơm. 

Trong khi người dân khẳng định tuyến kênh N2-19, đặc biệt là kênh N2-19-1 không mang lại hiệu quả như mong muốn, gây lãng phí thì Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh vẫn khẳng định tổng diện tích tưới chưa đạt theo thiết kế nhưng vẫn vượt kế hoạch tưới năm 2018.

Cụ thể trong vụ Ðông Xuân 2017-2018, tuyến đã phục vụ tưới hơn 2.766 ha, đạt 102,6% kế hoạch; vụ Hè Thu phục vụ hơn 2.773 ha, đạt 103,42% kế hoạch; vụ mùa phục vụ hơn 2.555 ha, đạt 109,77% kế hoạch.

Trách nhiệm của ai?

Ðể làm rõ nguyên nhân "sự cố" không lấy được nước tưới của người dân tại xã Tân Bình, chúng tôi đã liên hệ với một số cơ quan chức năng.

Theo ông Nguyễn Trung Tiễn, Ðội trưởng Ðội Quản lý kênh Tân Biên, trước tình trạng kênh thấp hơn ruộng, Ðội đã cố gắng dâng cao nước hết khả năng để người dân phía cuối kênh có thể lấy được nước tưới nhưng bất khả thi do thiết kế. Trong khi đó, nông dân ở đây chưa có nhiều kinh nghiệm về thuỷ lợi, chưa biết cách đưa nước vào ruộng. Ðồng thời, khu vực này hiện chưa có hệ thống mương kiến nội đồng nên việc lấy nước vào ruộng rất khó khăn, do bà con nông dân chưa hiến đất để làm. Vừa qua, Ðội đã vận động nông dân hiến đất làm mương kiến nhưng không nhận được sự đồng tình.

Ông Phan Tấn Tài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình cho biết, có khoảng 100 ha đất không lấy được nước kênh N2-19-1. Theo thiết kế ban đầu, vùng tưới lên đến 350 ha nhưng hiện tại tưới chưa đến 250 ha. Ðể có nước tưới, người dân đành sử dụng máy bơm hoặc đặt ống dẫn nước từ đầu kênh vào ruộng, khiến chi phí sản xuất tăng cao.

Trong khi đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khẳng định không có chuyện 100 ha đất không lấy được nước ở vùng tưới kênh N2-19-1. Theo thiết kế, phía cuối kênh thấp hơn đầu kênh rất nhiều, nên không thể có chuyện không lấy được nước. Không lấy được nước là do công tác điều tiết của Ðội quản lý kênh Tân Biên “có vấn đề”.

Ông Võ Văn Hoài Linh, Phó trưởng Phòng Quản lý dự án thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Nói kênh N2-19-1 đoạn cuối không có nước là không đúng. Kênh được thiết kế bậc nước nên nước chảy về phía sau rất dễ dàng. Tuy nhiên, do công tác quản lý và khâu phối hợp giữa người dân với Ðội Quản lý kênh Tân Biên chưa chặt chẽ, Ðội giao cho người dân tự lấy nước tưới nên kết quả còn hạn chế.

“Kênh có 13 cửa lấy nước. Ở đoạn đầu mạnh ai nấy mở. Người dân thay vì thực hiện đúng việc lấy nước khoảng 1-2 tiếng là đủ rồi đóng cửa cống lại để cho đoạn phía sau lấy nước nhưng lại để cho chảy suốt. Cho nên, đoạn đầu kênh có bao nhiêu nước là chảy ra ruộng gần hết, làm cho đoạn cuối thiếu nước tưới. Do đó, để xảy ra tình trạng trên là do khâu quản lý, vận hành, phối hợp. 

Thiếu kênh nhánh, kênh tiêu

Dự án thuỷ lợi Phước Hoà - khu tưới Tân Biên được hoàn thành và đưa vào sử dụng giúp nông dân chủ động nguồn nước tưới tiêu cho hơn 6.400 ha đất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản.

Tuy nhiên, theo Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, hiện nay, khu tưới chỉ phục vụ tưới gần 3.000 ha, đạt chưa tới 50% so với thiết kế. Khó khăn lớn nhất trong việc phát huy hiệu quả khu tưới Tân Biên là thiếu hệ thống kênh mương nội đồng và mương kiến. Trên địa bàn xã Tân Bình chỉ có chưa đến 1/3 diện tích đất sản xuất có mương kiến nội đồng. 

Một vấn đề khác đáng quan tâm là sự bất cập của hệ thống tiêu thoát nước ở khu vực này. Nếu thiếu nước làm giảm năng suất và chất lượng cây trồng thì ngập úng thường gây mất trắng, do các loại cây trồng như lúa, hoa màu thường “nhạy cảm” với nước.

Ông Huỳnh Ðại Hưng, Trưởng Phòng Quản lý nước - công trình thuộc Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Tây Ninh cho biết thêm, đối với kênh tiêu, kênh chính Tân Biên có hơn 10 vị trí có làm cống tiêu lòn qua, nhưng đơn vị thi công chỉ làm cống qua kênh. Nước chảy qua cống sẽ qua một kênh dẫn để qua kênh tiêu tự nhiên nhưng đơn vị thi công đã không làm kênh dẫn này. Do đó, nước chảy vào đường mương cũ quá nhiều gây xói lở đất. Sau khi người dân phản ánh, Công ty đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; và Sở phản hồi cho biết năm 2019 sẽ xem xét bố trí nguồn vốn để đầu tư làm hệ thống kênh tiêu.

Do dân không đồng thuận?

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực xã Tân Bình không thể có chuyện ngập úng do hệ thống tiêu không bảo đảm. Cụ thể, năm 2017, để giải quyết tình trạng ngập úng, tỉnh đã cho nạo vét kênh tiêu Tà Xia để tiêu thoát nước cho khoảng 500 ha đất. Dự kiến sắp tới sẽ làm thêm cống tiêu TB2 và TB4. Tuy nhiên, khi lấy ý kiến người dân để lập dự án (có đền bù) thì đa số họ không đồng tình nên không thể triển khai. Có 50% số hộ không đồng tình làm kênh tiêu nhánh mới TB2 và TB4 vì cho rằng không cần thiết, mà lại phải mất đất.

Ban Quản lý dự án đã xin bổ sung thêm hạng mục kênh tiêu nhánh (đào đường ranh Nông Lâm) chảy ra kênh tiêu Tà Xia vào năm 2019, giúp người dân chuyển đổi cây trồng thuận lợi hơn. Tuyến kênh này lấn ra đất của người dân khoảng 1-2m nhưng không đền bù do không có vốn nên người dân cũng không đồng thuận. Vì vậy, dự án đã kết thúc khi vốn đầu tư vẫn còn nhưng không được sử dụng, còn việc tiêu nước vẫn chưa triệt để.

Theo Ban Quản lý dự án, hiện nay, xã chỉ cần vận động người làm mương kiến sẽ giúp người dân tiêu nước và lấy nước tưới dễ dàng.

Vũ Nguyệt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục