Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bài thơ Trường Sa của Ngô Xuân Hội đăng trên báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) số ra ngày 4.11.2017 là viết về đảo nằm trong quần đảo Trường Sa của nước ta.
Vành san hô bao quanh đảo nhô lên khỏi mặt nước biển khi thuỷ triều xuống. Khí hậu ở đây từ tháng 2 đến tháng 5 là mùa khô; sóng yên biển lặng. Từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau là mùa mưa, giông bão thường xuyên.
Ðọc bài thơ, có cảm giác như đang được một hướng dẫn viên tận tình đưa khách tham quan đi thăm từng nét đặc trưng tại một ngôi nhà trên đảo: Nhà thấp dưới đá san hô/ Mùa mưa ẩm ướt, mùa khô cát lầm.
Tiếp đến là xoay vòng đến ba cua quanh: Quanh nhà những bể nước ngầm. Có lẽ đây là hầm chứa nước mưa. Ở đảo có giếng nước lợ có thể tắm, giặt và tưới cây: Quanh những bể nước, đường hầm, vườn rau. Cây cối tự nhiên ở đảo xưa nay chỉ có các loại như cây bàng vuông, muống biển, phi lao, phong ba, cỏ lau, cỏ lá kim…
Chúng khó phát triển do khí hậu khắc nghiệt. Nên: Quanh vườn phía trước, phía sau/ Một màu cát trắng, một màu biển xanh/ Phong ba xoè lá vươn cành/ Triều lên bãi cạn, sóng duềnh bạc phơ. Ðúng là quang cảnh ở đảo xa. Nhưng cũng có cái vui. Dường như ở đâu có chim ở đấy có niềm vui.
Cảm ơn những chú chim trên biển: Náu mình trên đảo bây giờ/ Ðàn chim âu biển bất ngờ bay lên. Ðàn chim bất ngờ bay lên làm mấy anh lính trẻ hồi hộp theo dõi: Những anh lính trẻ lặng yên/ Ðã quen vẫn cứ ngạc nhiên lúc này. Chim làm cho các anh bộ đội ta đã từng rất quen với chúng rồi mà vẫn thú vị: Xoè tay chim đậu xuống tay/ Tay người như thể cành cây lạ thường.
Chuyện lạ thật! Ở đất liền hiếm khi thấy cảnh chim trời hồn nhiên sà xuống tay người, xem tay người tựa cành cây như thế. Thì ra chim cũng yêu các anh lính đảo, coi các anh như bạn bầu thân thiết. Một hình ảnh trong trẻo và lung linh ánh sáng nhân văn. Chan hoà và hồn hậu!
Bài thơ không trau chuốt. Chỉ chân chất! Thật và mộc! Cảnh ở đây không “giặm” màu mè, không pha màu sắc, không trộn hoà âm. Tất cả như tâm hồn trẻ trung đẹp tự nhiên nguyên vẹn của các anh lính đảo!
Cảnh Trà