Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Không chỉ những cánh đồng ruộng ven sông Vàm Cỏ Đông xuống giống chậm mà hầu hết các cách đồng ven sông rạch thuộc phụ lưu sông Vàm Cỏ Đông đến nay vẫn còn ngập nước, nông dân cũng chưa xuống giống được.

(BTNO)- Năm 2011, lũ ở sông Vàm Cỏ Đông đến chậm hơn hằng năm trên nửa tháng và cao hơn đỉnh lũ những năm trước. Lũ về chậm và cũng xuống rất chậm. Thường năm đến cuối tháng 12 năm trước, đầu tháng giêng năm sau là các cánh đồng ven sông Vàm Cỏ Đông nông dân đã xuống giống xong vụ lúa đông xuân. Còn vụ đông xuân năm nay, đến cuối tháng 12. 2011 nhiều cánh đồng ven sông vẫn còn mênh mông nước.
Ông Nguyễn Văn Láng, một nông dân làm ruộng ở cánh đồng xã An Thạnh (Bến Cầu) cho biết, nhà ông có 60 cao ruộng gần sông Vàm Cỏ Đông. Hằng năm, cứ vào con nước mùng mười tháng 11 âm lịch (khoảng giữa tháng 12 dương lịch) là ông đã xuống giống lúa đông xuân xong. Năm nào nước xuống chậm, trễ lắm cũng đến con nước 25 tháng 11 âm lịch là ông đã sạ xong. Còn năm nay nước lũ xuống chậm quá, đến mùng mười tháng chạp này ông mới xuống giống được, trễ hơn mọi năm đúng một tháng.
![]() |
Đến nay nhiều cánh đồng ven sông Vàm Cỏ Đông vẫn còn mênh mông nước |
Không riêng gì ông Láng mà nhiều nông dân khác làm ruộng trên cánh đồng xã An Thạnh cũng cùng chung cảnh ngộ. Theo ông Láng, việc nông dân xuống giống lúa đông xuân chậm hơn một tháng sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng lúa, đồng thời đẩy giá công thu hoạch sẽ tăng cao, chưa kể việc việc xuống giống thiếu đồng loạt sẽ khó tránh khỏi bị dịch bệnh và sâu rầy tấn công. Vừa bị thất vụ, vừa bị nâng giá công lao động, vụ mùa đông xuân năm nay cho thấy nông dân chịu nhiều bất lợi.
Ngoài ra, việc xuống giống quá muộn không chỉ ảnh hưởng đến vụ đông xuân mà còn ảnh hưởng đến vụ hè thu. Hằng năm, cứ thu hoạch vụ xong đông xuân là ông Láng để ruộng không khoảng một tháng mới xuống giống vụ hè thu cũng kịp thời vụ. Làm như thế cho đất “có thời gian nghỉ ngơi”. Còn vụ đông xuân năm nay, khi thu hoạch xong, để kịp thời vụ nông dân phải làm đất xuống giống vụ hè thu ngay. Làm như vậy cũng ảnh hưởng đến năng suất lúa hè thu. Theo ông Láng, nếu có đê bao ngăn lũ ở cánh đồng An Thạnh, nông dân sẽ chủ động được khâu xuống giống bằng cách bơm nước ra sông.
![]() |
Nông dân khẩn trương xuống giống lúa đông xuân |
Không chỉ những cánh đồng ruộng ven sông Vàm Cỏ Đông xuống giống chậm mà hầu hết các cách đồng ven sông rạch thuộc phụ lưu sông Vàm Cỏ Đông đến nay vẫn còn ngập nước, nông dân cũng chưa xuống giống được. Anh Nguyễn Hoàng Phi, ở xã An Hoà (Trảng Bàng) làm một mẫu ruộng ven rạch Trảng Bàng cho biết, thấy con nước 25 tháng 11 âm lịch vừa qua hạ xuống chút đỉnh, anh vội đem giống đi ngâm. Nhưng do nước lại dâng cao, số giống đã ngâm anh Phi phải đem phơi vì không xuống giống được. Anh phải chờ đợi đến con nước mùng mười tháng chạp này mới xuống giống được. Cũng có một số nông dân ở đây “sốt ruột” không phơi giống, mà be bờ bơm nước ra xuống giống đại. Nhưng sau đó lúa mới sạ đã chìm sâu trong nước, nay phải chạy đi tìm mua lúa giống khác về sạ lại.
Một cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh cho biết, theo lịch thời vụ, hằng năm đến khoảng ngày 10 tháng 1 (dương lịch) là nông dân xuống giống vụ lúa đông xuân xong. Năm nay, do ảnh hưởng nước lũ xuống chậm, nên việc xuống giống vụ đông xuân cũng rất chậm. Đến cuối tháng 12. 2011, toàn tỉnh mới xuống giống được khoảng 23.000ha lúa đông xuân, chỉ đạt khoảng 50% diện tích lúa đông xuân.
D.H