Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Một vụ tranh chấp đất hơn 30 năm gây nhiều tranh cãi
Chủ nhật: 05:45 ngày 15/05/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Văn bản kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cho rằng, việc bản án dân sự của TAND tỉnh buộc các bị đơn bồi thường thành quả lao động theo giá đất tại thời điểm xét xử là không đúng quy định, phủ nhận Quyết định 2464 của UBND tỉnh và Bản án số 33 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại TP.HCM đã có hiệu lực pháp luật thi hành. Nhận định trên có khách quan và có cơ sở pháp lý để TAND cấp cao, VKSND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh xem xét?

Có 2 hộ cất nhà lầu 3 tầng hợp pháp trong khu đất tranh chấp, vì họ có “giấy đỏ”.

Trên cơ sở xem xét “đơn khiếu nại xem xét khẩn cấp” theo thủ tục giám đốc thẩm của các ông, bà Phạm Thế Hùng, Nguyễn Văn Lòng, Nguyễn Văn Đức, Đàm Thị Điệu, Nguyễn Thị Nụ, ngày 9.12.2015, ông Trịnh Ngọc Phương– quyền Trưởng phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh có văn bản gửi Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM, VKSND cấp cao tại TP.HCM kiến nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với 5 bản án sơ thẩm dân sự, phúc thẩm dân sự do TAND Thành phố, TAND tỉnh xét xử về yêu cầu bồi thường thành quả lao động của bà Võ Thu Trinh.

Trên cơ sở văn bản kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, ngày 28.12.2015, TAND cấp cao tại TP.HCM có văn bản gửi TAND tối cao đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 30.3.2016, TAND tỉnh Tây Ninh chuyển toàn bộ hồ sơ 5 vụ án dân sự nêu trên đến VKSND cấp cao tại TP.HCM. Nội dung kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh như thế nào mà hai cơ quan cấp cao đã có sự quan tâm đặc biệt như vậy?

Khi nói về nguồn gốc đất tranh chấp trong vụ án hơn 30 năm trên, văn bản kiến nghị của Đoàn ĐBQH nêu rõ: Bà Võ Thu Trinh cho rằng, vào năm 1950, cha của bà là ông Võ Thành Minh khai khẩn 2,1 ha đất rừng tại xã Thái Hiệp Thạnh, quận Phú Khương. Ông Minh được chính quyền chế độ cũ cấp quyền sở hữu đất số 442/TN-KT-PT vào năm 1972. Sau đó ông Minh cất 7 căn nhà, trong đó có 6 căn nhà mà các hộ dân trên đang sử dụng. Trong khi đó, các hộ ông Hùng, ông Lòng, ông Đức, bà Điệu, bà Nụ đều cho rằng nguồn gốc đất do ông Hà Văn Nghiêm khai phá trước năm 1945, sau đó cho vợ chồng bà Huỳnh Thị Mai, ông Nguyễn Văn Ký sử dụng. Do ông Minh (em chồng bà Mai) gặp khó khăn nên bà Mai đưa ông Minh về ở chung trên đất của bà. Bà Mai cất 7 căn nhà phố, 1 căn để ở, 6 căn cho thuê. Qua nhiều lần mua bán, xây dựng lại, các hộ dân trên ở cho đến ngày nay.

Quá trình sinh sống, năm 1972, do hoả hoạn nên các hộ không còn giấy tờ mua bán đất trên. 5 hộ dân trên cho biết, khi về ở trên đất bà Mai, ông Minh cất một số căn nhà cho thuê, sau đó bán luôn những căn nhà này cho người thuê. Những căn hộ ông Minh bán trước đây không phải là 6 căn mà 5 hộ dân (Hùng, Lòng, Đức, Điệu, Nụ) đang ở và tranh chấp hiện nay. Nội dung này thể hiện trong báo cáo của Thanh tra tỉnh ngày 16.10.1995. Giấy đất chính quyền chế độ cũ cấp cho ông Minh không đúng với thực tế tại Quyết định 180 của UBND tỉnh. Giấy đất này bị cạo sửa từ “cao su” thành “thổ cư” (thông báo của Tổ chức giám định KTHS, Công an Tây Ninh). Thời điểm phát hiện giấy cạo sửa là năm 2000, nhưng trước đó Quyết định số 173, 177 đã ban hành.

Qua nghiên cứu hồ sơ và tài liệu do cử tri cung cấp, Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng Quyết định 2464 là quyết định có hiệu lực cuối cùng và có hiệu lực từ ngày ký. Quyết định thể hiện giữ nguyên hiện trạng cho các hộ ông Hùng, ông Lòng, ông Đức, bà Điệu, bà Nụ được tiếp tục sử dụng nhưng phải trả thành quả lao động cho gia đình bà Trinh theo bảng giá đất quy định tại Quyết định số 202 ngày 21.11.1996 của UBND tỉnh. Theo Đoàn ĐBQH, bảng giá đất tại Quyết định 202 là căn cứ để toà án áp dụng tính tiền bồi thường thành quả lao động cho bà Trinh. Tuy nhiên, bản án phúc thẩm của TAND tỉnh áp dụng bảng giá đất tại Quyết định 60 (có hiệu lực từ 1.1.2014) làm căn cứ là không có cơ sở.

Bên cạnh đó, văn bản kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội cho rằng bản án phúc thẩm dân sự của TAND tỉnh lập luận rằng, bảng giá đất quy định tại Quyết định 202, đến thời điểm xét xử không còn hiệu lực thi hành, thay thế bằng bảng giá đất tại Quyết định số 60 là thiếu căn cứ. Bởi vì, tại thời điểm ban hành Quyết định 2464 thì bảng giá đất tại Quyết định số 49/2007/QĐ-UBND ngày 20.12.2007 của UBND tỉnh đang có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2008 nhưng UBND tỉnh vẫn quyết định các đương sự bồi thường thành quả lao động theo giá đất quy định tại Quyết định 202. Đó là sự phù hợp, tương thích giữa Quyết định 177 của UBND tỉnh với Quyết định 202 của UBND tỉnh (có hiệu lực áp dụng, chưa bị thay thế và áp dụng cho cả năm 1998). Từ năm 1996 đến năm 2008, có rất nhiều bảng giá đất được ban hành. Thời điểm trước năm 2000, khi đương sự chưa được cấp giấy CNQSDĐ thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là của UBND cấp huyện và cấp tỉnh. Quyết định 2464 thu hồi Quyết định 80, cùng đó là sự khẳng định lại giá trị pháp lý của Quyết định 177 của Chủ tịch UBND tỉnh. Việc TAND tỉnh xét xử phúc thẩm áp dụng bảng giá đất tại Quyết định số 60 không dựa trên căn cứ pháp lý, lại phủ nhận thẩm quyền, trái với Quyết định 2464 của UBND tỉnh.

Mặt khác, khi xét xử vụ án hành chính, hai cấp toà cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều công nhận toàn bộ Quyết định số 177 và Quyết định 2464. Giá trị pháp lý của các quyết định này được khẳng định. Trong khi đó, TAND tỉnh khi xét xử phúc thẩm vụ án dân sự lại không có chứng cứ hay một quy phạm pháp luật nào được viện dẫn để áp dụng giá đất tại Quyết định 60. Điều này không chỉ trái với Quyết định 2464 mà còn phủ định luôn Bản án số 33 của Toà phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã có hiệu lực pháp luật.

Văn bản kiến nghị của Đoàn ĐBQH cũng cho rằng, việc toà án cấp sơ thẩm buộc bị đơn trả lãi suất từ ngày Quyết định 2464 có hiệu lực trong khi nguyên đơn không có yêu cầu là không phù hợp về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự được quy định tại khoản 1 Điều 5 BLDS. 5 bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều căn cứ Điều 246, 256 BLDS để chấp thuận yêu cầu khởi kiện của bà Trinh. Trong khi đó, theo Điều 246 (xác lập quyền sở hữu theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền), 256 (Quyền đòi lại tài sản) BLDS, bà Trinh chỉ được xác lập và đòi lại tài sản theo Quyết định 2464, tức phải theo bảng giá đất tại Quyết định số 202. TAND tỉnh áp dụng bảng giá đất có hiệu lực thời điểm xét xử là không đúng quy định của Điều 246 BLDS (xác lập quyền sở hữu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tức phải theo Quyết định 2464).

Như vậy, đến thời điểm này, vụ tranh chấp đất đai kèm theo việc bồi thường thành quả lao động hơn 30 năm này vẫn chưa kết thúc. Hiện nay, hồ sơ vụ việc này đang được Toà án và VKSND cấp cao tại TP.HCM xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Hy vọng các cơ quan có trách nhiệm sớm đưa ra một phán quyết phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền lợi cho các đương sự liên quan trong vụ án.

Đức Tiến

Tính chất của giám đốc thẩm (Điều 282).

Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (Điều 283). 

Bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:

1. Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;

2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng;

3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Phát hiện bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật cần xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm (Điều 284).

1. Trong thời hạn một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với những người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 285 của Bộ luật này để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

2. Trường hợp Toà án, Viện Kiểm sát hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật thì phải thông báo bằng văn bản cho người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 285 của Bộ luật này”.

(Trích Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011)

 

Theo  thông tin về vụ án “Đòi thành quả lao động” mà báo Tây Ninh đăng tải, tôi thấy cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm của hai cấp Toà Tây Ninh vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng cũng như thiếu cơ sở pháp lý trong quyết định của toà.

Khi Bản án số 33/2012/HC-PT ngày 26.11.2012 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao đã có hiệu lực thi hành thì đồng nghĩa các quyết định của UBND huyện, tỉnh- mà cụ thể là các Quyết định số 173/QĐ-UB của UBND huyện Hoà Thành ngày 30.11.1988, Quyết định số 177/QĐ-CT ngày 3.9.1998 của UBND tỉnh Tây Ninh, Quyết định số 2464/QĐ-UBND của UBND tỉnh Tây Ninh ngày 24.10.2008, kèm với quyết định này là Quyết định 202/QĐ-UB ngày 21.11.1996 của UBND tỉnh Tây Ninh phải được thực hiện đầy đủ.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 114/2014/DSST ngày 29.9.2014 của Toà án nhân dân thành phố Tây Ninh khi xét xử  vụ án “đòi thành quả lao động”, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bồi thường thành quả lao động với mức giá bồi thường là 1/2 giá hiện hành. Việc Toà án áp dụng Quyết định 202/QĐ-UB ngày 21.11.1996 của UBND tỉnh Tây Ninh để tính giá bồi thường thành quả lao động là đúng với tinh thần của quyết định của UBND tỉnh. Tuy nhiên việc Toà tính lãi suất chậm trả là không có cơ sở. Điều này đã vượt quá giới hạn xét xử, vi phạm phạm vi xét xử, vi phạm theo Khoản 1 Điều 5 của Bộ luật Tố tụng dân sự, đó là quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự.       

Lẽ ra, bản án sơ thẩm này phải được kháng nghị huỷ án hoặc có kháng cáo thì cấp phúc thẩm quyết định huỷ án sơ thẩm để xét xử lại từ đầu. Tuy nhiên điều này không xảy ra.

Tại Bản án phúc thẩm số 101/2015/DSPT ngày 13.4.2015 của Toà án tỉnh Tây Ninh cho rằng Toà sơ thẩm áp dụng Quyết định 202/QĐ-UB ngày 21.11.1996 của UBND tỉnh Tây Ninh để tính giá bồi thường là không phù hợp vì quyết định này đã hết hiệu lực, mà phải áp dụng bảng giá đất theo Quyết định 60/2013/QĐ-UBND ngày 19.12.2013 của UBND tỉnh tại thời điểm xét xử mới phù hợp. Đây là sự nhận định chủ quan, suy diễn không có căn cứ pháp lý, không phù hợp với bản chất của vụ án. Vì Quyết định số 2464/QĐ-UBND của UBND tỉnh Tây Ninh ngày 24.10.2008 đã xác định Quyết định 202/QĐ-UB của UBND tỉnh Tây Ninh để làm căn cứ xác định giá đất bồi thường thành quả lao động. Đến thời điểm hiện tại, chưa có một quyết định của cơ quan có thẩm quyền nào nói rằng Quyết định 202/QĐ-UB của UBND tỉnh Tây Ninh không được áp dụng khi giải quyết vụ án này. Nhận định của Toà phúc thẩm chẳng khác nào đã phủ nhận Quyết định 2464 của UBND tỉnh đã có hiệu lực thi hành.

Tôi cho rằng, bản án phúc thẩm của Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh tạo cho người khác có cảm giác rằng vụ án “có vấn đề”. Vì vậy, bản án cần phải được kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm huỷ án và xét xử lại từ đầu.

Luật sư  Lê Văn Thành

(Đoàn Luật sư TPHCM )

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục