Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Một vùng sông nước Tây Ninh trong truyện ký Lở Bồi
Thứ năm: 18:15 ngày 27/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong ký ức của Hàm Chương, đấy là một đêm: “Ầm ầm ầm… đạn pháo nổ vang không dứt, nối tiếp như sấm rền, cả nhà đủ mặt dưới hầm trú ẩn. Mặt đất rung lắc mọi người cảm nhận sự dữ dội của trận đánh…

Bên bờ Rạch Bảo (Long Chữ).

Trong cuộc đối thoại đã kể, quả nhiên có một người đã đúng. Dù người kia bảo: “Khó, khó lắm. Thật không nghĩ ra cách”, ông nói: “vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn”. Thì đây, quân dân cách mạng huyện Bến Cầu đã tìm ra cách. Một ngày kia, Yếu khu chợ Cầu bị phá banh.

Trong ký ức của Hàm Chương, đấy là một đêm: “Ầm ầm ầm… đạn pháo nổ vang không dứt, nối tiếp như sấm rền, cả nhà đủ mặt dưới hầm trú ẩn. Mặt đất rung lắc mọi người cảm nhận sự dữ dội của trận đánh…

Tiếng nổ chồng lên nhau suốt hai mươi phút, đã nói lên cái khác thường với những lần công đồn trước đây của lực lượng cách mạng… Ba giờ sáng. Pháo binh Sài Gòn tại thành vòng đai bảo vệ như đã bao lần, nhưng lần này khác. Thay bằng sự im lặng của những lần trước là loạt súng giòn khô của tiếng AK không lẫn vào đâu được.

Trận chiến được giải quyết một cách nhanh gọn. Ðến 5 giờ sáng thì tiếng loa thông báo, bộ đội cách mạng đã làm chủ Yếu khu chợ Cầu. Ðề nghị mọi người mở cửa để mừng chiến thắng. Trong lúc trên trời pháo sáng từ máy bay còn đang bung dù rơi xuống, sáng cả một vùng, tôi cùng ba hé cửa nhìn ra.

Ðường dẫn ra đầu làng, hai hàng lính đầu cúi gằm, hai tay bị trói bước đi trong yên lặng, giữa những người bộ đội mặc đồ xanh, tay giương AK. Và kìa! Người sĩ quan lần trước đã nói về sợ kiên cố của tuyến phòng thủ, dường như nhìn nhanh về phía cha con tôi, rồi lầm lũi đi tiếp…”.

Rà lại các trang sách Truyền thống cách mạng huyện Bến Cầu (1945- 1975) thì đây có thể là trận đánh diễn ra ngày 6.1.1964 (23 tháng Chạp âm lịch): “lực lượng huyện phối hợp với trung đoàn 1 thuộc sư đoàn 9, đánh tiêu diệt đồn chợ Cầu… kết quả, ta dùng súng DKZ 75 ly tiêu diệt đồn, diệt 20 tên, trong đó có tên Sanh đồn trưởng và tên cảnh sát trưởng, bắt 52 tù binh (trong đó có 2 tên tề xã Ngô và Nghiêm).

Như vậy, toàn bộ Ban hội tề xã bị bắt và bị diệt…”. Sử cũng ghi lại các cuộc phản kích của quân đội Sài Gòn, để lấy lại Yếu khu, trong đó có sự kiện: “dội bom huỷ diệt thánh thất Cao Ðài ở chợ Cầu, giết chết và làm bị thương hàng trăm người”.

Nhưng, sử không thể có những trang viết sinh động về đời sống người dân chợ Cầu lúc ấy, như trong truyện ký của Hàm Chương. Ðấy là cảnh tản cư: “đồng loạt, mọi người đều gồng gánh dẫn con cái theo hướng cổng làng kéo đi thành đoàn. Mẹ chân đất, đầu trần với đôi quang gánh trên vai, một đầu là những bao quần áo đưa về phía trước như một rào che, còn đầu phía sau con út ngồi trong thúng tre…”.

Ðoàn người tản cư ấy chạy về hướng Mộc Bài (nay là cửa khẩu quốc tế), ở nhờ những nhà quen hoặc trường học. Rồi tác giả cùng ba mình lại quay về Tiên Thuận, cách nhà 3 cây số. Ðể rồi thấy được cảnh tượng này: “ở đây nghe rõ tiếng súng, thấy từng đôi máy bay vòng quanh, rồi tách từng chiếc lao xuống, bom từ thân máy bay từng cặp rơi ra. Khi máy bay nghiêng mình bay lên, thì bùng lên những vùng lửa bốc cao thành cột khói.

- Trời ơi, xương thịt chịu sao thấu, ba cất lời than thở.

- Thế mà đã mấy ngày có tiến được bước nào đâu. Một người góp chuyện.

- Xe tăng mở đường, phí pháo càn quét, bộ binh theo sau mà có vào được đâu. Thật là phi thường. Dường như ai đó biết mình lỡ lời”.

Rõ ràng, đoạn văn miêu tả trên cho người đọc thấy hết sự tàn khốc của cuộc phản kích của quân đội Sài Gòn tái chiếm Yếu khu chợ Cầu. Lịch sử sẽ sinh động lên biết bao, khi có các trang văn như trong truyện ký "Lở bồi".

Thế rồi: “Người Mỹ cũng đến quê tôi, đầu tiên là những thay đổi ở căn cứ Cẩm Giang. Súng pháo binh lớn hơn, lính Mỹ đông hơn, máy bay lên xuống nhiều hơn… Dưới sông tàu sắt chạy tốc độ thật nhanh, vũ khí cực kỳ hiện đại, nghe nói có thể nhìn trong đêm tối. Trên trời thì trực thăng, L19 và chiến đấu cơ luôn hiện hiện. Bóng tối bao trùm cảnh vật… Ðột nhiên nhà cửa rung lắc dữ dội, âm thanh rầm vang bên sông.

Tất cả chạy khỏi nhà, còn kịp nhìn thấy đường lửa chạy dài hướng biên giới, phía Rừng Nhum, Long Khánh…”. Thế rồi một lần tác giả trên đường từ Gò Dầu trở về Cẩm Giang, đã được chứng kiến một trận giải phóng quân đánh Mỹ trên quốc lộ 22, tại Bến Mương- Trà Võ.

Ðấy là trận Tiểu đoàn 14 đánh vào “công voa” chở hàng cho căn cứ Mỹ ở Trảng Lớn trở về Sài Gòn: “Một cái gì quá sức đang bày ra trước mắt. Cả đoàn xe ngùn ngụt cháy, kéo dài hàng cây số. Xác những người lính Mỹ chết với nhiều tư thế, máu còn loang đỏ. Thấp thoáng những chiếc võng khuất dần dưới tán cao su, chắc máu cũng thấm đỏ trời chiều…”.

Xen lẫn các trang viết về chiếc tranh khá đặc sắc, tác giả vẫn không quên quê hương Bến Cầu yêu dấu, với những người nông dân cần cù lam lũ. Chiến tranh thì họ vẫn cần phải sống chứ! Những đoạn đặc tả đời sống của nhân dân thời chiến in đậm trên nhiều trang viết.

Nào là: “Qua An Thạnh kéo dài hơn 7 cây số đến tận Mộc Bài, hai bên là bưng hoang với cỏ năn trải dài ngút ngàn… Xen giữa là những rừng tràm lâu năm. Là nơi lý tưởng của nhiều giống chim như sếu, kền kền, cò sinh sống kiếm ăn. Dẫu khắc nghiệt thế nào, thì con người cũng cố bám vào thiên nhiên mà sống…”.

Nổi bật lên là ông Hai Mẫm, một tay soi cá lão luyện ở đồng bưng. Một lần: “dưới ánh sáng mờ mờ của những vì sao, một đàn kền kền đang tranh giành phần xác trâu bị lún lầy do người bỏ lại. Rất nhanh gần như không suy nghĩ, hai tay ông tóm chặt chân hai con kền kền.

Ðàn kền kền hoảng loạn bay lên, hai con bị bắt cố thoát, đập mạnh cánh lôi ông Mẫm lướt trên mặt lung lầy. Ðôi chân ông hổng khỏi mặt đất… ông thả nhanh một con, hai tay tóm chặt con còn lại. Và đúng luật tiến hoá, con người dù không cao lớn với tay không đã trói gọn chú kền kền cao gần một mét, nặng cả chục ký, sải cánh thật rộng. Từ hôm ấy cả làng đã đổi tên cho ông, từ Mẫm Cá thành ông Mẫm Chim…”.

Thật là có đủ mọi thứ chuyện, trong vùng chiến ở một miền quê ven sông nước Tây Ninh. Chuyện làm ăn của gia đình mình và những người dân khác. Chuyện của mình khi tập tành buôn bán với số vốn đầu tiên mẹ cấp cho bằng giá 20 cây thuốc Ara mua tại chợ trời Mộc Bài.

Chuyện chiến cuộc, thắng thua xuyên suốt thời kháng chiến chống Mỹ, với đủ các loại chiến lược chiến tranh. Và cả chuyện giải phóng Sài Gòn, Tây Ninh những ngày tháng tư 1975 lịch sử, trong đó có nhiều người tìm về Toà thánh Cao Ðài làm chỗ tạm trú. Dĩ nhiên, có cả những chuyện tình. Tình yêu một phía của tác giả với con gái ông thiếu tá Cao Ðài, khi hai người cùng chuyến xe lên Tây Ninh đi học thời trung học phổ thông, cho đến sau ngày giải phóng .v.v...

Nhưng, chuyện tình kỳ lạ, “hy hữu” nhất là chuyện của chị Ba Mùa với anh Dũng- một chiến sĩ Quân giải phóng: “chị Mùa ngày lớn lên đẹp tự nhiên như một bông hoa rừng, cao tầm một mét sáu…”. Còn anh Dũng, bạn với anh trai Mùa, trong đơn vị cách mạng thường bám trụ ở vùng giáp ranh trên đất Bến Cầu.

Họ gặp và thương nhau, quà tặng là những túm trái cây hay ổ trứng gà rừng. Ðiều kỳ diệu là gia đình hai bên đã tổ chức thành công lễ hỏi, lễ cưới ngay trước mắt đoàn “cán bộ xây dựng nông thôn” của địch. Bằng cách che mắt chúng qua việc đổi bán trâu.

Lễ cưới là lúc bên nhà trai dẫn trâu sang, nhà gái nhận và làm bữa tiệc mừng trâu mới. Cũng có cơm canh, gà luộc, thắp nhang khấn vái trước bàn thờ gia tiên, có cả cán bộ xây dựng nông thôn tham dự. Họ cũng có ngày “vu quy” nhờ bà mẹ cô dâu giả bệnh nặng, để chị ba Mùa lấy cớ về Sài Gòn mua thuốc.

Kỳ thực là chị: “đi ngược hướng về Long Chữ bằng con đường nhỏ. Cuối đường đã thấy anh Hai Hùng và Dũng (chú rể) trong bộ đồ đen, chân dép râu, vai súng AK vẫy đón dâu. Ðơn vị anh Dũng đã tổ chức lễ thành hôn (tuyên bố) cho họ. Chị ở lại cùng chồng 3 đêm.

Ðiều kỳ diệu đã xảy ra: “chị Mùa người con gái ngoan hiền, không chồng mà lại có thai. Cả xóm bàn tán, mà cay cú nhất là mấy chú cán bộ xây dựng nông thôn, cô Mùa có bầu với ai và khi nào? Trong khi bọn họ ngày đêm giám sát cái gia đình Việt Cộng này từ những ngày đầu chương trình bình định nông thôn…”.Còn nhiều điều rất thú vị về Tây Ninh một thời kháng chiến, trong vùng tạm chiếm, dù chỉ được tác giả kể lại trong chưa đầy 200 trang sách.

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục