BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ghi chép tản mạn

Mùa nước lũ

Cập nhật ngày: 23/10/2020 - 10:39

BTN - Xin không nhắc lại mùa mưa lũ đang hoành hành ở miền Trung. Bởi thông tin đã được đăng tải trên báo chí và mạng xã hội. Chỉ tóm tắt lại là một cơn lũ kinh hoàng khiến hàng chục ngàn ngôi nhà bị cuốn trôi, bị ngập; hơn 100 người đã mất chưa kể đến số còn đang mất tích. Cả nước đang sôi nổi dậy lên phong trào chia sẻ với miền Trung. Tôi chỉ xin nhắc lại, ghi chép về mùa lũ mà tôi đã biết hoặc tận mắt thấy ở tỉnh nhà, nơi có sông Vàm Cỏ Đông nổi tiếng hiền hoà.

Vậy là tháng 10 này cũng đã có lũ về Tây Ninh rồi, thưa quý bạn! Nếu ai chưa có dịp ra gần sông, rạch thì hãy xem mục dự báo thời tiết trên Đài PT-TH Tây Ninh. Vâng! Mục dự báo ấy chỉ hiện ra qua một dòng phụ đề trôi bên dưới màn hình. Tối thứ hai, thông tin về nước lũ là: “Mực nước tại Gò Dầu Hạ là từ 1,00 đến 1,20 mét”. Tôi nhớ lại, cách nay chừng 1 tháng, mực nước ở Gò Dầu mới chỉ là 0,55 đến 0,6m. Vậy là nước sông Vàm Cỏ Đông đã cao lên tới gấp 2 lần mức nước bình thường trước mùa mưa lũ.

Vài bữa trước, tôi ra thăm chim cò tại vườn chim ở khu phố 4, phường 3. Thấy nước lũ dâng trên rạch Tây Ninh đã tràn vào đầy ắp các thửa ruộng bao quanh nơi chim về di trú. Trên ruộng đã thấy vài chiếc xuồng con bơi kiếm cá. Một anh đi vớt ốc quanh bờ.

Chẳng bao lâu anh được lưng lưng xô ốc. Trên đường về theo hẻm số 3 đường Trưng Nữ Vương, tôi cũng đã thấy nước lên “lé đé”, cách mặt đường chỉ còn độ gang tay. Qua công viên Bờ Kè đường Quang Trung, tôi ghé hỏi thăm một anh câu cá, anh buông sõng một câu:- Lũ về nhưng chưa thấy cá đâu.

Quả nhiên, trong xô đựng cá của anh chưa có con nào. Chưa có sao vẫn đông người đi câu đến thế, chỉ vắng anh dân chài quen mặt thường chở xuồng lưới ra quăng chài khi thấy cá về. Chưa cần hỏi thì anh câu cá đã lên tiếng tiếp: Câu cho vui ấy mà! Mà, vui thật.

Thì đấy, mọi khi nước lặng thì nay đã là một dòng chuyển động. Mọi khi nước trong, nay nước đỏ ngầu ong óng sắc phù sa. Nước rạch đã lên tới mặt móng bờ kè. Nước chảy đã cuốn phăng đi những rác rến, lục bình, chỉ còn lại một dòng trôi hăm hở. Vậy là vui.

Chiều ấy tôi ra sông Vàm coi nước lũ, gần nhất là qua Thanh Điền để tới cầu Gò Chai. Hai bên bờ sông nước mênh mông trắng xoá. Tóm lại một câu là nước đã tràn bờ. Vài ngôi nhà gần với chân cầu ở cả hai bên, nước cũng ngập sân vườn, "thăm hỏi" nền nhà, dù mới chỉ 1-2 tấc ngập. Vài ngôi nhà kiểu sàn dựng ven sông phía bờ Long Vĩnh cũng dầm chân trong nước. Nước trắng đằng sau, nước mênh mông mặt trước, xóm nhà lênh đênh như trên một cù lao.

Qua Thanh Điền, tôi đã bắt đầu thấy quang cảnh “mưu sinh mùa nước ngập” như người ta hay nói. Dù năm nay, sản vật mùa lũ không đáng là bao. Chợ tạm gần cầu Nổi (Hiệp Hoà) nhiều nhất là chuột, sau nữa là rắn. Rắn là nuôi, chuột chạy lũ bị bắt trên đồng; còn lại là ốc, cua và cá nhỏ. Loại cá trắng “đòng đong cân cấn” cỡ đầu đũa.

Gần Gò Chai có thêm vài chậu cá ròng ròng, là cá lóc con đây, thưa quý bạn. Hàng ngàn con cá nhỏ cỡ đầu tăm bơi lúc nhúc trong cái chậu nhôm to, sóng sánh hồng màu nước phù sa. Nhớ câu dân ca Tây Ninh: “Rủ nhau đi xúc ròng ròng/ Ròng ròng không xúc, xúc chồng người ta”. Để đoán định rằng cái nghề này cũng đã có từ xưa.

À quên! Còn một thứ đặc sản mùa lũ nữa ở bên cầu Gò Chai, là hột vịt ruộng. Tôi tò mò vì hàng chữ này đây, được viết nguệch ngoạc trên một mảnh bìa các-tông cắm phía trước, phía sau là mấy rổ trứng vịt. Có rổ đã rửa sạch phô lên màu vỏ trắng hồng hoặc xám xanh. Có rổ lại còn nguyên lấm lem bùn đất.

Trứng chỉ lớn hơn trứng gà công nghiệp một chút. Hỏi, thì ra đây là trứng loại vịt cỏ thường được nuôi kiểu “chạy đồng” kiếm ăn trên ruộng mùa nước ngập. Tôi chợt nhớ anh bạn trẻ ở vườn chim ra vớt ốc. Để đoán rằng mùa này chính là mùa bầy vịt cỏ no căng. Rồi chúng đẻ trứng ra lăn lóc ngay trên đồng, giữa những bụi cỏ hoặc rơm, rạ nổi trôi. Người chăn vịt phải đi lượm trứng về để bán.

Có một điều thú vị mà đến giờ tôi mới biết, qua lời các bà các cô bán trứng. Đấy là muốn để trứng tươi lâu, ăn dần thì mua loại còn lấm lem bùn đất (và có thể cả phân vịt). Các bà bảo, mua về để chỗ thoáng, mươi mười lăm ngày sau trứng vẫn tươi ngon. Có điều gì đáng nghĩ ngợi trong câu chuyện này thế nhỉ? Về khoa học thì có căn cứ rồi, là quả  trứng sẽ được bảo quản tốt nhất ngay trong môi trường đầu tiên của chúng.

Còn về mặt tinh thần, có gì đây giông giống với con người. Ai chẳng có một quê hương. Mà người nào càng giữ bền chặt những kỷ niệm quê hương thì cũng đàng hoàng, chững chạc khi sống ở môi trường mới. Lan man, tản mản nghĩ thế, chẳng biết có đúng không?

NGUYỄN