Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Mua bán hàng qua mạng - cần thận trọng
Thứ bảy: 00:21 ngày 13/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mua bán hàng qua mạng, đặc biệt trên mạng xã hội facebook, zalo… là một phương thức hiệu quả, nhanh chóng và tiện lợi. Tuy nhiên, thời gian qua, đã xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo bán hàng qua mạng.

Những tin nhắn thoả thuận giữa xưởng may đồ và chị T.

Chị N.T.N.T (ngụ huyện Châu Thành) cho biết, chị kinh doanh quần áo, mỹ phẩm trên facebook, zalo hơn 3 năm nay. Hôm 1.3, thông qua fanpage có tên “Xưởng May Tiến Lực” trên facebook với vài ngàn lượt thích, chị thấy xưởng may này thường xuyên đăng tải hình ảnh quần áo rất đẹp, bắt mắt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Khi chị T vào nhắn tin hỏi mua, xưởng may lấy lý do là không nhận bán lẻ, rồi đưa số điện thoại yêu cầu chị T kết bạn qua zalo để thuận tiện trao đổi. “Ðiều này rất bình thường vì hiện nay nhiều xưởng bán hàng cũng nhận đặt các đơn hàng như vậy nên tôi không mảy may nghi ngờ”- chị T cho biết thêm.

Sau khi kết bạn zalo, chị T có nhắn tin và gọi điện để hỏi cụ thể, được một người tự xưng tên Tiến Lực, là chủ xưởng may tư vấn rất chuyên nghiệp, rõ ràng về các chính sách vận chuyển, đổi trả hàng. Ðể tạo lòng tin, người tên Tiến Lực này còn gọi điện video quay cảnh nhân viên trong xưởng ngồi làm việc rất chăm chỉ, chất liệu, mẫu mã quần áo chất lượng nên chị T rất tin tưởng. Sau đó, chị T đặt mua 20 bộ đồ và đồng ý chuyển khoản trước số tiền 1,5 triệu đồng, khi nào nhận hàng đủ sẽ thanh toán phần còn lại.

Thấy nguồn cung cấp quần áo giá rẻ mà chất lượng, ngay sau đó, chị T đã đăng bài trên facebook và zalo với nội dung tuyển khách sỉ bán đồ bộ, kèm theo những hình ảnh mà xưởng may này cung cấp.

“Ngay sau khi đăng thông tin tuyển sỉ thì mình có nhận được một số tin nhắn từ các tài khoản facebook, zalo lạ. Trong đó, có một tài khoản zalo tên Hương. Người này nói mình ở thị xã Trảng Bàng, có nhu cầu mua 125 bộ đồ pijama lụa để bán. Khi mình yêu cầu người tên Hương đặt cọc trước 10 triệu đồng để lấy hàng, người này đồng ý chuyển khoản ngay”- chị T cho hay.

Người mua giả mạo tin nhắn chuyển tiền thành công, rồi chụp màn hình gửi qua tin nhắn cho chị T. Tuy nhiên, sau nửa ngày chờ, chị T vẫn không thấy tiền vào tài khoản ngân hàng của mình. Lúc này, người mua hàng lấy lý do một số ngân hàng không có dịch vụ chuyển nhanh 24/7 hoặc do khác ngân hàng nên tiền vào tài khoản chậm hơn so với bình thường.

Không chỉ vậy, một tài khoản khác có tên Ngân, địa chỉ ở TP.Tây Ninh cũng có nhu cầu đặt 145 bộ đồ, người này lấy lý do bận chăm sóc con nhỏ, chưa thể ra ngân hàng gửi tiền nên hẹn sẽ chuyển tiền cho chị T vào ngày hôm sau.

Vì có quá nhiều đơn đặt hàng, chị T đã nhắn tin cho chủ xưởng may yêu cầu đặt thêm đồ, tổng số lượng 500 bộ với số tiền là 50 triệu đồng. Chủ xưởng đồng ý và yêu cầu chị T chuyển khoản trước 50% giá trị đơn hàng.

Sau khi chốt đơn, chị T lần lượt chuyển khoản thêm số tiền 8 triệu đồng, 14 triệu đồng vào ngày 2.3, xưởng cũng báo đã nhận và sẽ gửi hàng đi ngay. “Nếu bình thường lừa đảo thì khi chuyển khoản xong, các đối tượng sẽ biến mất, còn đây vẫn tạo sự tin tưởng cho khách nên mình càng yên tâm ngồi đợi nhận hàng vì hẹn sau 2-3 ngày là nhận được”- chị T nói.

Sau 3 ngày chưa thấy hàng, chị T nhắn tin cho chủ xưởng thì không thấy hồi âm, gọi điện vào số điện thoại và zalo rất nhiều lần nhưng không bắt máy. Sau đó, chị T vào lại trang fanpage và zalo của xưởng đồ này thì bị chặn. Lúc này, chị T mới biết mình bị lừa. Ngay sau đó, chị ra Cơ quan công an trình báo sự việc. “Mình cũng có vào kiểm tra các tài khoản facebook đã đặt hàng nhận sỉ của mình thì đều bị họ chặn facebook, số điện thoại”- chị T bức xúc.

Sau đó, chị T đã đăng bài cảnh giác cho mọi người trên hội nhóm facebook “Sỉ đồ bộ pijama lụa cao cấp” thì được biết cũng có rất nhiều người bị lừa, từ khách hàng nhỏ lẻ đến cả giới buôn hàng. Người ít nhất cũng 3-4 triệu đồng, người nhiều nhất lên tới cả trăm triệu đồng.

“Tôi không ngờ bọn chúng là một đường dây lừa đảo, có quy mô, tự đóng giả chủ xưởng sản xuất, thậm chí làm người mua ảo để gài bẫy những người mua bán hàng online như mình. Họ tạo mạng lưới nhiều người mua ảo, giả vờ đặt mua hàng số lượng lớn để các đại lý, nhà bán lẻ phải bỏ ra số tiền lớn đặt hàng, khi có tiền chúng biến mất tăm, không tìm ra được. Ðây sẽ là bài học kinh nghiệm lớn nhất của tôi”- chị N.T chia sẻ.

Cũng là một trong những nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này, chị M.H (ngụ TP.Tây Ninh) cho biết, cách đây khoảng 8 tháng, do nhiều khách hàng có nhu cầu mua khẩu trang y tế để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chị tìm xưởng bán khẩu trang giá rẻ để nhập hàng về bán.

Theo chia sẻ của chị M.H, qua một trang fanpage đăng bán khẩu trang 4 lớp than hoạt tính với giá 40.000 đồng/hộp (30 cái), mức giá được cho là rẻ hơn ngoài thị trường; chị đã đặt mua 4 thùng khẩu trang y tế (200 hộp) với giá 8 triệu đồng.

Chủ fanpage yêu cầu người đặt mua khẩu trang phải chuyển khoản trước 50% số tiền, sau đó nhận khẩu trang qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Sau khi thống nhất giá cả và số lượng, chị M.H chuyển trước 50% tiền cọc vào tài khoản của người này là 4 triệu đồng. Tuy nhiên, chờ mãi không thấy hàng gửi về, chị M.H mới biết mình bị lừa.

“Bức xúc trước những thủ đoạn kinh doanh gian dối nêu trên, tôi đã liên hệ với chủ fanpage yêu cầu trả hàng đúng như cam kết nhưng đều không nhận được hồi đáp. Sau đó, chủ tài khoản fanpage đã chặn tài khoản facebook và số điện thoại của tôi.

Tôi đã đăng lên facebook để cảnh báo mọi người thì mới phát hiện không ít người mua bán hàng qua mạng cũng bị lừa tương tự. Mọi người nên rút kinh nghiệm, mua hàng phải “tiền trao cháo múc”- chị M.H nói.

Ðể tránh bị lừa đảo, người dân trước khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hoá, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch.

Mọi người không nên chuyển tiền đặt cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán. Ðể tránh rủi ro, người mua cần trực tiếp đến cửa hàng hoặc địa chỉ người bán, kiểm tra hàng hoá trước khi mua. Trường hợp bị lừa đảo, người dân nên tìm đến cơ quan Công an để trình báo sự việc.

Thiên Di

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục