Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Những ngày này, đi trên các phố Tây Ninh mà lòng cứ muốn hát lại những câu hát: “…Mùa bình thường/ Mùa vui nay đã về…”. Đấy là bài Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao. Lời ca ấy đã cất lên từ những năm đầu sau ngày giải phóng miền Nam 30.4.1975.
Dường như Tây Ninh cũng như cả nước đã và đang trở lại bình thường sau cơn đại dịch Covid-19 toàn cầu. Trong khi nhiều nước châu Âu, Mỹ, Trung Đông… vẫn đang còn xoay trở khó khăn với các biện pháp giãn cách và cách ly xã hội.
Mùa bình thường! Có lẽ phải tính từ trung tuần tháng 5, khi học sinh các cấp đã tấp nập đến trường. Các em vẫn đeo khẩu trang nhưng không giấu nổi niềm vui lấp lánh trong ánh mắt.
Buổi trưa, trước cổng Trường TH Kim Đồng, những hàng dài xe phụ huynh đến đón con em. Trường TH Nguyễn Hiền cũng đông phụ huynh đến đợi con bên đường.
Dọc đường Nguyễn Chí Thanh lại là các em học sinh THPT ríu rít chở nhau về bằng xe đạp điện hay xe máy… Tiếng ve ran gióng giả khắp nơi. Và màu hoa phượng, đỏ chói tưng bừng…
Mọi khi thì chuyện này là bình thường lắm! Bình thường đến nỗi ít người để ý. Vậy mà nay những điều bình thường xưa cũ ấy lại dễ làm lòng người cảm động biết bao. Mùa bình thường năm nay chỉ khác đi chút ít với học sinh.
Là mọi năm, khi rền rã tiếng ve và rực rỡ những chùm hoa phượng là các em sắp đến kỳ nghỉ hè. Còn năm nay mới vừa đi học lại sau một kỳ nghỉ tết dài chừng 4 tháng.
Ôi chà chà! Chuyện kiến thức đã có ngành chức năng lo, còn chuyện của các em? Là học kỳ này có đáng nhớ hơn xưa? Tôi dừng xe hỏi chuyện mấy cậu bé đang loay hoay mua nước từ máy tự động đặt trước Trường Kim Đồng. Các em đồng thanh: - Dạ, vui lắm! Tôi cũng tò mò nhìn vào hàng rào sân Trường THPT Tây Ninh dưới những hàng phượng đỏ.
Có thêm một nét lạ này: - Là các em đang sinh hoạt ngoại khoá ở vườn trường, lúc này đã bồng bềnh một thảm bông lau màu trắng. Trắng như mây về từ núi Bà vừa sà xuống vườn trường.
Bây giờ không phải mùa xuân trong bài hát mà mùa hè chói chang màu phượng đỏ. Nắng như đổ lửa. Người đi trên phố vẫn kín mít khăn áo, khẩu trang che nắng. Hàng hoá lại bày ra san sát bên các lề đường.
Xoài vàng ươm trên sạp ở gần ngã tư đường Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Rốp. Chuối, ổi, dưa và đu đủ… loại nào cũng có. Hễ ghé mắt trông vào là có tiếng mời chào nồng nhiệt.
Xoài ngon thế chỉ hơn 10 ngàn đồng một ký. Năm nay còn nhiều loại trái rừng, trâm và chùm đuông- tím, đỏ; trái gùi vàng tươi như trái thị, cuống vẫn còn những chiếc lá xanh... Ai thương nhớ kỷ niệm một thời thì hãy tới, mau mua…
Tôi lướt qua mấy tiệm quán quen. Ông cắt tóc trên đường Phạm Tung nhận ra, đưa cây kéo hình chữ V lên chào rất điệu. Đoạn ông lại cúi xuống, lướt kéo kêu tanh tách như múa trên một mái đầu.
Tiệm của ông cũng nghỉ tới mấy tuần. Chiều, cà phê Buôn Mê đã trải bàn ghế ra khắp khu vườn rộng thênh thang, đợi khách. Đang mùa cao điểm nóng, đêm về chắc quán sẽ đông hơn. Sang quán cháo lòng Hảo Hảo, cô chủ cười bảo- chúng em chẳng nghỉ ngày nào, dạo cách ly vẫn bán cho khách đem về.
Bây giờ thì đã đông vui trở lại gần như xưa. Tối, nếu ta có đi, sẽ lại thấy công viên bờ kè đường Quang Trung rất đông các bạn trẻ. Các quán cà phê nhạc xập xình, đèn nến lung linh vui mắt. Và trên một vài con phố vào giờ khuya vắng vẫn còn thấy vài xe mì, hủ tiếu kiên nhẫn chờ từng đôi bạn trẻ đi chơi, về ghé… ăn khuya.
Xin nhẩm lại câu hát trong bài Mùa xuân đầu tiên: “- Rồi dặt dìu, mùa xuân theo én về…”. Dẫu mùa xuân đã đi qua, nhưng ở Tây Ninh chim én vẫn chấp chới giữa trời, thưa quý bạn! Tôi vẫn còn chưa hiểu làm sao mà đã tới giữa mùa hè nóng nhất, bầy chim én kia vẫn quyến luyến đất này, chẳng chịu bay đi.
NGUYỄN