Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Mùa cao su thay lá
Thứ hai: 14:23 ngày 29/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Màu hoa cũng tương tự như màu lá non, nên phải tinh mắt lắm mới thấy được vẻ đẹp của hoa. Có lẽ vì thế mà hoa cao su đi vào từng trang viết của những nhà văn nhà thơ. Những người công nhân gắn bó với hoa lúc nào cũng không biết. Có lẽ trong hoa cao su có sự hiện diện của đất trời, của tình mẹ, tình cha, của hương rừng, hương đất.

Vườn cao su Cầu Khởi . Ảnh: Đ.H.T (minh hoạ)

Không biết tự bao giờ tuổi thơ tôi gắn liền với những đường lô sâu hun hút của những cánh rừng cao su bạt ngàn bởi những trò chơi ngộ nghĩnh. Lúc trái cao su còn xanh, bọn nhóc chúng tôi dùng cây sào thọc xuống làm xe đẩy nhiều bánh như xe tăng lội nước.

Khi trái khô, phần vỏ được lấy làm thành cánh quạt, dùng hết hơi thổi quạt quay vù vù. Hạt cao su để chơi trò “ô ăn quan” ngay dưới gốc cao su mát rượi. Ðứa nào siêng thì mang hạt cao su về nhà, khoét một lỗ nhỏ bên hông, moi hết ruột ra, lén lấy chỉ may đồ của má chế ra một loại quạt khác thật ấn tượng, không đụng hàng.

Những năm đầu sau giải phóng, nhiều hộ dân nhờ trái cao su mà giải quyết không ít khó khăn. Sau khi trái khô, nắng lên tự nó sẽ bung vỏ ra, hạt rơi trên mặt đất. Người lớn, trẻ nhỏ tranh nhau nhặt vỏ về làm chất đốt, hạt đem bán cho người ta ép dầu, cành khô làm củi.

Có một điều đặc biệt mà sau này khi lớn lên tôi mới phát hiện ra, đó là mùa cao su thay lá. Người ta thường bảo mùa xuân cây cối đâm chồi nảy lộc, trăm hoa đua nở. Vậy mà tết đến, xuân về cây cao su thi nhau trút lá. Những chiếc lá đang xanh thẳm từ từ đổi màu. Ban đầu vàng úa, sau đó chuyển sang vàng sậm rồi nâu đỏ.

Từng cơn gió nhẹ thoảng qua, chúng lả tả rời cành. Ðây là mùa ngưng chuyển nhựa để thay lá mới. Trong ánh vàng của tia nắng đầu xuân, trong cái se lạnh của buổi sáng mùa xuân phương Nam... những chiếc lá lìa cành chao nghiêng trong gió, rồi nhẹ nhàng phơi mình dưới gốc cây hay lăn tròn trên những đường lô bụi đỏ theo luật sinh tồn của tạo hoá.

Những thân cây với lớp vỏ sần sùi, bạc thếch, hằn sâu những vết cạo quanh mình. Có cây còn mang trên mình những nhánh lan rừng hoặc các loài tầm gởi ký sinh khác như chùm ráng hay bụi tảo...

Nhìn vào những gì hiện ra trước mắt tôi bỗng thấy chạnh lòng, rồi tưởng tượng đến cảnh đời khốn khổ của các bà mẹ, dù già nua còm cõi còn đa mang những đứa con cần sự giúp đỡ chở che. Sở dĩ tôi có những so sánh như thế vì ngày xưa mẹ tôi từng là công nhân cạo mủ cao su.

Gắn bó cả tuổi thanh xuân của mình bên những gốc cao su để anh em tôi có được như ngày hôm nay. Mẹ thường nhắc nhở chúng tôi về một thời khốn khó để có ý thức vươn lên trong cuộc sống bằng câu thơ quen thuộc: “Bán thân đổi mấy đồng xu/ Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng...”.

Tháng ba về ươm màu nắng. Tháng ba về rừng cao su lại thay áo mới. Kể cũng lạ, những loài hoa khác khi Ðông tàn, Xuân đến thì đâm chồi nảy lộc. Còn cây cao su lúc xuân về lại tự rũ bỏ lớp áo vừa mặc năm qua. Rồi tươi vui trong màu áo mới xanh mát, xanh miên man khắp cả khu rừng.

Tháng ba về, trong màu xanh bất tận ấy, thấp thoáng những chùm hoa. Hoa cao su bình dị, khiêm nhường toả hương gọi ong bướm về cho mật. Không rực rỡ sắc màu, hoa cao su chỉ là những đốm nhỏ li ti kết lại thành từng chùm.

Màu hoa cũng tương tự như màu lá non, nên phải tinh mắt lắm mới thấy được vẻ đẹp của hoa. Có lẽ vì thế mà hoa cao su đi vào từng trang viết của những nhà văn nhà thơ. Những người công nhân gắn bó với hoa lúc nào cũng không biết. Có lẽ trong hoa cao su có sự hiện diện của đất trời, của tình mẹ, tình cha, của hương rừng, hương đất.

Gia đình tôi ba đời gắn bó với cây cao su. Từ đời ông “bán thân đổi mấy đồng xu...” đến đời ba tôi biết vùng lên đòi quyền làm chủ. Ðể giờ đây, chúng tôi là những thanh niên của thời đại mới, biết trân quý cây cao su như là máu thịt của mình: “nhựa thơm dòng sữa của cây/ Tựa như sữa mẹ những ngày còn thơ (thơ Biên Linh).

Giờ đây, ông tôi đã không còn hiện diện trên cõi đời này nữa. Ba tôi đã nghỉ hưu, nhưng mỗi khi rảnh rỗi, hoặc có chú bác đến chơi nhà ba tôi cứ nhắc lại chuyện xưa. Nhắc lại những ngày khốn khó, vậy mà cả nhà cũng cố gắng vượt qua để con cháu mình có được như ngày hôm nay.

Có một lần nào đó, thử nâng chùm hoa lên mũi, áp sát mặt mình vào lớp da sần sùi của cây... nhắm mắt lại. Ta sẽ cảm nhận được hơi ấm của dòng nhựa trắng... Dòng nhựa đã nuôi sống biết bao người công nhân của bao thế hệ. Từ đó xuất hiện những bàn tay vàng, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

NGUYÊN HẠ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục