Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhưng xứ này, nhiều năm mất trắng cả cau lẫn lúa. Cau thì điếc, lúa thì nghẹn đòng, đỏ quạch. Người dân phải rời quê. Cả bản chỉ còn người già hom hem, gầy yếu và con nít bụng ỏng đít teo, da vàng. Có nhà buồn quá, đốn hàng loạt gốc cau, trồng cây khác.
1. Cha đột nhiên về khi mùa cau đang rộ. Thương lái ồ ạt thu mua khắp nơi. Họ mua cả cau non, cau già và cau điếc nữa. Miễn có hàng. Mẹ cũng vào sâu trong bản mãi tối mịt mới về. Mẹ đi chở cau thuê, mỗi ngày mấy chuyến. Mồ hôi đầm đìa, chiếc áo cánh mặc ngoài trắng bạc, ngửi nghe mặn chát. Thấy cha nửa nằm nửa ngồi trước cửa, áo vắt hờ qua vai, lảm nhảm điều gì đấy, mẹ chẳng nói chẳng rằng, đi thẳng ra đằng sau, múc một ca nước tu ừng ực.
Ai cũng bảo mẹ tôi giỏi. Ðàn bà xứ này hiếm có người nào khoẻ như mẹ tôi. Ðường núi, chở nặng mà đi băng băng. Lại đi suốt. Mấy chủ lò hấp sơ chế cau ở thị trấn hài lòng về mẹ tôi lắm. Tôi bỏ học sớm, ở nhà phụ với mẹ đi chở hàng. Chở thì ít, trèo cau thì nhiều. Ban đầu, nhìn cây cau chót vót, nghiêng ngả trước gió, tôi lè lưỡi sợ nhưng dần dà cũng quen.
Cứ thế, chủ vườn nào thuận mua vừa bán với người buôn là tôi có mặt. Tôi trèo như sóc, tót cái đã lên ngọn, bứt nguyên buồng, thòng dây thả xuống đất. Người mua ở dưới đếm cau, cân ký, trả tiền. Mẹ tôi thì khuân chất lên xe chở thẳng ra lò hấp sơ chế.
Nghề này vất vả lắm, lúc đầu không cẩn thận nên hai bên háng rớm máu, rát rạt. Nhưng lại là nghề có thu nhập, không bỏ được. Hai mẹ con siêng làm, tằn tiện cũng đắp đổi qua được mùa đông lạnh lẽo, dài dằng dặc. Tôi đã theo nghề được gần năm năm.
2. Cha về lần này trông già hẳn, râu tóc bạc, lại gầy nhom. Tôi lén nhìn cha, ái ngại. Mẹ bới cơm, đưa cho cha rất thờ ơ. Mẹ đã coi cha không tồn tại trong đời mẹ lâu rồi, khi lần thứ hai cha vẫn không hối hận mà bỏ mặc mẹ con tôi trong một năm mất mùa cau.
Năm ấy, thời tiết thay đổi đột ngột, sương muối sớm làm cau khắp vùng đậu quả kém. Có những vườn cau vừa trổ buồng thì trái non rụng ê hề, kín đất. Mỗi sáng cau non bằng đầu ngón tay út nằm la liệt, đến trưa, dưới nắng gắt thì quéo lại, nâu xỉn ai cũng lắc đầu ngán ngẩm.
Lò hấp sơ chế cau lạnh tanh, vắng người mua bán. Dân trong bản gặp nhau ai cũng buồn rầu, muốn bỏ xứ mà đi. Gia đình tôi lâm vào cảnh túng quẫn, khó khăn. Mẹ định xuống phố kiếm việc làm. Bà tôi ngăn, vất vả lắm. Cha tôi thì cứ ườn ra đó, hết uống rượu lại ghé đâu đó đến tối mịt mới về. Khổ nhất là lúc ông say xỉn, la lối um sùm. Tôi sợ hãi chỉ biết đứng nép sau cánh cửa. Có lần mẹ tôi bực quá cự lại thì bị cha túm tóc giật mạnh, khiến mẹ ngã đập đầu vào ngạch cửa, máu me tuôn đầy. Bà tôi khóc, tôi khóc, còn cha tôi bỏ đi đến sáng hôm sau mới mò về trong bộ dạng của con ma đói.
Trong ký ức của tôi, hình ảnh mẹ nhẫn nhục chịu đựng những trận đòn vô cớ cha tôi trút lên người bà không bao giờ phai nhoà. Sự chịu đựng của mẹ là hiện thân của nỗi thiệt thòi mà người phụ nữ xứ này chấp nhận xưa nay. Tôi thắc mắc, mẹ chỉ ậm ừ qua chuyện. Bà tôi lau nước mắt cho tôi và vạch tóc cho tôi xem vết sẹo dài trên trán bà. Ðấy là hậu quả của lần sơ suất để sổng con lợn mới mua về làm giống mà bà bị ông tôi đánh đòn như vậy.
Rồi cha lại bỏ đi sau khi ném cái nhìn hằn học về phía mẹ. Tôi không hiểu sao cha lại như thế, chẳng khác nào con ngựa bất kham chưa tìm được đồng cỏ xanh ưng ý vậy. Bà tôi như ngã khuỵu xuống đất, hờ khóc. Còn mẹ thì không hề khóc, lạ thật. Mẹ chỉ tránh cái nhìn như lửa thiêu của cha bằng cách giằng mạnh sợi dây tời ở cái trục ròng rọc, tiếng gàu va vào thành giếng đá ong lanh canh, hun hút.
3. Cha đi theo người đàn bà khác ở tận đỉnh Azin, nơi phát nguyên của dòng sông Rinh bạo liệt, dữ dằn. Nơi ấy có nhiều trầm hương, song mây và nhiều loại gỗ quý, thú rừng hiếm. Cha tôi muốn làm giàu nên tham vàng bỏ ngãi. Tôi nghe vậy nhưng không mấy quan tâm. Trong suy nghĩ của tôi, khi người ta không thích sống với nhau thì họ sẽ tìm nơi khác, vui hơn, sướng hơn để sống. Mẹ cũng không hề hấn gì sau khi cha tôi rời nhà. Mẹ vẫn chăm sào lúa rẫy, cuốc thêm nương bắp sau đồi.
Mẹ quần quật suốt ngày suốt tháng, người như teo quắt lại. Tôi không thấy mẹ buồn bao giờ. Hay mẹ giấu giếm thì tôi cũng không rõ. Chỉ có những đêm trời oi, khó ngủ, mẹ hay trở mình, thở dài. Bà tôi cũng ít nói hẳn. Tấm tôn trên nóc nhà thủng lổ, nước mưa long tong nhỏ xuống, tôi chỉ chép miệng, rồi lấy thau hứng nước. Mẹ liếc qua, bặm môi rồi xăng xái đi mượn chiếc thang, thoăn thoắt leo lên dọi lại bằng một cái mo cau rụng trước nhà. Mẹ làm nhiều việc thay cha như thế. Tôi cũng dần quên đi hình bóng cha trong ngôi nhà này.
4. Trăng giữa tháng không rực rỡ, lai láng mà vàng vọt, núp sau đụn mây xa. Mùa này trăng thường vậy, người trong bản bảo là trăng côi. Tôi không ngủ được, ngồi thu lu góc giường, qua cửa sổ, nhìn mông lung khắp vườn. Những tàu cau mướt hơn khi ướt sương, đung đưa theo gió nhẹ. Hương hoa cau đằm dịu, toả lan.
Sáng ra, mặt đất lấm tấm sắc trắng ngà của hoa cau. Bà tôi nhặt lên săm soi và dự đoán mùa này cau đậu quả nhiều hay ít. Dân gian thường nhắc nhau được mùa lúa úa mùa cau. Nhưng xứ này, nhiều năm mất trắng cả cau lẫn lúa. Cau thì điếc, lúa thì nghẹn đòng, đỏ quạch.
Người dân phải rời quê. Cả bản chỉ còn người già hom hem, gầy yếu và con nít bụng ỏng đít teo, da vàng. Có nhà buồn quá, đốn hàng loạt gốc cau, trồng cây khác. Chính năm thất bát ấy, người đàn ông lạ, không phải người Ca Dong, mà là cha tôi đã xuất hiện đảo lộn cuộc sống của bà và mẹ tôi trong ngôi nhà nhỏ nằm đầu dốc. Năm ấy mẹ tôi đã gần ba mươi tuổi.
Người ta hay nói về duyên nợ nhưng bản thân người trong cuộc lại tin vào số mệnh nhiều hơn. Mẹ tôi từng tếu táo rằng tôi là hệ quả của sự va chạm không chủ đích. Nghĩa là tôi chào đời bởi một cuộc hôn phối không có tình yêu mà đầy rẫy sức mạnh của bản năng. Nên tôi không được yêu thương.
Cứ nhìn cặp mắt trong veo lúc nào cũng ướt nước của tôi là đủ biết. Bà tôi bảo một ông thầy bói đi ngang bản vào một buổi chiều hoàng hôn tứa máu phán vậy. Tôi là con gái nhưng lại mang tâm hồn, khí phách của một chàng trai. Tôi phải là chỗ dựa cho hai người phụ nữ thiệt thòi trong ngôi nhà vắng bóng đàn ông này. Ðó là sự thật.
Tôi trèo cau khi mười tuổi, vác đá dọn nương và phạt cỏ, bạt đất khi mới tuổi mười lăm. Con trai thấy tôi làm việc đều nể phục. Họ chẳng dám lân la đến với tôi. Nhiều chuyện về tôi được thêu dệt. Nhất là khi tôi được chọn làm thầy cúng nhỏ trong lễ hội ăn trâu chứ không phải một đứa con trai nào đó. Ðây là điều trái luật, nhưng già làng đã quyết và thầy cúng già đã gieo quẻ giò gà nhằm vào tôi. Tôi há hốc mồm, ngạc nhiên. Bà và mẹ tôi thì ôm chặt lấy nhau, khóc ròng, không một lời phân trần giữa đám người lao xao, bàn tán.
Năm ấy, lễ hội diễn ra hơn mười ngày. Sự chuẩn bị rượu cần, hoàn thiện cây nêu, giã gạo, chặt nứa… khiến cho dân bản náo nức, vui nhộn. Tôi hoà vào không khí ấy, một mình vào rừng hái trái riêng khung đã chín về trang trí cây nêu. Lúc này, cũng đang vào mùa rẫy mới, khắp núi rừng, nương rẫy đều ngời lên sự tươi non của những vạt hoa màu, triền lúa hẹn mùa bội thu.
Tôi lang thang ra bờ suối vắng. Con suối Xà Ruông tuôn trào những dòng nước mát. Tịnh không bóng người khiến cho lòng tôi thêm thư thới, và tôi đã hoà vào đấy vẫy vùng, mặc cho từng dòng nước vuốt ve, ôm ấp cái thân thể thiếu nữ tròn căng, nõn nà. Hôm ấy, tôi về nhà khi trời sập núi.
Bà và mẹ tôi đứng ngóng đầu dốc, sương chiều ướt tóc. Ðêm, tôi trằn trọc không yên bởi hôm sau tôi phải thực hiện nhiều nghi lễ quan trọng. Ðiều lo lắng nhất là tôi phải là người kế nghiệp thầy cúng già. Tôi không thể, vì tôi là con gái. Lần đầu tiên tôi biết khóc cho điều mình nghĩ.
5. Cha tôi đến và ở với gia đình tôi như một định mệnh bẽ bàng trong duyên kiếp hẩm hiu của mẹ tôi. Một người buôn trâu bị cướp chặn đường lột sạch vốn, lại còn bị đánh đập suýt chết. Cha nằm ngoài ngõ, đầu tươm máu, chân thõng xuống rãnh nước lởm chởm đá cuội. Mẹ nghe tiếng thở phì phè chạy ra dìu vào nhà sưởi ấm, cho ăn.
Ðến gần tuần cha mới bình phục nhưng lại nhớ nhớ quên quên. Nhưng nụ cười có vẻ hiền, mẹ từng bảo với tôi vậy. Cha khoẻ mạnh, tự lên rẫy ra đồng, mẹ bảo tìm về quê nhưng cha không chịu, bảo trời định rồi, phải sống ở đây. Ngôi nhà nhỏ vách thưng bằng những tấm gỗ xoàng, tre nứa, mái lợp tranh lâu nay thui thủi hai người đàn bà lặng thầm đến cô độc giờ có thêm người đàn ông thì cũng thấy vui. Bà tôi đồng ý, mẹ tôi gật đầu.
Ðó là câu chuyện mẹ kể cho tôi nghe. Còn dân bản lại truyền tai một câu chuyện khác. Mỗi lần nghe tôi lại muốn hỏi mẹ. Nhưng rồi, sợ mẹ buồn, tổn thương nên tôi đành ôm nỗi buồn theo năm tháng càng đầy lên cùng với mẹ. Người ta bảo cha tôi là kẻ trộm cau. Vì đói quá hay vì điều gì đó họ cũng không cần tìm hiểu, chỉ biết dạo ấy cau được giá, lại trúng mùa.
Thương lái về bản thu mua nườm nượp. Người dân vui mừng chưa thoả thì có người than vãn rằng nhà họ bị trộm hái cau, mất đến gần trăm buồng. Người ta kháo nhau là có một nhóm người lạ mặt hay lân la ở những vườn cau vắng chủ.
Người dân bắt đầu lo lắng, tìm cách đối phó. Có người rào vườn, cắm chông, dán bùa, gài dao lam, đóng đinh trên thân cây. Nhưng chẳng ăn thua. Cau vẫn bị trộm. Người dân đã phục kích và rượt đánh nhóm người trộm cau trong một đêm trăng côi. Chuyện ấy vẫn được nhắc lại mỗi lần đến vụ cau.
6. Tôi ra đời trong một đêm trăng côi. Bầu trời ám mây và gió mùa khô tạt vào bản nóng rát. Bà tôi phải ngồi quạt suốt đêm, cái lưng giở chứng đau không đứng dậy được. Mẹ quằn quại trong cơn đau đẻ, mắt ầng ậc nước. Sinh lực ở đâu như dồn tụ vào người giúp mẹ hoàn thành sứ mệnh.
Mẹ đã nhắc lại giờ khắc đón đứa con gái bướng bỉnh như thế. Mẹ mang tôi khi chưa đầy bốn mươi ký, người quắt như xác mướp, lại thiếu ăn nữa. Bà phải qua mấy ngọn núi để tìm cây thuốc cho mẹ uống. Thuốc ấy của người đồng bào hái trong núi sâu. Nghĩ dại, nếu ảnh hưởng xấu đến cái thai cũng đành chứ biết làm sao.
Rồi trời cũng thương, tôi ra đời khoẻ mạnh, suốt tuổi thơ không ốm đau quặt quẹo. Người ta bảo tôi được trời nuôi. Còn bà và mẹ thì hay nhìn tôi rồi thở dài. Tôi không hiểu vì sao nữa. Nhưng càng lớn thì tôi mới chợt nhận ra rằng cái trán dô ương bướng, cái dáng đi bạt chân sang hai bên giống hệt cha đã khiến cho bà và mẹ lo lắng. Nhiều lúc tôi thấy mình giống cha thật.
7. Năm nay cau lại mất mùa. Bà tôi đã già và hay đau ốm. Chiếc xe máy rệu rã nằm xó nhà. Mẹ tôi vào ra ngóng núi, thở dài. Hoa màu trên rẫy, trên nương cũng vì thời tiết mà còm cõi, không xanh lá, ra hoa. Mùa đót lại đang đến gần. Mẹ bảo sẽ vào núi sâu, lên tuốt ngọn Hoăn Plây mới có thể kiếm được đót chứ ngồi nhà là đói lắt lay. Bà ở trong buồng húng hắng ho như phụ hoạ. Mẹ lại không cho tôi theo. Chiều muộn tôi hay ngồi trước nhà đợi mẹ, nhìn từng đụn mây xám tro vờn qua thung lũng, nghe con mang lạc đàn tác gọi thê lương.
Hàng cau già trước ngõ im lìm bóng. Những tàu cau úa vàng rụng xuống đất, khô cong, nằm ngổn ngang. Mẹ gom lại, tước từng lá, bó thành chổi mang xuống chợ bán kiếm vài đồng mua thức ăn. Bà vịn vách ra ngồi hóng gió, ậm ừ trong miệng điều gì đó nghe không rõ. Tôi chột dạ nhìn bầy dơi bay loạn xạ trong bóng chiều chập choạng.
Phía núi Azin người ta phát nương, đốt rẫy lửa phừng phực cháy. Chợt tôi nghĩ đến cha. Ông về mấy ngày rồi lại đi, vào sâu trong núi, phía đám lửa đang quằn quại trong cơn thiêu đốt kia. Mẹ nhìn tôi khi thấy tôi dõi mắt về hướng núi. Dáng mẹ khuất trong màn đêm đang bao phủ nên tôi không thể biết được cảm xúc của mẹ lúc bấy giờ. Nhưng tôi biết, có thể lòng mẹ đang dậy sóng, xáo trộn ghê gớm khi nghĩ về người đàn ông tạt qua đời mình.
Mùa cau đắng đang dần trôi qua.
Trần Ðức Sơn