BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mùa cày cấy 

Cập nhật ngày: 26/05/2019 - 08:07

BTN - Xế chiều, mây đen vần vũ, sấm chớp vang rền, gió thổi rào rào, nheo nheo đôi mắt gần như không còn thấy được gì nữa, ba tôi kêu mấy đứa cháu tắt truyền hình, ra sân lấy quần áo và ôm củi vô nhà.

Ba cũng không quên nhắc dẫn mấy con bò vô chuồng, kẻo mưa xuống tụi nó bị lạnh. Rồi ba bảo thằng út lo chuẩn bị ngâm lúa giống sạ vụ Hè Thu. Ba nói: “Mùa mưa bắt đầu rồi. Năm nay mưa như vầy không sớm cũng không muộn. Thời tiết này thuận lợi cho việc xuống giống vụ Hè Thu!”.

Ba chậm rãi nói: “Ngày nay làm ruộng sướng quá! Mỗi năm làm được hai ba vụ lúa. Mà mọi công việc từ làm đất, sạ lúa, đến thu hoạch, vận chuyển đều có máy móc. Thời trai trẻ của ba làm ruộng vất vả vô cùng, lúc ấy tất cả công việc đồng áng đều làm bằng sức người và trâu, bò…”. 

Tuổi ba tôi xấp xỉ tròn một thế kỷ, song những chuyện làm ruộng của mấy chục năm về trước, ba vẫn còn nhớ như in. Ba kể, hồi đó, cánh đồng quê tôi cũng như nhiều nơi khác, mỗi năm làm có một vụ lúa dài ngày vào mùa mưa. Sau mấy tháng nắng hạn, ruộng đồng khô nứt đất. Cuối tháng ba, đầu tháng tư âm lịch, trời bắt đầu đổ mưa, bà con quê tôi lo làm đất bắt mạ. Bắt mạ xong, mọi người tập trung cày lật ruộng (cày lần thứ nhất, úp mặt đất xuống, cho năn, cỏ chết). 

Sau mấy tháng nông nhàn, toàn cánh đồng vắng vẻ, nay bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên. Gần nhà tôi có một cái bến dành riêng cho trâu long qua rạch ra đồng ăn cỏ và cày ruộng, nên gọi là bến Trâu. Vào mùa cày, cứ tầm bốn, năm giờ sáng, hầu hết bà con trong làng lùa trâu xuống bến. Tiếng trâu gọi nhau “nghé ngọ.. nghé ngọ...” náo động cả khu vực.

Rồi người chèo xuồng, người cưỡi trên lưng trâu lừa đàn trâu vượt bề ngang con rạch lớn và long dọc theo chiều dài các con rạch nhánh, đến các cánh đồng ruộng của mình. Vừa đến ruộng, trời cũng hửng sáng, người nào cũng dắt trâu liếc vào ách và thả vạt đi cày. Toàn cánh đồng vang lên tiếng điều khiển trâu cày, với âm thanh giống như nhau: “Dí..dí..vô! Thá... thá..ra!”. Hồi đó, bà con quê tôi đi cày (kể cả kéo xe) phải dùng một đôi trâu (hoặc bò). Con đi bên phải gọi là “đi dí”, còn con bên trái là “đi thá”. Cày đến tầm hơn mười giờ, trời nắng nhiều, trâu và người đều mệt. Mọi người dừng trâu, tháo ách thả trâu, nghỉ cày.

Nghe đến đây, tôi hỏi: “Cày lật như vậy, bao nhiêu buổi mới xong một mẫu ruộng hả ba?”. Ba cười, nói khó mà trả lời chính xác được bao nhiêu buổi. Vì tuỳ theo loại đất dễ cày, hay khó cày, trâu giỏi hay dở nữa...

Ngoài ra, còn tuỳ thuộc vào cách điều khiển trâu của người đi cày. Nếu đất dễ cày, gặp đôi trâu khoẻ, người điều khiển tốt thì ít nhất cũng cày bốn, năm buổi mới xong một mẫu ruộng. Còn đất quá cứng, hoặc lầy nhiều, mà gặp đôi trâu già “è ạch” từng bước đi thì phải cày lâu hơn. Hồi đó, nhà nào có một, hai mẫu ruộng thì nuôi một, hai đôi trâu và tự cày ruộng nhà.

Người khá giả trong làng có năm, bảy mẫu ruộng, nuôi ba, bốn đôi trâu, rồi mướn người coi trâu và mướn người đi cày. Còn bần nông như ba tôi thì đi làm mướn cho chủ ruộng, như cày mướn, đắp bờ, phát cỏ, dọn đất bắt mạ... nói chung mọi công việc đồng áng mà chủ ruộng mướn là ba tôi làm. Trước đây, người đi ở đợ coi trâu (thường là trẻ con nhà nghèo khổ) gọi là “mục đồng” và người lãnh cày mướn cho chủ ruộng (trâu của chủ ruộng) suốt một mùa cày (đến khi cấy lúa xong, mới nghỉ) gọi là đi ở bạn.

Cày lật ruộng chỉ là công đoạn đầu. Để có đất thành cấy được, phải qua nhiều công đoạn nữa. Cày lật được khoảng hơn một tuần lễ, khi năn cỏ đã chết, người dân bừa vỡ cho nát đất. Bừa vỡ xong, lại cày trở (lật đất về như ban đầu). Cày trở rồi, quay lại bừa dằn (bừa lần 2) cho đất liền. Bừa dằn xong, để cho đất nổi sình dễ cấy được lúa, người dân quê tôi còn làm thêm khâu trục đất nữa... Để cấy được lúa, riêng khâu làm đất cũng cả tháng trời. Đến giữa tháng năm, có khi đến đầu tháng sáu âm lịch cánh đồng quê tôi mới xong mùa cày cấy.

Đang nói chuyện cày bừa, ba làm cho tôi khá bất ngờ, khi nhắc lại chuyện mục đồng. Ba nói gần đây, ba có nghe mấy cháu nhỏ mắng nhau là “đồ trẻ trâu”. Không rõ chúng dùng từ “trẻ trâu” với ngụ ý gì? Không biết có phải đứa này muốn chê trách đứa kia là cứng đầu, bướng bỉnh và ngu như trâu không! Hay là khinh khi đứa kia thất học, khổ cực như đứa trẻ chăn trâu (mục đồng)...

Theo ba tôi, cả hai ý này đều không được đúng. Nếu nói “trẻ trâu” là đứa cứng đầu, bướng bỉnh, ngu như trâu thì bất công cho con trâu quá! Vì con trâu hiền lành, tốt bụng, chỉ ăn cỏ, uống nước lã và hết lòng phục vụ con người. Nó là bạn nhà nông, là “đầu cơ nghiệp” của nhà nông mà. Còn ý khinh khi “trẻ trâu” là đứa nghèo khổ ngu dốt, thì tội cho mục đồng quá! Đây là trẻ con nhà nghèo, đông anh chị em, không được đi học (hoặc học chưa xong tiểu học) phải đi ở đợ coi trâu, phụ ba mẹ nuôi em. Mà đời người đi ở đợ chắc ai cũng biết là “ít no, nhiều đói, thiếu bạc tiền, dư giả đòn roi”. Chính vì vậy, trẻ đi chăn trâu rất đáng thương, nên cần được trân trọng.

T.L


Liên kết hữu ích