Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Truyện ngắn
Mùa chim mía
Chủ nhật: 06:34 ngày 13/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chị Miên đi trước. Cái dáng khoẻ mạnh thấp đậm thì thụp trên con đường mòn hai bên phủ đầy cây sậy. Sậy mọc thành rừng ở những đám rẫy hoang bạt ngàn. Thỉnh thoảng mới có bóng vài gốc cổ thụ xoè tán đứng cô đơn.

Cây mưa đầu mùa làm xộc lên cái mùi đất hăng hắc, nồng nồng. Bên này, con suối Cần Ðăng nằm ẩn mình dưới đám tre rừng dày đặc chạy suốt hai bên bờ. Kỳ lạ là tre không còn một chiếc lá xanh mà cành nhánh phủ màu trắng bạc lấp loá trong nắng gay đầu mùa hè.

Chị Miên buột miệng: “Tre rừng trổ bông là báo hiệu một năm thời tiết khắc nghiệt”. San ngạc nhiên: “Tre có bông sao chị?”. “Có chứ. San nhìn kỹ mới thấy”. Chị Miên dừng bước cho San vạch lớp lá sậy đi xuống bờ suối. Dòng nước đục ngầu lờ đờ chảy.

Hai bên vách dựng đứng loang lở màu đất đỏ bazan. Lần đầu tiên San thấy bông tre. Nhỏ li ti như những hạt thóc khô bé xíu kết thành chùm đeo trên các cành tre khẳng khiu. “Ði thôi, kẻo nắng”. Chị Miên giục. San chuyển khẩu súng M16 sang vai trái. Có cảm giác trọng lượng cây súng đang nặng dần lên.

Hôm nay, chị Miên dẫn San đi tìm cột mốc cuối cùng để xác định ranh giới giữa nông trường với khu rừng lịch sử. Trên bản đồ, khoảng cách từ nông trường bộ đến nơi chừng hai cây số đường chim bay nhưng thực tế phải dài gấp đôi, chị Miên đoán thế.

Lúc này, tàn quân Pôn Pốt lâu lâu vẫn còn vượt biên sang phá rối nên một số thanh niên nông trường được trang bị súng khi đi rừng. Chị Miên là tổ trưởng tổ sản xuất nữ của đơn vị. Chị chuyển về làm công nhân nông trường từ một đơn vị Thanh niên xung phong.

Hai mươi tám tuổi vẫn chưa lập gia đình. Mười bảy tuổi đã là dân công hoả tuyến, sau đất nước giải phóng chị vào Thanh niên xung phong. Tuổi thanh xuân rơi rụng dần ở các công trường thuỷ lợi chị qua. Chị Miên vui tính, tháo vát, quan tâm giúp đỡ mọi người, nhất là đám cán bộ kỹ thuật mới ra trường trẻ trung, vô tư, trong đó có San.

Nhiều lần San bối rối vì sự quan tâm đặc biệt của chị Miên dành cho. San biết đàn hát, nho nhã thư sinh, gầy guộc như “cây sậy rừng” theo cách nói của chị Miên. Trong khi bạn bè hằng tuần về thăm nhà thì San vẫn cứ lặng lẽ ở lại trong căn phòng tập thể.

Gia đình ở xa, hoàn cảnh khó khăn, San ít về. Cùng ăn bếp tập thể nhưng những lần còn lại một mình bữa ăn của San có thêm ít nhiều chất tươi do chị Miên nấu. Những đêm nhậu nhẹt ca hát với đám bạn bè, San vẫn biết có một đôi mắt lặng lẽ nhìn từ bên trong cái cửa sổ hắt ra thứ ánh sáng ngọn đèn chong vàng vọt của căn phòng tập thể nữ, đôi mắt chị Miên.

San cảm nhận được sự chăm sóc kín đáo, dịu dàng của chị Miên dành cho mình và chỉ đơn giản nghĩ chị xem mình như đứa em.

Ngày San từ nhà trở lên đơn vị với bộ mặt khác thường, im lặng và buồn, chị Miên biết. Chiều tối chị mang suất cơm của San để nguội ngắt trong tủ ăn bếp tập thể lên phòng. San nằm đắp chăn thiêm thiếp, người sốt hừng hực.

Nhìn bàn tay dịu dàng chăm sóc từ chiếc khăn lau mát, tô cháo nóng cay thơm, San ứa nước mắt. Sau cơn bệnh San như thành một người khác, lầm lũi lao vào công việc, nhận luôn phần của bạn bè, làm như để chạy trốn, để quên cái gì đó đau lắm thì phải.

Chỉ khi còn lại một mình trong đêm, nghe tiếng đàn ghi ta của San rải buồn những giai điệu tình ca dang dở là chị Miên hiểu. Ðó cũng là lúc đơn vị đặt hom mía đầu tiên trên mấy lô đất thẳng tắp vừa khai hoang. Những thớ đất màu mỡ vỡ ra sau đường cày như đang cười hớn hở đợi chờ mùa mật ngọt.

* * *

Qua cái cầu gỗ chênh vênh bằng thân cây cổ thụ đổ vắt ngang con suối cạn là đồng trảng miên man cỏ. San bảo chị Miên dừng lại ngồi nghỉ dưới tán chòm cây bằng lăng đang trổ những chùm bông tím phai đẹp một cách hoang dại.

San trải tấm bản đồ lần ngón tay tìm dấu chấm đỏ. Có lẽ cột mốc ranh giới nằm ở chỗ này. Chị Miên ghé sát mặt San chăm chú nhìn cái đường vẽ ngoằn ngoèo màu xanh ghi mấy ký tự: Prek Thô. San có thể nghe cả tiếng thở gấp gáp của chị Miên phập phồng qua cánh mũi đỏ ửng lên vì nắng.

Gấp tấm bản đồ bỏ vào ba lô rồi gác mũi khẩu súng lên trên, San im lặng nhìn về vệt màu xanh thẫm của cánh rừng biên giới xa xa. Chị Miên ngồi kề bên bối rối ngắt từng chiếc lá từ bụi cây dại. Ngập ngừng một lúc chị Miên hỏi: “Ðang có chuyện buồn à?”.

Không muốn dối chị Miên, San im lặng gật đầu. “Chia tay người yêu chứ gì?”. San lại gật đầu. “Sao thế?”. San khẽ khàng: “Không biết”. Có tiếng thở dài của chị Miên. Cơn gió lùa bất chợt cuống quýt chạy vụt qua làm chòm cây bằng lăng vặn mình nhè nhẹ. Gió thổi tung mái tóc dài của chị Miên cọ vào má San nhồn nhột.

Không biết vô tình hay cố ý, chị Miên nhờ San buộc lại giùm. Bàn tay con trai vụng về khiến mái tóc dài mượt của chị cứ tuột hoài. Rồi mùi hương bồ kết thoang thoảng của tóc, mùi cơ thể của chị Miên làm San nghẹn thở, tim đập loạn xạ. Chị Miên bỗng quay đầu lại nhìn vào mắt San, ánh nhìn là lạ làm San bối rối. Bất ngờ chị Miên vòng tay kéo đầu San xuống và đặt vào môi một nụ hôn nồng nàn…

Thời gian như dừng lại, chỉ còn tiếng gió hát ru êm ái nhẹ nhàng trên đám bằng lăng… Tiếng súng nổ đanh giòn từ phía suối làm San giật mình đẩy mạnh chị Miên ra, cú đẩy khá phũ phàng. Ðôi mắt chị Miên đang nhắm nghiền bỗng mở to thảng thốt.

Theo phản xạ, San với tay bồng khẩu súng và lên đạn. Giọng chị Miên lạc đi vì còn xúc động trước nụ hôn bất ngờ: “Người ta săn gà rừng mà”. San bối rối: “Về thôi chị”. Chị Miên đứng dậy vuốt nhẹ bờ tóc: “Ừ, mình về”. Chị Miên bươn bả đi trước.

Chiếc nón tai bèo trên đầu chị bị gió hất ngược ra phía sau phập phồng cùng mái tóc đen mượt xoã ngang lưng. San muốn bước nhanh hơn cho kịp để nắm tay chị lại và nói điều gì đó nhưng chần chừ mãi rồi thôi. Cái dáng chị Miên cúi đầu lầm lụi đi giữa hai bờ sậy bung cờ trắng loá làm San chạnh lòng. Ðường về lại đơn vị bỗng dưng xa.

Mấy ngày liền chị Miên tránh mặt. San cũng thế. Nhưng nhiều đêm hình ảnh chị Miên với đồng trảng đầy gió cứ đi vào giấc ngủ của San. Dù không phải là lần đầu tiên nhưng nụ hôn của chị Miên có gì đó rất lạ với San. Vừa cuồng nhiệt khát khao, nồng nàn mê đắm vừa có cả cái cuống quýt vội vàng, khắc khoải mong manh đến xót xa. San mơ hồ nhận ra tình cảm của chị Miên. Nhưng không thể được, không thể…

Trái tim San còn đang đau đớn vì cuộc chia tay với một mối tình đẹp. San chưa đủ sức để có thể yêu ai lúc này. Rồi công việc ngổn ngang của vụ mía đầu tiên đơn vị trồng cuốn chị Miên và San.

Khi cái mùi mật ngọt toả ra thơm nồng từ những thân mía tròn căng là bắt đầu mùa mía chín. Lũ côn trùng từ đâu tìm đến và cũng là lúc loài chim mía bay về từng đàn kiếm ăn. Ban ngày lùng sục, ban đêm những con chim bé nhỏ nhanh nhẹn đáng yêu đó ngủ luôn trong đám mía. Chim mía là loài chim hiền lành thân thiện với con người trước khi bị săn lùng vì trở thành đặc sản. Với người trồng mía, chim là bạn.

Cũng mùa mía chín năm đó, San được cử đi học tận một tỉnh miền Tây xa xôi. Hôm San đi, nước từ thượng nguồn sau những cơn mưa lớn cuối mùa đổ về làm suối Cần Ðăng đầy ứ. Nước dồn lên con suối cạn cạnh nông trường cắt ngang lối đi duy nhất vào đơn vị.

Vượt qua cây cầu gỗ nổi lều bều trong nước, ngoái nhìn lại San vẫn thấy chị Miên đứng trên đầu dốc dõi mắt nhìn theo. Bộ đồ công nhân màu xanh lá như lẫn vào hàng cây bên đường. Bóng chị sao mà nhỏ nhoi, cô đơn đến tội nghiệp. Không ngờ đó lại là hình ảnh cuối cùng của chị Miên mà San nhìn thấy.

* * *

Ngày San về lại đơn vị, cũng vào vụ mía chín. Nhìn những ngọn mía bung cờ trắng xoá để nghe bồi hồi nhớ màu bông sậy hôm nào. Trên đầu dốc, San mỏi mắt tìm hoài không thấy bóng chị Miên. Người nông trường kể về cái chết của chị Miên trong nỗi thương tiếc nghẹn lời. Ðó là một buổi chiều khô rát. Lô mía đẹp nhất chuẩn bị thu hoạch bị người xấu đốt cháy.

Tiếng kẻng báo động khua dồn dập từng hồi từ nông trường bộ. Chị Miên dẫn đầu một tốp công nhân nữ lao nhanh ra đồng. Lửa bốc lên ngùn ngụt, khói cuồn cuộn kèm theo âm thanh tiếng nổ răng rắc của lá mía, thân mía bị cháy tạo nên một cảnh tượng hãi hùng.

Chưa ai có kinh nghiệm trong việc chữa mía cháy, phương tiện cũng chỉ là những dụng cụ thô sơ như rựa, cuốc, cào… Chị Miên ứa nước mắt nhìn thành quả lao động cả năm trời, niềm hy vọng của mọi người đang tan thành tro bụi. Chị lao vào đám mía đang cháy cuống cuồng chặt dọn, dập chận để lửa không lan ra lô khác. Gió bỗng từ đâu ùa đến xoáy tròn quật ngược ngọn lửa. Khi mọi người hốt hoảng la hét thì bóng chị Miên cũng đã mất hút trong cái màu khói xam xám mờ mịt cay nồng.  

Mọi người tìm thấy chị Miên nằm trong tư thế úp nghiêng mặt vào bụi sậy khô. Mắt nhắm nghiền bình yên như đang ngủ. Mái tóc xõa trên lưng vẫn mượt mà và kỳ lạ là không có một sợi nào cháy sém. Chiếc nón tai bèo nằm lệch một bên lốm đốm những vết tròn đen. Có cảm giác chị vẫn còn kịp vuốt mái tóc đẹp của mình trước khi đi xa. Chị Miên chết vì ngạt khói. Người ta bảo chiều đó bầy chim mía bay lòng vòng một hồi lâu trên bầu trời nơi chị nằm như tiễn biệt rồi mới kéo nhau khuất dạng về phía chân trời. Hình ảnh chị Miên vụt hiện về làm San ứa nước mắt.

* * *

Người đàn ông mái tóc nhuốm màu bông sậy đứng trầm ngâm bên ngôi mộ bé nhỏ nằm cạnh con đường của khu nghĩa địa. Tấm mộ bia chỉ ghi đơn giản mấy dòng: Cao Thị Miên (1952-1982). Chị Miên ơi! Bây giờ em đã già, gấp đôi tuổi dương gian của chị. Nếu có kiếp luân hồi giờ chắc chị cũng đã là một thiếu phụ đang xuân thì. Thời gian vẫn cứ trôi, nhẩn nha lướt qua mọi thứ bằng gương mặt lạnh lùng. Ba mươi năm với bao “thương hải biến vi tang điền” cứ tưởng mọi thứ đã ngủ yên. Vậy mà…

Vạt nắng cuối ngày chầm chậm cuộn mình khuất sau cánh rừng cao su xanh thẩm. Mùa mía chín đã xa như cổ tích. Người đàn ông ngước nhìn lên bầu trời mải miết tìm hình ảnh của đàn chim mía ngày nào giờ đã thiên di.

P.H

 

Tin cùng chuyên mục