Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
“Chùm đuông”, theo chú thích của nhà thơ Cảnh Trà là “một loại quả rừng nhỏ, tròn, lúc ương màu hồng tím, khi chín đen mục, ăn ngọt, có vào đầu tháng ba, tháng tư ta ở những cánh rừng của Tây Ninh. Các cô gái dậy thì, những người đàn bà có bầu thích nhâm nhi chùm đuông”…

![]() |
Nhà thơ Cảnh Trà |
“Chùm đuông”, theo chú thích của nhà thơ Cảnh Trà là “một loại quả rừng nhỏ, tròn, lúc ương màu hồng tím, khi chín đen mục, ăn ngọt, có vào đầu tháng ba, tháng tư ta ở những cánh rừng của Tây Ninh. Các cô gái dậy thì, những người đàn bà có bầu thích nhâm nhi chùm đuông”… Đó là cảm hứng chủ đạo để nhà thơ viết nên bài thơ “Mùa chùm đuông chín”, đăng trong tập thơ “Những cơn mưa” của nhà thơ Cảnh Trà do NXB Thanh Niên phát hành năm 2007.
Bài thơ dài 45 câu, theo thể loại thơ tự do, với cách ngắt nhịp dài ngắn khác nhau, như những tiếng cười ý nhị. Lúc cười mỉm, lúc khúc khích, khi cười dài sảng khoái của một nhà thơ tuổi đã “xưa nay hiếm”. Đó cũng là cách nhìn thú vị về một khoảng không gian yên bình của những cánh rừng còn sót lại sau chiến tranh và một vùng quê biên giới bình yên, thức dậy sau những cơn mưa đầu nhỏ hạt.
Còn nhớ, lúc tham quan Campuchia, nhà văn Lê Văn Thảo, người từng sống ở rừng Tây Ninh, căn cứ R, nhắc mãi loại trái rừng này. Nhà văn còn gọi nó là cây “cơm nguội”, món khoái khẩu của bộ đội ta trong thời chống Mỹ. Trở lại với bài thơ, bằng vào những câu thơ kể, nhà thơ Cảnh Trà đã giới thiệu thật sinh động một khoảng không nhỏ bé, bình yên của rừng: “Sau cơn mưa đầu mùa/ Rừng Tây Ninh như chừng ngon hơn/ Tầng tầng lá non vun cao/ Những mâm xanh nở nang, thèm thuồng/ Nước ngọt chảy long lanh/ Uốn mình trên thân cây mượt mà vỏ mới…”. Nhà thơ đã vừa tả, vừa vẽ “tầng tầng lá non, những mâm xanh, nước ngọt chảy”, nhưng lại khơi dậy cái “thèm thuồng”, bởi rừng “chừng ngon hơn”, như vậy cái thị giác, cùng những giác quan của con người đã bừng lên một cảm xúc mới, vừa hồn nhiên lại vừa rất thực tế. Cảm giác thèm thuồng: nhìn ngắm và thưởng thức. Những câu thơ bỗng cất lên tiếng nói thi ca trong một tâm thức rất thực của con người! Câu thơ tiếp theo, mới phồn thực và cũng rất nhân văn: “Mùi lá mục ngai ngái/ Nồng nàn như hơi vợ chồng!”, bất chợt liên tưởng đến câu ca dao xưa: “lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi…”, cái “hơi vợ chồng” ấy ấm nồng, khó phai, lớp người trẻ đâu dễ cảm nhận? Mà run rẩy hồn người mỗi khi phải cách trở chia xa?
Một câu thơ khẳng định và quả quyết: “Rừng đang vào mùa chùm đuông!”. Cái mùa chùm đuông kỳ lạ, hút hồn bao nhiêu lũ chim rừng quay về: “Những con chim đuôi dài quệt đất/ mỏ nhọn, mỏ quặp, mình đỏ như quả ớt…/ Cả một trời chim/ Từ đâu rào rào bay về…”, cái mơ màng, cái tĩnh lặng đã bị bầy chim khuấy động. “Cả một trời chim”, thật là cảnh “đất lành chim đậu”, cái ma lực thu hút là những quả chùm đuông, dân dã, bình dị, để: “Vừa nhảy/ vừa hót/ líu lo/ ríu ran…” và tất nhiên cũng là mùa quần hội, yêu đương của “Con trống mớm cùi con mái/ Mắt chấp chới…”. Một bức tranh động và những câu thơ động, tinh tế và cũng rất hóm hĩnh của người xứ Nghệ!
Cái tài hoa, uyển chuyển của một nhà thơ từng đạt giải bài thơ hay nhất, bài “Đưa dân qua cầu Bến Hải”, của báo Văn nghệ Giải phóng kỷ niệm ra số báo 100, đã được anh vận dụng khi góc nhìn từ trên cao đã dần xuống chỗ đứng của những chú sóc “lông cỏ mật/ lông quả bàng ương/ lông hạt dẻ”, biến hoá những gam màu khác lạ nơi những con thỏ “mình vàng bắp chín/ màu trắng hoa lau/ màu khói bếp…”, có lẽ những hoạ sĩ tài ba pha màu cũng đến thế là cùng. Tất cả là vì “Quanh gốc chùm đuông đầm đề trái rụng”. Và đấy cũng chính là sự sống, sự ban tặng hào phóng của thiên nhiên trong khung cảnh yên bình. Đây cũng là điều nhà thơ muốn nhắn gửi. Một thông điệp về môi sinh, môi trường trong cuộc sống vốn dĩ bình đẳng trước mọi loài, mọi vật.
Bức tranh thơ không dừng ở đấy, bởi quy luật sinh tồn của cuộc sống, không chỉ ở những con vật dễ thương, hiền lành mà còn có con người. Cái triết lý như trên anh viết: “Ăn trái chùm đuông/ Nhả hạt chùm đuông…” là vòng quay bất biến: Trái- hạt- cây- trái. Người xưa nói: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, là vì thiếu hiểu biết quy luật, tàn hại, phá trắng “của rừng” ắt sẽ bị hậu quả khôn lường. Biết “trả lễ”, nuôi dưỡng mầm sống của rừng thì sẽ tồn tại bình yên. Ở đây, những con gái, con trai, dĩ nhiên là đang độ tuổi thanh niên, hoặc mới lớn. Cái độ tuổi hồn nhiên, tinh nghịch song cũng khao khát lứa đôi: “xô nhau/ đẩy lưng nhau/ vào rừng/ Hát bài bềnh bồng, bềnh bồng…/ níu cành/ hái trái chùm đuông/ đổ chồng lên nhau/ la như trời sập!”.
Điều mà tác giả chưa muốn bộc lộ, ý tứ sau câu chữ, nhưng cũng dễ hướng người ta “ngộ” ra cái bức tranh “hái dừa” lúc xưa. Và trong những chàng trai, cô gái ấy, ai sẽ trở thành đôi lứa, tiếp tục cái vòng quay sinh tồn của tạo hoá?
Bức tranh về rừng, thật yên bình, sinh động, nhiều màu sắc, với những câu thơ tinh lọc, nhiều tầng ý nghĩa lại thấm đẫm một triết lý nhân sinh sâu sắc. Tôi tin bài thơ sẽ đi cùng với năm tháng…
T.H.V