Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Giá như có đê bao ven sông Vàm che chở cho cánh đồng này, để nông dân sản xuất mỗi năm được ba vụ lúa, đồng thời nuôi cá theo mô hình lúa-cá…

Mới sáng sớm, anh Năm Trơn lúi cúi chèo chiếc xuồng cui rẽ nước vượt ngang sông Vàm Cỏ Đông để đến cánh đồng An Thạnh mênh mông nước. Nơi đó có mấy cái dớn đang “hả miệng” chờ anh từ sáng hôm qua cho đến bây giờ. Bất chấp cái lạnh buổi sớm mai của tiết trời gần cuối thu, vừa đến chỗ đặt dớn, anh đã “đùng” ngay xuống ruộng mặc kệ mực nước ngập khỏi lưng quần. Anh nâng túi dớn, mở dây trút toàn bộ những thứ trong đó vào các can nhựa to được khoét một lỗ tròn bằng miệng chén ăn cơm làm “đụt”.
![]() |
Đặt dớn trong mùa nước nổi trên cánh đồng An Thạnh |
Nhà anh Năm Trơn ở ngay trung tâm thị trấn Gò Dầu. Ở thị trấn nhưng vốn là nông dân nòi, lớn lên từ ruộng đồng, sông nước, nên anh chèo xuồng, bơi lội đều giỏi, và khoái… làm ruộng hơn các nghề khác. Điền sản của anh là sáu công ruộng nằm bên kia sông Vàm Cỏ Đông, giữa cánh đồng An Thạnh thuộc địa bàn huyện Bến Cầu. Cánh đồng mênh mông nằm ven con sông cái mỗi năm làm được hai vụ đông xuân và hè thu. Còn vụ mùa, nông dân phải bỏ ruộng hoang vì lũ lụt tràn ngập đồng. Vụ đông xuân thời tiết thuận lợi, ruộng dễ làm, bà con nông dân ở đây ăn chắc mỗi mẫu kiếm được hơn chục triệu đồng. Vụ hè thu, mưa gió sụt sùi, thời tiết khó khăn, ruộng lúa thất bát, đầu tư vốn nhiều mà thu hoạch chẳng bao nhiêu, người nào sản xuất giỏi lắm cũng chỉ kiếm được vài triệu đồng. Ai không gặp thời, khi lúa mới trổ, hoặc lúa đang vàng mơ mà gặp mưa to, gió lớn vùi dập xem như lỗ “mờ con mắt”. Vào mùa vụ, anh Năm Trơn cũng như bao nông dân khác tất bật ra đồng. Để đến được đồng ruộng của mình hằng ngày anh cuốc bộ từ nhà đến bờ sông, rồi lụi hụi tát nước chiếc xuồng cui, xong lại ạch đụi chèo xuồng vượt sông. Mùa mưa, nước lớn, dòng sông thông thoáng còn đỡ, mùa nắng gặp lúc nước ròng, lục bình từ thượng nguồn tràn về làm tấm thảm xanh phủ kín mặt sông, bà con làm nông phải ra sức chèo, kéo cho xuồng trườn trên lục bình, nhích từng chút, từng chút để sang sông. Khi đi thế nào thì lúc về cũng vậy. Có khi qua được mặt sông chỉ hơn một trăm mét, về đến nhà là đói muốn rã ruột. Đó là vào mùa vụ đông xuân và hè thu. Còn ba tháng vụ mùa, nông dân làm ruộng trên cánh đồng An Thạnh khá nhàn nhã, một số người chờ lũ về ra ruộng đánh bắt thuỷ sản. Cách đánh bắt hiệu quả nhất ở đây là đặt dớn. Anh Năm Trơn cũng làm mấy cái dớn để cải thiện bữa ăn và kiếm thêm thu nhập. Vào mùa nước nổi như hiện nay, trên cánh đồng An Thạnh, người địa phương và người từ nơi khác đến đặt dớn trắng đồng. Dớn là một mành lưới lỗ nhỏ, có chiều dài hàng chục mét, bề cao cũng vài mét, chúng được cắm xuống ruộng nước, nơi mà các loài thuỷ sản thường xuyên qua lại. Phía cuối mành lưới ở hai bên có hai cái túi lớn, có hom rất khít. Do túi làm bằng mành mành lỗ rất nhỏ, nên từ các loại cá lóc, cá rô, trê, chạch cho đến cá lòng tong, bã trầu, lia thia nhỏ hơn đầu đũa ăn một khi đã chui vào… đều khó thoát. Không chỉ có cá, mà các loài khác như cua, còng, tôm, tép ếch, nhái, lươn, lịch, ốc, rắn cũng bị tóm bằng cách này. Người đặt dớn thu hoạch xong thường lựa ra từng loại để bán. So với mọi năm, năm nay lũ về muộn hơn mười ngày. Hằng năm cứ vào rằm tháng tám âm lịch, trời mưa to, nước dưới sông bắt đầu “nhảy bờ”. Còn năm nay nước dâng muộn nhưng lại cao hơn năm rồi. Có điều các loài thuỷ sản sông, đồng ruộng có phần hiếm hơn. Cách một ngày một đêm, anh Năm Trơn mới đi trút dớn một lần. Thu hoạch ít, nên năm nay, hầu như anh Năm Trơn không có cá tép… để bán như mọi năm mà phần lớn chỉ để dành ăn hoặc biếu người thân, bè bạn.
Nhìn cánh đồng An Thạnh mênh mông nước, trắng mành dớn, tôi không khỏi chạnh lòng. Cá, tôm… đã không còn được mấy, với cách đánh bắt “triệt để” như vậy những loài thuỷ sản làm sao tránh khỏi cạn kiệt? Tôi lại thầm nghĩ, giá như có đê bao ven sông Vàm che chở cho cánh đồng này, để nông dân sản xuất mỗi năm được ba vụ lúa, đồng thời nuôi cá theo mô hình lúa-cá như nhiều nơi khác, thì chắc bà con nông dân canh tác trên cánh đồng An Thạnh sẽ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình hơn.
N.H