Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thời gian qua, thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh khá nhộn nhịp. Nhiều thửa đất lớn bị phân lô bán với giá “bình dân”. Có nhiều người gom góp tiền mua được mảnh đất để “an cư, lạc nghiệp”.
Khu đất nông nghiệp tại xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu trước đây lập dự án ma dẫn đến nhiều người “ dính bẫy” bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Gò Dầu khởi tố vụ án do có vi phạm pháp luật.
NGƯỜI CÓ NHU CẦU THỰC SỰ THÌ DỞ KHÓC, DỞ CƯỜI
Theo chia sẻ của ông N.T.D (50 tuổi), tạm trú tại một phường ở thị xã Hoà Thành, vợ chồng ông cả đời làm thuê khó khăn nên dành dụm được hơn 300 triệu đồng. Thấy trên mạng rao bán một thửa đất ở phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh dù biết là đất rẻ phải cách xa khu dân cư nhưng với sự mong muốn có phần đất để “an cư lạc nghiệp”, vợ chồng ông vội vàng mua.
Đến xem đất, chủ đất nói là an tâm cất nhà và chỉ xung quanh gần khu vực thửa đất có nhiều nhà dân. Thấy cũng thuận tiện dù xa nhưng có cái nhà để ở còn hơn cảnh đi thuê nhà, nên vợ chồng ông quyết định mua với suy nghĩ người ta cất nhà ở được thì mình cũng cất được. Khi mua, người bán có nói là đất cây lâu năm nhưng theo quy hoạch được chuyển lên đất ở. Nếu thời gian sau có tiền ông D nên đi chuyển mục đích để đất có giá trị. Còn về chuyện cất nhà thì ông D cứ an tâm, trong khu vực xa dân cư cũng không ai để ý việc xây cất.
Mua đất xong, vợ chồng ông D càng phấn khởi khi anh em ông D mỗi người hỗ trợ một chút để cất nhà cho ông. Khi xe mới đổ gạch, chuẩn bị xây móng thì bị chính quyền địa phương vào lập biên bản không cho phép xây dựng do đất vườn và khu đất này có quy hoạch chưa được chuyển lên đất ở đô thị. Ông D điện thoại cho người bán để làm cho ra lẽ, lúc này người bán đất nói chuyện như “phủi tay” làm ông D càng thêm tức.
Mong ước có một ngôi nhà, ông D làm đơn xin xem xét gửi chính quyền địa phương, đến cả Phòng Quản lý đô thị thành phố Tây Ninh để xin được cất nhà. Dù các cơ quan trên thấu hiểu hoàn cảnh của ông D nhưng không thể giải quyết trái quy định. Thế là ông D phải tiếp tục thuê nhà, ngậm ngùi vì quá vội vàng tin lời “cò”.
Đó là một trong số không ít người mua đất nông nghiệp bị giới đầu nậu xẻ thịt, phân lô, bán nền dùng lời ngon tiếng ngọt để đưa vào bẫy khiến người có nhu cầu mua đất thực tế giá rẽ để cất nhà ở lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười” vì mua nhầm đất quy hoạch.
Trong vai một người mua đất, phóng viên liên hệ với một người rao bán đất nông nghiệp phân lô được quảng cáo là gần khu công nghiệp lớn sắp triển khai ở huyện Gò Dầu. Người này nói, nếu có nhu cầu mua đất thì tranh thủ mua đi vì mai mốt khu công nghiệp hình thành khó tìm mua được một mảnh đất có giá rẻ như vậy.
Khi phóng viên hỏi người này sao anh biết được vị trí ranh khu công nghiệp mà anh nói đất này gần khu công nghiệp; rồi đất đang là đất lúa sao anh biết đất sau này được quy hoạch lên đất ở. Người này phán như “thánh” là làm nghề của anh phải nắm quy hoạch mới bảo đảm quyền lợi cho người mua. Anh bán đất kiếm lợi nhuận không nhiều chủ yếu là giúp người có hoàn cảnh khó khăn có khả năng mua đất cất nhà ở gần những vị trí “ngon”. Hơn nữa, thấy tỉnh hiện nay đầu tư ào ạt đường sá nên mai mốt phát triển nhanh lắm, nếu tôi có nhu cầu cứ liên hệ mua chứ không nói vòng vo?
Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin quy hoạch các khu đất nông nghiệp bị “ xẻ thịt” để tránh lâm vào cảnh “ dở khóc, dở cười”.
CHẬM CHO CHẮC
Theo báo cáo của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020 cho biết, nhìn chung, công tác quy hoạch xây dựng được quan tâm thực hiện, từng bước đi vào nề nếp, tỉnh Tây Ninh đã phê duyệt đồng bộ và phủ kín 100% quy hoạch chung đô thị đối với 9/9 đô thị hiện hữu, 100% quy hoạch phân khu khu vực đô thị hiện hữu. Các phường, các trục đường chính trên địa bàn thành phố và các trung tâm thị trấn các huyện trên địa bàn tỉnh cũng đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết đô thị giai đoạn (1999 - 2005), còn lại thực hiện theo quy chế quản lý kiến trúc, cơ bản đáp ứng yêu cầu về quản lý và hướng đến phê duyệt đồng bộ và phủ kín quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, toàn tỉnh có 71 xã được lập quy hoạch chung xây dựng xã thời kỳ quy hoạch đến năm 2020.
Sau khi các đồ án quy hoạch được phê duyệt, các địa phương tổ chức công bố, công khai với nhiều hình thức như tổ chức hội nghị; phổ biến trên Đài Truyền thanh cấp huyện, Trạm Truyền thanh cấp xã; lắp đặt pa-no bản đồ quy hoạch nơi công cộng, niêm yết tại bộ phận một cửa... cơ bản bảo đảm theo quy định.
Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến trật tự xây dựng được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tổ chức hội nghị giao ban ngành, hội nghị tập huấn; tổ chức chương trình toạ đàm về quản lý TTXD qua hệ thống truyền hình tỉnh; tuyên truyền thông qua hệ thống đài truyền thanh của cấp huyện, trạm truyền thanh cấp xã; để xuất lập sổ tay hướng dẫn trình tự cấp giấy phép xây dựng và xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ..
Tuy nhiên, nhìn chung kết quả việc tuyên truyền chủ yếu mới đến được đối tượng là cán bộ, công chức, người lao động làm công tác chuyên môn liên quan và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn; việc tuyên truyền đến người dân chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Song song đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự xây dựng; công bố, công khai và cắm mốc giới các đồ án quy hoạch tuy được quan tâm thực hiện, nhưng hiệu quả chưa thật sự sâu rộng nên chưa tạo chuyển biến nhiều đến nhận thức của người dân; không ít người dân chưa nắm các quy hoạch đã được phê duyệt trên địa bàn.
Có thể hiểu với những tấm pa-nô công khai quy hoạch hiện nay, người dân dù thấy cũng chưa thể biết được đất quy hoạch như thế nào nếu là người không có trình độ chuyên môn liên quan đến lĩnh vực này. Do đó nên nhiều “đầu nậu” và “cò đất” đã dùng lời ngon, tiếng ngọt để đưa người dân có nhu cầu thật sự vào “bẫy”. Bỏ mặc hậu quả người dân gánh.
Theo bà Trần Thị Ly Lan– Trưởng Phòng Quản lý đô thị thành phố Tây Ninh, việc công khai quy hoạch cho người dân nắm tại Thành phố rất minh bạch. Người dân có nhu cầu biết thửa đất mình chuẩn bị mua có vướng quy hoạch, có cất nhà hay chuyển mục đích lên đất ở được không cứ liên hệ bộ phận Một cửa thành phố Tây Ninh được hướng dẫn nộp đơn xin thông tin quy hoạch cùng với giấy chứng nhận QSDĐ phô tô. Trong thời hạn tối đa 7 ngày, Phòng Quản lý đô thị sẽ trả lời cho người dân bằng văn bản. Đặc biệt thủ tục này được miễn phí hoàn toàn.
Bà Trần Thị Ly Lan cho biết, bà cũng nhận thấy việc người dân bị “cò đất” dụ mua nhầm đất quy hoạch nhưng sau đó “cò đất” phủi bỏ trách nhiệm, người dân lãnh đủ. Nhiều người dân mua nhầm đất quy hoạch có nhu cầu thực sự cất nhà lên Phòng Quản lý đô thị xin phép đã trình bày hoàn cảnh khó khăn rất đáng thương, nhưng Phòng Quản lý đô thị không làm gì khác được do quy định pháp luật.
Những lô đất giá rẻ được quảng cáo trên mạng xã hội người mua cần tỉnh táo liên hệ cơ quan quản lý quy hoạch.
Điều 55 Luật Quy hoạch đô thị 2009 có quy định về việc cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị nên người mua đất cần nắm thông tin có thể liên hệ cơ quan quản lý quy hoạch. Tại đô thị như thành phố hay thị xã, người dân liên hệ với Phòng Quản lý đô thị. Tại các huyện, người dân liên hệ với Phòng Kinh tế - Hạ tầng để xin thông tin quy hoạch. Chậm mà chắc còn hơn người dân “dính bẫy” cò.
Tất nhiên việc đất nông nghiệp bị phân lô, xẻ thịt dù đúng quy định nhưng đã để lại nhiều hệ lụy, trước mắt là đất nông thôn bị đội giá khiến người dân có nhu cầu mua đất cất nhà ở khó khăn khi tiếp cận với đất có đủ điều kiện cất nhà, rồi nhiều hệ luỵ khác mà chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
T.P