Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong 4 năm qua, ông Huỳnh Thanh Liêm (ngụ ấp Bình Lương, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành) luôn cần mẫn chăm sóc vườn cây dâu tằm gần 1 ha. Vườn dâu này là nguồn thu nhập chính của gia đình ông, số tiền thu được từ việc bán trái dâu có thể lên đến 200 triệu đồng/năm.

Cây dâu tằm có nhiều tên gọi khác như dâu ta, dâu cang, tầm tang... Tên khoa học là Morus alba L. Morus acidosa Giff, thuộc họ dâu tằm Moraceae, thân gỗ, lá mọc so le hình bầu dục, mép lá kiểu răng cưa.
Hình dạng trái dâu tằm có nhiều khối cầu nhỏ nằm liền kề nhau tạo thành một khối gồ ghề, dài khoảng 3cm. Trái dâu ban đầu màu xanh, sau đó chuyển đỏ và cuối cùng khi chín hẳn có màu đen sẫm.

Trái dâu tằm khi chín hẳn có vị chua nhẹ, ngọt, mùi thơm đặc trưng, ăn khá ngon. Trong trái dâu cũng có nhiều thành phần dưỡng chất có lợi cho sức khỏe con người như đường, protein, acid hữu cơ, vitamin B1, vitamin C, carotene, chất chống oxy hoá, chất xơ...
Theo Đông y, trái dâu chín khi được phơi hoặc sấy khô gọi là tang thầm, có công hiệu bổ huyết, bổ can thận, nhuận tràng, hỗ trợ tiêu hoá, tăng cường sức đề kháng, làm chậm quá trình lão hóa… Từ lâu, người dân đã sử dụng và kiểm chứng công dụng tuyệt vời của loại trái cây này nên rất ưa chuộng.

Thực tế, dâu tằm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vẫn chưa được trồng phổ biến, chỉ một vài nơi trồng để lấy trái làm rượu dâu, thường thấy người dân trồng một vài cây xung quanh nhà để làm kiểng, hái quả để ăn hoặc làm thức uống khi đến mùa dâu chín.
Ông Huỳnh Thanh Liêm nhận thấy khí hậu tại địa phương với đặc điểm mùa nắng nóng kéo dài, nếu có số lượng lớn trái dâu tằm để bán làm thức uống giải khát cho người dân thì rất phù hợp. Mặt khác, con rể của ông Liêm cũng đang có một công ty chuyên sản xuất rượu dâu (tại địa bàn xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu). Thế là, ông Liêm quyết định trồng cây dâu tằm trên diện rộng để kinh doanh bán trái.

Ông Liêm kể, tại cùng diện tích đất nêu trên, trước đây gia đình ông trồng lúa. Tuy nhiên, thời tiết và giá bán loại nông sản này hay diễn biến bất thường theo chiều hướng không có lợi cho nhà nông. Từ khi gia đình ông chuyển sang trồng cây dâu tằm, nguồn thu nhập ổn định hơn.
Theo ông Liêm, cây dâu tằm sau khi được chiết cành trồng, khoảng 6 tháng sau, cây bắt đầu ra hoa kết trái, càng về sau năng suất trái càng cao. Hiện nay, ông Liêm bán lẻ trái dâu tằm tại địa phương với giá 60.000 đồng/kg, giá bán sỉ 45.000 đồng/kg. Số tiền thu được từ việc bán trái dâu có thể lên đến 200 triệu đồng/năm.
Ông Liêm chia sẻ thêm, trồng cây dâu tằm ít nhọc công và nhẹ vốn hơn một số loại cây ăn trái khác như nhãn, sầu riêng, chanh… Ông cũng xác định, dâu tằm là loại trái cây dùng để ăn trực tiếp hoặc ủ lên men làm thức uống nên phải sản xuất theo quy trình nông nghiệp sạch.
Theo đó, chủ vườn dâu không dùng phân bón hoá học, chỉ thu mua cá tạp trên địa bàn và tại khu vực hồ Dầu Tiếng để ủ thành phân đạm cá bón cho cây, có bổ sung thêm phân bã mì hoai được thu mua tại các lò mì. Dâu tằm là loại cây thân gỗ, lá có nhiều thành phần giống lông tơ nên ít bị sâu rầy, do đó chủ vườn cũng không dùng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hoá học.

Ông Liêm cho hay, dâu tằm nếu không được đôn cành (cắt tỉa cành), tuốt lá thì cây sẽ cho ra trái và chín trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 hằng năm. Trường hợp sau khi thu hoạch trái liền đôn cành, tuốt lá, tưới nước và bón phân đầy đủ, khoảng 2 tháng sau cây lại tiếp tục ra trái. Nên phân chia làm nhiều phần luống dâu trên cùng diện tích để áp dụng kỹ thuật này theo các đợt trước, sau nhằm có trái dâu bán quanh năm mà không cần chờ đến mùa dâu ra trái.
Trái dâu tằm trong vườn không chín đồng loạt, trong khi người tiêu dùng có xu hướng thích trái chín tới màu đen sẫm, nên chủ vườn phải thuê nhân công thu hoạch nhiều lần, mỗi lần cách nhau khoảng 3 ngày, lưu ý nhân công hái dâu phải nhẹ tay vì trái chín có đặc điểm khá mềm và dễ bị dập.

Để sử dụng trái dâu tằm chín đúng cách, ông Liêm hướng dẫn chỉ cần rửa nhẹ tay qua nước sạch là có thể ăn trái dâu tươi. Trường hợp khách hàng muốn ủ nước cốt dâu để lâu làm thức uống thì cũng phải rửa nhẹ tay qua nước sạch, phơi nắng cho ráo nước trước khi bỏ dâu vào bình thuỷ tinh để ủ, cho ít đường phèn vào để giảm độ chua tự nhiên của trái dâu và kích thích quá trình lên men.
Tuỳ theo sở thích của mọi người, khi làm thức uống có thể cho thêm ít đường vào ly nước cốt dâu, đá lạnh, khuấy đều và sau đó thưởng thức. Với thời tiết nắng nóng như hiện nay, có loại nước trái cây này để uống thì quả là tuyệt vời.

Đề cập đến đầu ra cho sản phẩm trái dâu tằm, ông Liêm cho biết khách hàng mua dâu hiện nay chủ yếu thông qua người đã từng sử dụng giới thiệu, một lượng khách hàng đáng kể khác biết và đặt mua “Dâu tằm Năm Liêm” thông qua mạng xã hội do con của ông đăng tải quảng bá.
Vào thời điểm dâu chín rộ, khách hàng đặt mua lẻ không kịp tiêu thụ hết số lượng dâu đã thu hoạch thì ông Liêm bán sỉ cho con rể làm rượu dâu. Thời điểm này năm nay, vườn dâu tằm của ông Liêm đang chín rộ nhưng số lượng trái thu hoạch được không đủ giao cho khách hàng mua lẻ, trong khi năng suất cao hơn năm 2024.
Tiềm năng kinh tế từ trái dâu tằm trước mắt là vậy, thế nhưng, theo ông Liêm, người dân muốn trồng loại cây này để phát triển kinh tế với quy mô lớn phải tính đến chuyện đầu ra ổn định, nhất là theo hướng có công ty bao tiêu sản phẩm hoặc liên kết tiêu thụ bền vững tại các cửa hàng bách hoá, siêu thị.
Quốc Sơn