Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong mùa dịch, giáo viên, đặc biệt giáo viên chủ nhiệm vẫn thường xuyên liên lạc với học sinh. Em nào có biểu hiện nóng sốt, giáo viên hỏi thăm và giữ liên lạc, đến khi biết đích xác bệnh, giáo viên mới yên tâm thở phào.
Mùa dịch bệnh, trường học tạm thời đóng cửa. Trường là "bà mẹ lớn", trường không có “những đứa con” ê a học hành và vui chơi, trường vắng ngắt, buồn thiu. Nhưng trường không xác xơ, lạnh lẽo mà vẫn khang trang, sạch sẽ và ấm áp. Học sinh không đến lớp nhưng thầy cô vẫn thay nhau có mặt ở trường. Thầy cô chia nhau làm vệ sinh mỗi ngày, trường sạch tươm.
Khi lao động, thầy cô chúng tôi luôn tâm niệm phải làm cho thật sạch để ngày học trò quay lại “ngôi nhà thứ hai” của mình có được cảm giác an toàn, thân thuộc - chỉ có như vậy các em mới có thể học hành, vui chơi. Chưa hết, để chuẩn bị đón học sinh sau kỳ nghỉ dài, trường trang bị thêm những bồn nước, dung dịch rửa tay, khăn lau và khẩu trang. Nói chung, nhà trường “tận nhân lực” để đem lại sự an toàn cho học sinh.
Trong mùa dịch, giáo viên, đặc biệt giáo viên chủ nhiệm vẫn thường xuyên liên lạc với học sinh. Em nào có biểu hiện nóng sốt, giáo viên hỏi thăm và giữ liên lạc, đến khi biết đích xác bệnh, giáo viên mới yên tâm thở phào. Mùa dịch, có việc phải đến bệnh viện, tôi xúc động tràn trề khi thấy một nhân viên y tế trường học, một giáo viên trường bạn đưa học sinh đi khám bệnh. Hỏi ra thì biết ba mẹ em ấy đi làm cả ngày, khi thấy biểu biện nóng ấm, em điện tới thầy cô và kịp thời nhận được sự trợ giúp.
Và tôi, hôm qua sang nhà hàng xóm chơi, thấy cuối tuần đôi vợ chồng trẻ đón con về. Lý do từ ngày trường đóng cửa, ba mẹ còn phải đi làm nên thu xếp đem con về gửi ngoại… thứ (em của mẹ). Bà ngoại già yếu nhưng vẫn nhận chăm cháu. Thấy cô bé da thịt có vẻ hồng hào, tôi trêu bà ngoại chăm cháu kỹ hơn mẹ, thì cô em hàng xóm khoe bà ngoại chăm cháu cực chu đáo.
Biết là phiền ngoại tuổi già nhưng không còn cách nào. Thương các cháu, bà ngoại tình nguyện đón cháu về chăm, để cùng nhau vượt qua mùa dịch bệnh. Nghe cô em hàng xóm chia sẻ như vậy, tôi vui vui, thấy ấm áp lạ…
Rồi sáng hôm nay, khi tới thăm chị gái sức khoẻ ẩm ương, tôi được hội ngộ với vợ chồng con trai lớn của chị. Hai cháu đem con về thăm bà nội. Tôi tính ham con nít nên thấy cháu gái liền đưa tay kéo vào lòng nựng. Và tôi thiệt xót lòng khi thấy đôi tay cháu đỏ ửng. Tôi lo lắng hỏi tay con bị gì thì mẹ cháu “khai” mùa dịch không đến nhà trẻ được nên bé ở nhà cho cô chị học lớp 3 giữ để ba mẹ đi làm.
Cô bé học lớp 3 thì khó có thể chăm em đàng hoàng được. Trong khi cô em gái xem ti vi, nghe đài khuyến cáo trẻ nên thường xuyên rửa tay để phòng dịch Covid-19 vậy là cứ một chập lại đi xả vòi nước, rửa tay bằng xà phòng. Kết quả của nỗ lực phòng dịch là đôi tay nhỏ bé đỏ lưỡng. Tôi thấy thương quá, sẵn dịp chưa đi dạy lại nên đề nghị đem hai cháu nhỏ về ở với tôi, tôi sẽ trông nom cho qua mùa dịch. “Được lời như cởi tấm lòng”, vợ chồng đứa cháu mừng vui, cảm ơn rối rít.
Mùa dịch, mùa của sự lo lắng, cảnh giác và rủi ro, nhưng cũng là mùa yêu thương.
Nguyễn Thị Bích Nhàn