Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mùa dịch, nông dân gặp khó 

Cập nhật ngày: 30/07/2021 - 00:46

BTN - Thời gian gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bước vào vụ thu hoạch nông sản. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản rớt giá khá sâu, thậm chí không có thương lái tới mua.

Thu hoạch vụ Hè thu (ảnh minh hoạ).

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trong cộng đồng, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các chợ đầu mối lớn ở TP. Hồ Chí Minh phải ngưng hoạt động. Do vậy, việc lưu thông hàng hoá giữa các tỉnh, thành phố và nội tỉnh gặp không ít khó khăn, kéo theo giá nhiều mặt hàng nông sản xuống thấp, thậm chí không có người mua.

Nông sản rớt giá mạnh

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bước vào vụ thu hoạch nông sản. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản rớt giá khá sâu, thậm chí không có thương lái tới mua.

Ông Lê Văn Khải, nông dân trồng nhãn tại ấp Xóm Bố, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu cho biết, gia đình ông có gần 1 ha nhãn chuẩn bị thu hoạch, nhưng không có người đến thu mua. Theo ông Khải, những năm trước, dù giá có rẻ thì vẫn có thương lái đến thu mua, nông dân có thể lỗ nhưng còn “vớt vát” lấy vốn tái đầu tư. Nay, nhãn chín nhưng không có người mua, nông dân mất vốn đầu tư.

“Khoảng ba, bốn ngày trước, tôi có gọi một số thương lái tại thị xã Hoà Thành thông báo về thời gian thu hoạch nhãn thì được trả lời là giá chỉ khoảng 2.500 đồng đến 3.000 đồng/kg. Ðến sáng tôi gọi điện thoại lần nữa để thống nhất thời gian thu hái thì họ (thương lái) trả lời là không mua, vì không có đầu ra. Bây giờ tôi cũng chưa biết tính sao nữa”, ông Khải buồn bã nói.

Nhìn đám bí đao xanh tốt, sai trái mà ông L.V.H, ngụ xã An Cơ, huyện Châu Thành thêm lo, bởi nay không có thương lái thu mua như trước. Mỗi ngày, ông H bẻ vài chục ký mang ra chợ bỏ cho một số sạp rau củ với giá chỉ 2.000 đồng/kg. Ðể “vớt vát”, ông mang bí đao gửi một người quen bày bán cặp lề quốc lộ 22B, đoạn qua ấp Cầy Xiêng, xã Ðồng Khởi với giá 6.000 đồng/kg.

Theo ông H, trước đây, khi chưa bùng phát dịch tại Tây Ninh, bí đao được thương lái đến tận nhà thu mua với giá hơn 15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ khi có thông tin các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh đóng cửa, giá bắt đầu giảm.

Thời điểm địa phương áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg đến nay, thương lái bỏ hẳn, không đến mua khiến gia đình ông chới với, vì bí đao không bán được, ông không biết lấy tiền đâu ra để trả chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đã đầu tư.

Những ngày gần đây, nông dân các huyện Châu Thành, Gò Dầu và thị xã Trảng Bàng chuẩn bị thu hoạch lúa Hè Thu. Trái với không khí vui vẻ, phấn khởi của vụ lúa Ðông Xuân trúng mùa, trúng giá vừa qua, nhiều nông dân đang “méo mặt” vì giá lúa xuống thấp, thậm chí không có thương lái đến thu mua.

Ông Nguyễn Hoàng Bia- ngụ khu phố Chánh, phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng cho biết, ông vừa thu hoạch xong 0,5 ha lúa, được khoảng 3 tấn, bán với giá 4.500 đồng/kg. Ông Bia chia sẻ, giá lúa hiện rất thấp, nông dân không có lời nhưng lúa không bị tồn đọng là điều đáng mừng đối với ông và nhiều nông dân tại đây.

Anh Phan Văn Hùng, nông dân tại ấp Trường, xã Hảo Ðước thì lo âu, bởi khoảng 3 ngày nữa gia đình anh sẽ thu hoạch hơn 1,5 ha lúa, nhưng đến thời điểm này, anh vẫn chưa liên hệ được với thương lái. Theo anh Hùng, những vụ trước, khi lúa chín là thương lái đến xem và đặt cọc thu mua trước từ 3-5 triệu đồng/ha.

Nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều thương lái chấp nhận bỏ cọc, không thu mua lúa của nông dân, khiến anh và nhiều hộ khác đứng ngồi không yên, vì nếu thu hoạch lại không có sân phơi và kho trữ, còn để ngoài đồng thì lúa chín rục.

Nông dân đau đầu tìm đầu ra cho nông sản mùa dịch (ảnh minh hoạ).

Thương lái cũng gặp khó khăn

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều đơn vị, nhà máy xay xát lúa trên địa bàn tỉnh ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, khiến việc tiêu thu lúa gạo của nông dân gặp nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Phương, thương lái thu mua lúa tại ấp Xóm Mới 2, xã Trí Bình, huyện Châu Thành cho biết, hiện bà chỉ thu mua được hơn 10 tấn lúa. Trong thời gian khoảng 10 ngày nữa, khu vực này sẽ bước vào thu hoạch rộ, nhưng giá lúa đang ở mức rất thấp, từ 4.500 đồng đến trên 5.000 đồng/kg, tuỳ giống lúa và có thể tiếp tục xuống thấp nữa.

Theo bà Phượng, trước đây bà và một số thương lái thu mua lúa của nông dân rồi mang đến bán cho các nhà máy xay xát tại thị trấn huyện Châu Thành, Tân Biên và thị xã Hoà Thành, phần còn lại thì bán cho người dân các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, các nhà máy này đều đóng cửa ngưng hoạt động, còn thương lái miền Tây cũng không lên thu mua.

Còn theo một thương lái thu mua lúa tại xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng, việc thu hoạch và thu mua lúa hiện nay rất khó khăn, bởi hầu hết thương lái tại địa phương không có máy sấy và kho trữ. Bên cạnh đó, thương lái cũng không có vốn để thu mua lúa dự trữ.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân gặp khó khăn, nhiều mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu tiêu thụ trong nước, một số sản phẩm trái cây (mãng cầu, nhãn, mít) có giá thấp so cùng kỳ năm trước.

Tình hình tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh giảm do người dân lo sợ dịch bệnh Covid-19, nông dân sản xuất không bán được sản phẩm do thương lái ngừng thu mua (lúa, mãng cầu, nhãn, khoai môn, rau các loại…). Bên cạnh đó, một số chợ trên địa bàn tỉnh bị phong toả (chợ đầu mối rau củ quả cầu K13, chợ Suối Ðá…) ảnh hưởng rất lớn đến tiêu thụ nông sản trong tỉnh.

Dự kiến, từ ngày 20.7 đến 4.8.2021, một số nông sản trên địa bàn tỉnh bước vào thu hoạch, với sản lượng ước tính: lúa 80.000 tấn, rau các loại 20.000 tấn, đậu các loại 250 tấn, mãng cầu 1.000 tấn, mít 200 tấn, nhãn 1.200 tấn, bưởi 100 tấn; cam, quýt 587 tấn; thanh long 80 tấn, hoa lan 50.000 cành.

Minh Dương