Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Mùa “dỗi hờn” kéo dài
Thứ bảy: 06:03 ngày 05/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các tin đồn, phỏng đoán, bàn luận kéo dài ngày qua ngày, thị trường chuyển nhượng cầu thủ châu Âu phần nào khỏa lấp sự trống vắng trên các sân cỏ. Nhiều người còn cho rằng những trò tháu cáy, bịp bợm trong mấy tháng hè còn vui vẻ hơn là khi mùa bóng bắt đầu.


Neymar - tâm điểm của mùa chuyển nhượng hè 2017. Ảnh: REUTERS

Trung vệ Virgin Van Dijk nói rằng anh cảm thấy cái đầu của mình không ở đúng chỗ khi tập luyện chuẩn bị cho mùa giải mới cùng CLB Southampton. Anh muốn rời đội bóng này ngay, đội bóng mà mới năm ngoái, khi ký hợp đồng thời hạn 6 năm, anh còn nói chưa bao giờ hạnh phúc hơn như thế, và muốn chơi cho Southampton đến hết sự nghiệp. Nhưng sự mời gọi từ Liverpool đã khiến niềm hạnh phúc của Van Dijk với Southampton hết nhẵn.

Ở Mỹ, Neymar nổi xung trong một buổi tập cũng chỉ vì tiến trình đưa anh từ Barca tới Paris Saint Germain với giá kỷ lục 222 triệu bảng Anh không nhanh như mong đợi.

Alexis Sanchez đáp lời gọi trở lại Arsenal tập luyện bằng tấm hình selfie với bộ dạng “khốn khổ vì bệnh” trên mạng xã hội. Sanchez muốn đi khỏi Arsenal “thiếu tham vọng” từ cuối mùa bóng trước.


Neymar đến Porto kiểm tra sức khỏe trước khi chính thức gia nhập PSG với giá kỉ lục 198 triệu bảng. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Stoke buộc phải để tiền đạo Marko Arnautovic ra đi vì anh ta cho rằng Stoke “thiếu tham vọng”. Nơi anh ta đến là đâu? Là West Ham, mùa trước còn xếp dưới Stoke ở bảng xếp hạng Premier League.

HLV Mark Hughes có lý khi cho rằng một khi cầu thủ không muốn nữa thì trói họ bằng cách gì cũng vô ích. Nhưng thôi, chắc ông chủ tịch Peter Coates của Stoke cũng hài lòng đôi chút khi bán Arnautovic với giá 25 triệu bảng, so với cái giá 2 triệu bảng Stoke mua cầu thủ này cách đây 4 năm.

Tương tự như thế, ông chủ của Southampton rồi cũng không chỉ trích Van Dijk “dối trá”, “hám tiền”, “vô ơn” nếu như Liverpool chấp nhận mức giá 60 triệu bảng Southampton đưa ra. Southampton cũng chưa việc gì phải vội, thị trường chuyển nhượng đến hết ngày 31-8 mới đóng cửa, những câu chuyện xoay quanh Van Dijk còn kéo dài.

Thị trường chuyển nhượng kéo quá dài, những mức phí điên rồ, quyền lực và sức ảnh hưởng của các tay môi giới biến mùa này trong năm thành “mùa dỗi hờn” của làng bóng đá.

Nếu Van Dijk, một trung vệ chưa mấy nổi bật được bán với giá 60 triệu bảng thì mức giá này sẽ thiết lập kỷ lục mới cho một hậu vệ, vượt qua mức giá 53 triệu bảng Manchester City mua hậu vệ Kyle Walker từ Tottenham. Đúng là khoản tiền ngu muội. Nhưng như các ngôi sao Hollywood nói, khi được đề nghị những khoản tiền ngu muội, sẽ còn ngu muội hơn nếu không chấp nhận nó.

Đồng tiền trong bóng đá châu Âu đã ở một hành tinh khác so với thế giới mà ta sống hàng ngày. Không phải bây giờ mà từ 20 năm trước rồi. Vậy mà vẫn có người phải kinh ngạc, như chân sút huyền thoại của đội tuyển Anh Gary Lineker: “Hãy thử tưởng tượng xem mỗi đường tạt bóng của Kyle Walker trị giá bao nhiêu tiền?”

Thật ra, các ông chủ bóng đá không dốt đâu, họ không dại chi những khoản tiền mà họ không có khả năng kiếm được. Hợp đồng truyền hình của Premier League mấy năm qua liên tục tăng nhờ truyền hình truyền thống. Nếu các nền tảng truyền hình xem theo yêu cầu khác như Netflix, Amazon Prime nhảy vào nữa, số tiền còn lớn nữa.

Năm 1992, các đội Premier League kiếm tổng cộng 170 triệu bảng. Nay họ kiếm tổng cộng 4,6 tỉ bảng, gấp 27 lần. Năm 1992, Lineker chuyển sang đội bóng Nhật Bản Nagoya Grampus Eight với giá chuyển nhượng 2 triệu bảng.

Nay Walker được bán với giá 53 triệu bảng, gấp 26,5 lần. Tức là cũng tương đương theo tỉ lệ. Lineker đi Nhật khi 32 tuổi, ghi 8 bàn trong 22 trận mùa đầu ở Nagoya. Walker nay chỉ mới 27 tuổi, có nghĩa là Manchester City trông đợi nhiều vào cầu thủ này.

Chủ tịch Tottenham, ông Daniel Levy chứng kiến, Manchester City đến giờ này trong mùa hè đã chi hơn 200 triệu bảng để mua cầu thủ (chắc chắn Manchester City chưa dừng lại ở đây) đã thốt lên: “Bóng đá phát triển kiểu này là hoàn toàn thiếu bền vững”.

Đến giờ, Tottenham là đội duy nhất ở Premier League chưa chi tiền, một hiện tượng kỳ lạ. Nhưng từ 15 năm qua, những cảnh báo về “bong bóng” như kiểu của ông Levy rất nhiều, song quả bong bóng đó vẫn chưa vỡ.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục