Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ghi chép tản mạn
Mưa Đôn Thuận
Thứ sáu: 09:24 ngày 04/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chiều ấy, hăm hở phóng xe từ ngã ba Bùng Binh theo đường 789 về Bến Củi. Bùng Binh xưa thuộc về Ðôn Thuận, nay đã thuộc về xã Hưng Thuận. Lần này mới biết đường Hồ Chí Minh nối dài chạy xuống miền Tây cũng có đoạn qua đây.

Ðấy là nơi có một chiếc cầu đang làm dở dang bắc ngang sông Sài Gòn từ Bình Dương qua đất Trảng Bàng. Bên này đã có 4-5 trụ cầu bê tông vững chãi, vẫn còn sáng lên màu bê tông dưới nền trời u ám. Bến sông chỉ có vài chiếc xe “siêu trường, siêu trọng” đang chờ máy cần cẩu hì hục khuân lên những thiết bị cuối cùng, đem đi nơi khác.

Cũng chẳng kịp hỏi, rằng các anh có quay lại bến này không, để tiếp tục bắc cầu, nối dài con đường xuống phía Nam. Vì mây xám bỗng từ đâu ầm ập đến. Rồi gió nổi lên, làm xao xác cả mặt sông vừa nổi sóng. Chưa kịp trùm xong áo mưa thì mưa đã sầm sập trên đầu. Bến sông hoang vu, lều lán chẳng còn. Chỉ biết rồ máy xe, tiếp tục lăn bánh trên đường qua Ðôn Thuận. 

Mới khoảng 3 giờ chiều, mà trời thoắt tối om. Những chiếc xe ngược, xuôi đều đã bật đèn. Xe máy người trùm áo mưa kín mít, lầm lũi đi trên con đường đã chan chan nước chảy. Thỉnh thoảng, một xe ô tô phóng qua, như xé toạc màn mưa tung toé nước. Mưa gì mà như kiểu mưa rừng, cứ xối xả trắng trời trắng đất. Vườn cây, nhà cửa bên đường lặng ngắt như tờ, ủ rũ dưới làn mưa. Vậy mà vẫn thỉnh thoảng nhận ra, nhờ chớp loé hay chớp đèn xe, những cái tên nghe rất xa xưa. Nào Sóc Lào, Bến Kinh, Bà Nhã. Nhận ra là nhờ những tấm tường xây ngay ở lề đường. Có lẽ chỉ có Trảng Bàng là có kiểu này thôi. Là người ta không dựng những cổng ấp văn hoá ngang đường. Mà chỉ xây những tấm tường gạch nhỏ, tô trát rồi viết chữ lên. Ðể cho người đi qua nhận biết những ấp văn hoá Bến Kinh, Sóc Lào, Bà Nhã…

Chợt nhớ! Ở đoạn đầu con đường này có tấm biển chỉ đường. Trên đó vẽ mũi tên chỉ hướng về Bến Củi, cùng con số 20km. Vậy cũng hơi xa. Lại càng xa hơn khi ta chỉ có thể chạy xe khoảng dưới 20km/h trên con đường mưa. Chạy từ từ, vì sau hơn 10 phút mưa, con đường đã tràn trề nước chảy ngang đường. Một bên phía Tây là những xóm, ấp, rẫy vườn cao ráo. Còn ở phía Ðông là dốc thoai thoải xuống sông. Nhiều đoạn phía Tây đã là vườn cao su ngờm ngợp tốt. Trong mưa, thân cây đen thẫm chạy dài tăm tắp như một đội hình quân. Ðội hình này đang vẫn đứng nghiêm trang mà dầm chân trong nước. Nước đã che khuất, nên chẳng thể nhận ra những nơi xói lở, ổ gà. Chạy chậm thế mà thỉnh thoảng bánh xe trước khựng lại, rồi nảy lên khiến người và xe loạng choạng. Tối ấy về mới biết, qua tin của TTV11, rằng cử tri Trảng Bàng phản ánh với đại biểu HÐND về con đường 789 Ðôn Thuận- Bến Củi đã hư hại nhiều cần sửa chữa. Ðường xấu thì mặc xấu! Người xe trên đường vẫn đi lầm lũi. Ðôi chỗ vẫn nhận ra sông Sài Gòn loang loáng bạc dưới kia, sâu hút. 

Mưa Ðôn Thuận. Lắm lúc lại gặp gió quẩn quanh thốc vào rát mặt, khiến con mắt nhập nhoè, xon xót. Nhưng nước tràn xuống miệng vẫn cho ta vị ngọt mát từng giọt mưa. Chợt nhớ nơi này xưa từng nằm giữa vùng quân Mỹ gọi là tam giác sắt, nghĩa là vùng có sức chống chọi cứng rắn như là sắt thép. Bên kia sông là Bến Cát, phía Nam là Củ Chi. Với chính miền đất của Trảng Bàng này đây, là 3 mũi của tam giác sắt kiên cường ấy. Nằm bên phía Tây con đường này là Căn cứ Bời Lời của cách mạng Tây Ninh, và cả của một số cơ quan lãnh đạo cách mạng Sài Gòn Gia Ðịnh suốt hai thời kháng chiến. Chỉ với một trận thắng ở ấp Bùng Binh thời chống Pháp, mà người chiến sĩ Trần Vạn An năm xưa đã viết nên bài ca Chiến thắng Bùng Binh, là nhạc hiệu của Ðài Phát thanh Tây Ninh đến nay vẫn phát. Biết bao chiến công của miền tam giác sắt- Ðôn Thuận, Trảng Bàng này là cả một bản trường ca bất khuất. Sau hơn 40 năm, miền đất này đã trở lại biếc xanh với lúa, đậu, cao su và cả rừng Bời Lời đang được tái sinh. Nhưng vẫn còn một con đường khấp khểnh dưới mưa. Con đường ấy là ÐT 789 xuyên dọc giữa vùng tam giác sắt.

NGUYỄN

 

 

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục