Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tôi lỡ mê cái màu vàng lúa chín, cả mê mùi khói đốt đồng mà tìm về các cánh đồng lúa ven sông vào vụ gặt. Nhớ mùa gặt đầu tiên tôi chứng kiến cũng đã hơn 20 năm trước.
Thế là tôi đã ở ngay giữa cánh đồng Sẩm Nổi của xã An Bình vào vụ gặt lúa Đông Xuân. Đấy là chiều thứ năm, 26.3.2020. Chà! Nếu đợi đúng ngày hẹn với mấy bạn trẻ nông dân vài tuần trước thì đã lỡ làng, vì vào giữa tháng các bạn ấy nói chắc như đinh đóng cột, rằng sẽ gặt vào cuối tháng 3, hoặc muộn lắm thì sang đầu tháng 4.
Vậy mà… chắc là do nắng quá nên lúa đồng chín sớm. Từng ngọn bông cứ vắt cong sây mẩy hạt nâu vàng. May mà có sự liên hệ với cán bộ nông nghiệp xã nên còn ra kịp. Mà lúc này thì cánh đồng Sẩm Nổi cũng đã gặt được quá nửa rồi. Đó đây khói đốt đồng nghi ngút.
Tôi gặp hai bác trung niên đứng dưới căn lều tạm che đệm, lá sơ sài làm nơi tránh nắng. Những chồng bao lúa căng tròn đã chất đầy chung quanh. Một bác hớn hở khi tôi hỏi về năng suất. Bác bảo: “Từ ngày An Bình đạt xã nông thôn mới thì nông dân đã sống khá lên nhiều lắm. Lúa Đông Xuân năm nay vừa trúng giá, lại trúng mùa…”.
Hỏi cụ thể hơn, kết quả là khoảng 35 giạ lúa/công, chừng 7 tấn rưỡi một ha. Còn giá cả? Mua ngay tại ruộng cũng hơn 5 triệu đồng/tấn. Mỗi ha lúa có thể thu về gần bốn chục triệu đồng. Chỉ thế thôi là nông dân sống được!
Tôi lỡ mê cái màu vàng lúa chín, cả mê mùi khói đốt đồng mà tìm về các cánh đồng lúa ven sông vào vụ gặt. Nhớ mùa gặt đầu tiên tôi chứng kiến cũng đã hơn 20 năm trước. Đấy là vào thập niên 90 của thế kỷ trước, cánh đồng ngay ở Thanh Điền kề bên TP. Tây Ninh.
Thời ấy quả thật mùa gặt rất vui, nón trắng lấp loá trên đồng. Người đông, có đến vài ba chục tấm lưng thon, cũng cong vắt như một bông lúa chín. Toàn các cô thôn nữ hoặc các chị trung niên luôn miệng cười, hoặc chuyện trò vui như rang bắp. Họ cứ tay liềm, tay hái luôn tay. Hết khoảnh ruộng này lại sang khoảnh khác. Thỉnh thoảng mới có cô đứng lên tay gạt mồ hôi trên khuôn má đỏ bừng…
Độ hơn 10 năm nay thì những hình ảnh người gặt đông kiểu tập đoàn như thế hầu như biến mất. Quả là có một cuộc cách mạng đã diễn ra trên các cánh đồng. Khi mà cơ giới hoá tiến sâu vào từng thửa ruộng. Ra đồng chỉ còn gặp toàn trai tráng với đàn ông.
Vậy nên cả một cánh đồng Sẩm Nổi 200 ha thành ra quạnh vắng. Chỉ có niềm vui khấp khởi trong lòng mấy bác nông dân. Trời chiều âm u đầy mây nên bớt nắng. Nhìn ra góc rất xa về phía Nam mới thấy hai chiếc máy gặt đập liên hợp vẫn đang cần mẫn, chạy lui cui trên những vệt lúa vàng ươm. Phía trong này, nhiều thửa ruộng chỉ còn trơ gốc rạ.
Thấy một anh bạn trẻ đang lấy cây xới xới, tung lên rơm rạ. Ý chắc là chàng ta đang chuẩn bị đốt đồng. Tôi giục anh đốt đi! Anh bảo chưa được, phải xới tung lên phơi hai nắng nữa thì mới đốt. Thấy ở phía gần bến phà, lương vương màu khói trắng. Vội chạy ra phía ấy thì quả nhiên thấy nhiều đám lửa đang lem lém, bập bùng trong gió.
Đến gần mới thấy, ngay cả bầy chim én cũng ghiền, cũng mê vị khói đốt đồng. Chúng chấp chới, ngả nghiêng bay lại, bay qua như nghịch đùa với khói. Nhìn chúng mà nhớ lại tuổi thơ xưa mùa gặt lúa trên đồng (chỉ còn trong truyện thôi, nay không thấy nữa).
Trẻ em thường theo mẹ cha ra ruộng. Người lớn gặt thì chúng hoặc mót lúa hay chơi trận giả. Chơi chán thì tụm lại bên nhau, nướng bắp nướng khoai hoặc những con muỗm béo vàng vừa bắt được. Vậy mà nay trên đồng Sẩm Nổi tuyệt không thấy bóng trẻ em. Nhưng khói đốt đồng thì vẫn mênh mông, trắng xoá mé bờ sông. Có chỗ lại cuồn cuộn bốc cao như một cơn lốc xám.
Ngay trên những đám lửa cháy như reo mới là màu khói lam phơ phất theo chiều gió. Khói còn âm ỉ trắng trên những đám ruộng chỉ còn lại tàn tro đen tựa mực tàu. Nhưng kìa, ngay bên thửa ruộng còn lốp xốp rạ rơm chưa kịp đốt, cánh đồng sát với Sẩm Nổi (cái gò duy nhất nổi giữa đồng) đã lại là vụ lúa tiếp theo với màu xanh non tràn trề hy vọng.
Người ta đã kịp cày bừa, dẫn nước vào đồng cho vụ lúa Hè Thu. Thế là người nông dân An Bình, còn chưa kịp dồn nén niềm vui bừng bừng giữa rơm rạ mùa gặt hái, đã lại thắp lên hy vọng vụ mùa sau.
Từ vài năm nay, người An Bình cũng không đốt hết rạ rơm, mà còn thu về làm thức ăn dự trữ cho bò hoặc bán cho người trồng nấm. Vẫn có những chiếc xe máy cần mẫn, chở đầy rơm khô đã cuộn lại. Rơm ấy đem về xếp đầy trước sân nhà, sực nức mùi hương.
Thế là hy vọng tìm lại hình ảnh những mùa gặt đông vui trong ký ức đã không còn trong buổi chiều hôm ấy. Nhưng bù lại là một quang cảnh khác, khi tôi trở lại cánh đồng vào sáng 28.3. Một ngày nắng sớm, vơ vẩn mây trắng trời xanh trên cánh đồng vàng.
Bữa ấy, ra sớm vì tưởng nông dân vẫn còn “thức khuya dậy sớm” như xưa, ai ngờ, các bác ấy cậy có cơ giới hoá nên còn ung dung chán! Đến hơn 8 giờ mới thấy vài chiếc xe máy cày chở ku-bo-ta chạy nhong nhong trên con đường nhựa xuyên ấp Thanh Bình ra ruộng.
Xe dừng ở quán cà phê nơi góc ngã ba đường đón thêm vài công thợ còn ăn sáng hoặc cà phê. Ku-bo-ta xuống đồng sớm nhất là của nhà ông Sáu Tằm thuê. Ông có một ha lúa ruộng thật đẹp. Từng bông lúa vút cong trĩu xuống, hạt mẩy căng sầm sẫm nâu vàng. Còn lá lúa đã ngả màu rơm, bắt nắng vàng ươm trên cánh đồng vun đầy như trải thảm.
Chiếc ku-bo-ta bánh xích băng băng qua những khoảng ruộng đã đốt thẫm đen, hăm hở ùa vào thảm lúa mênh mông. Đầu máy chúc xuống, sục vào đám lúa ven bờ, cái guồng quay đã vơ lấy gọn gàng từng đám, vít vào trục lưỡi gặt xoay tròn. Hai anh thợ phụ ngồi sau đã mở miệng bao, đón dòng hạt lúa ào ào đổ xuống. Các anh, một lái chính và hai thợ phụ, thân thể trùm áo khăn, khẩu trang kín mít, thoăn thoắt luôn tay và quăng xuống từng bao lúa đã đầy căng.
Ông Sáu chẳng phải động tay chân, mà chỉ đứng trông. Ông bảo, vụ này trúng, chắc phải gần 40 giạ một công. Đã chuẩn bị 165 vỏ bao đựng thóc, nhưng e còn thiếu. Ruộng này là của “ông già” để lại, chia cho mỗi anh em một ha. Chia vui cùng với ông Sáu là bầy chim én đã tụ về tíu tít bay. Máy gặt chạy tới đâu là chúng nhào tới đấy. Ông Sáu cười vui, bảo: - chúng cũng kiếm ăn thôi. Bởi rơm rạ tuốt bay ra cùng vô số những con rầy, loại mồi ưa thích của loài chim én.
Chia tay với ông Sáu, tôi chạy lại phía đầu cánh đồng, nơi vừa có cả một cặp máy ku-bo-ta vừa xuống ruộng. Ở đây có thêm vài chiếc máy cày, kéo theo những xe cù chở thóc. Vậy nên không khí càng tất bật và nhộn nhịp hơn. Lúa ở đây không đẹp như lúa nhà ông Sáu Tằm, bởi có loại “lúa ma” lẫn vào chen lấn. Chúng có màu hung đỏ và cao vượt hơn giống lúa gieo trồng.
Nhưng có lẽ không hề hấn gì cho lắm, bởi lúa ma chỉ có trên từng khoảnh nhỏ ven đường. Tại đây không khí như rộn ràng khẩn trương hơn, nhờ có vẻ làm ăn tập thể. Dù cái tập thể này cũng chỉ chừng trên dưới mươi người. Những xe máy cày vừa chở máy từ xóm ấp đi ra, lại biến thành những chiếc xe cù băng băng lội ruộng.
Vui như thế nên chim én về cũng đông đúc rộn ràng hơn. Tiếng máy nổ râm ran. Từng đám bụi cùng với rạ rơm sực nức mùi hương lúa chín. Cánh én bay chao lượn, chung chiêng. Tôi vẫn có cảm giác rằng bầy chim theo máy và người để vui là chính. Không thế thì làm sao anh thợ lái máy trùm áo khăn kín mít lại có thể làm việc liên tục hàng giờ đồng hồ dưới cái nắng chang chang.
Ngày 28.3, chính là ngày Chính phủ ban hành lệnh cấm toàn bộ các cuộc hội họp, hàng quán, dịch vụ… tập trung trên 10 người vì phòng ngừa dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, tại vài quán cà phê, bán đồ ăn ăn sáng đã thấy cán bộ xã cầm loa đến nhắc nhở mọi người. Cuộc chống dịch như chống giặc đang vào độ quyết liệt nhất.
Nhiều ngành kinh tế cũng như việc làm ăn, buôn bán, dịch vụ… bị ảnh hưởng. Nhưng với mùa gặt lúa Đông Xuân, dường như chẳng bị ảnh hưởng chút nào. Đồng ruộng thì mênh mông, dào dạt nắng gió sông Vàm Cỏ Đông. Cơ giới hoá đã thay thế hầu hết các công việc nặng nhọc nhất của nông dân. Ba người với một chiếc máy ku- bo- ta, mỗi ngày gặt được chừng 5 ha lúa, thay thế cho hàng chục, hàng trăm lao động.
Cũng đã không còn những cảnh vui vẻ như trong thơ Tố Hữu: “Dân có ruộng dập dìu hợp tác/ Lúa mượt đồng ấm áp làng quê/ Chiêm mùa, cờ đỏ ven đê/ Sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn”. Nghĩa là không còn cảnh “dập dìu hợp tác”, cũng không còn cảnh trống dong, cờ mở mỗi khi mùa gặt. Nhưng thật ra là vẫn còn nguyên vẹn đấy, thưa quý bạn! Vẫn có niềm vui như trống giục, như cờ bay trong mỗi trái tim người.
Tôi vẫn còn đây một băn khoăn. Qua khảo sát ở vài nơi, tôi thấy đa số vẫn là thương lái miền Tây lên mua lúa. Dường như Tây Ninh vẫn còn một công đoạn bị bỏ trống- công đoạn gia công chế biến để hạt lúa trở thành hạt gạo. Vì thế người nông dân An Bình, cũng như ở nhiều nơi khác vẫn còn thiếu một niềm vui. Là được mở vung nồi cơm nồng nàn hương gạo mới. Cái mùi thơm mà ai từ cánh đồng ra đi cũng sẽ còn nhớ mãi. Cái mùi thơm ngào ngọt và đầm ấm, cứ bừng lên trong ký ức ta khi trước mắt là một cánh đồng vàng.
Ghi chép: N.Q.V