Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tản văn
Mùa hè của tôi.
Thứ hai: 14:43 ngày 31/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cuối tháng năm, phượng vĩ thi nhau khoe sắc hoa đỏ rực, ve sầu ra rả suốt ngày, nhắc bọn trẻ mùa hè lại đến. Tiếng ve "gào thét" đinh tai nhức óc, nhưng mà lũ trẻ vẫn thích. Bởi mùa hè được nghỉ ở nhà, có đứa học trò nào mà không khoái.

Tuỳ theo hoàn cảnh, điều kiện gia đình, tuỳ theo nơi ở mà trẻ em vui chơi trong mùa hè theo những cách khác nhau. Trẻ ở thị thành, muốn được về đồng quê đổi gió, ngắm đồng ruộng lúa xanh, gió thổi rì rào, hay đá cá, đá dế, câu cá, hái hoa…

Ngược lại, trẻ nơi ruộng đồng thì mong được cha mẹ đưa ra thành thị, nhìn phố xá, xe cộ, vào siêu thị, ghé công viên… Riêng anh em tôi thì khác thiên hạ, dù sống nông thôn, nhưng mong cho đến mùa hè để có nhiều thời gian ra đồng ruộng. Chúng tôi ra đồng ruộng không phải vui đùa theo ý thích, mà để lao động phụ ba kiếm sống.

Mùa hè của trẻ em vùng nông thôn, miền sông nước (ảnh minh hoạ)

Mẹ tôi mất rất sớm, nhà tôi nghèo lắm! Một mình ba lao động cật lực để nuôi bà nội già và ba anh chị em côi cút chúng tôi. Ngoài làm thuê đủ thứ việc, ba tôi còn mướn gần một mẫu ruộng lầy để cấy lúa (mướn ruộng sản xuất rồi đong lúa mướn cho chủ ruộng).

Ruộng lầy là những đám ruộng ven sông rạch, quanh năm lắp xắp nước, trâu bò bước xuống bị lún rất sâu, nên không thể cày, bừa được. Ðể dọn sạch ruộng, cấy được lúa, nông dân dùng phảng chặt năn, phát cỏ, phát rạ…

Sau đó gom cho thật sạch, mới cấy lúa được. Làm ruộng lầy rất cực. Một mình ba mà dọn hết gần một mẫu quả là quá gian nan. Từ khi còn ở độ tuổi mới vào học cấp hai là anh em tôi đã ý thức và tự nguyện theo ba làm ruộng, trong những ngày tháng nghỉ hè.

Tháng đầu mùa hè, ngày nào anh em tôi cũng dậy sớm, ăn vài chén cơm nguội, rồi cùng ba ra ruộng. Ba đi trước, tay cầm cái phảng, vai vác cái cuốc tai tượng (cuốc có lưỡi bén và bự như lỗ tai voi- để cuốc đất đắp bờ ruộng). Anh tôi, một tay cầm cây dầm (để chèo ghe), tay cầm phảng (phảng của anh nhỏ hơn của ba).

Còn tôi, tay cầm nơm, vai quảy cái đụt… Ba cha con thẳng tiến xuống bến, bơi (chèo) xuồng qua rạch, đến ruộng. Ðến ruộng, ba và anh tôi xuống ruộng quơ phảng chặt năn, phát cỏ, hoặc cuốc đất đắp bờ… Tôi xách nơm đến những đám ruộng người ta đã dọn sạch sẽ, chờ ngày cấy lúa, lội xuống bắt cá mà.

Hồi đó sông rạch, đồng ruộng quê tôi có nhiều cá đồng lắm. Mưa xuống, cá từ sông rạch lên ruộng sinh sống. Ở những đám ruộng dọn sạch, nước dưới ruộng (nước trời mưa) trong veo. Cá không có chổ ẩn nấp, nên vùi mình dưới bùn mà trốn, gọi là cá nằm mà.

Chỗ cá nằm, nó quậy đục nước, nhìn là biết liền. Những người đi bắt cá mà (như tôi) chỉ cần úp nơm xuống chỗ cá nằm mà, nhận nơm sâu xuống bùn rồi thò tay vô nơm mò bắt cá. Cá làm mà nhiều nhất là cá tràu, cá trê và cá rô.

Tôi quần bắt cá mà một chập, được một mớ trong đụt, thì quay trở lại ruộng nhà gom năn, cỏ, rạ, rong rêu… (mà ba và anh tôi đã phát trước đó vài ngày) thành từng đống nhỏ, đẩy vô bờ (gọi chung là đẩy rạ), rồi hốt chất lên bờ ruộng.

Lao động cật lực, cho đến trưa, ba cha con về nhà. Khi trở về nhà, dụng cụ cầm tay của ai nấy cầm như lúc đi. Tôi cũng cầm nơm, quảy đụt như lúc đi. Nhưng có một cái khác đáng kể là trong đụt tôi khi về có một mớ cá nằng nặng.

Mớ cá này góp phần rất đáng kể trong bữa cơm trưa và chiều cho gia đình tôi. Cơm trưa xong, nằm nghỉ ngơi một tý, ba cha con tôi lại ra ruộng buổi chiều. Công việc ngoài đồng vào buổi chiều đối với anh em tôi hoàn toàn khác buổi sáng.

Buổi chiều, anh em tôi quảy bội (đương bằng tre, trúc) đi cắt cỏ. Hồi đó, nhà tôi có nuôi hai con bò cái sinh sản. Do không có đất nuôi cỏ, nên hằng ngày anh em tôi phải quảy gánh đi cắt cỏ dạo khắp các cánh đồng.

Gần trọn tháng đầu mùa nghỉ hè, anh em tôi phụ ba dọn ruộng, rồi nhổ mạ, cấy lúa. Ðể không tốn lúa đong cho công nhổ mạ, cấy lúa, sau khi dọn ruộng sạch ba cha con tôi nhổ mạ cấy lúa. Ngày nay cấy không rồi, thì ngày mai, ngày mốt cấy tiếp... Khi ruộng nhà cấy xong, ba tôi nhận dọn ruộng, nhổ mạ, cấy lúa mướn cho các chủ ruộng khác.

Còn anh em tôi buổi sáng đi cắt cỏ, buổi chiều đi chăm sóc lúa, hoặc cắm câu, săn chuột, hái rau sông, nhổ rau hẹ, bông súng… cải thiện bữa ăn hằng ngày. Hết mùa hè, vào năm học mới chúng tôi lại cùng bao nhiêu trẻ em khác cắp sách đến trường. Khi đi học, anh em tôi tranh thủ đi học một buồi, buổi còn lại phụ ba đi cắt cỏ nuôi bò. “Vui chơi, giải trí” trong ba tháng nghỉ hè quý giá, suốt những năm học cấp hai và cấp ba của anh em tôi là thế đó.

Vừa đi học, vừa lao động phụ ba kiếm sống, anh em tôi cố gắng học xong cấp ba, rồi theo ngành sư phạm, trở thành những thầy giáo trường làng. Lương giáo viên trường làng chẳng là bao, nhưng cũng đủ cho anh em tôi sống “nhàn” hơn đời cha mình rất nhiều.

Chúng tôi không phải đi làm mướn, làm thuê đủ thứ việc, hay mướn ruộng lầy làm để nuôi con như ba tôi nữa. Các con của tôi và của anh tôi được vui chơi thoải mái trong những tháng mùa hè, không phải trầm mình dưới bùn sình dọn ruộng, bắt cá, cắt cỏ, săn chuột, hái rau… như anh em tôi hồi còn nhỏ.

T.L

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục