HTML clipboard
 |
Bào vỏ mì |
Với nhiều bạn nhỏ thành thị, mùa hè là thời gian
tuyệt vời nhất để đi bơi, đi học võ, học thể dục nhịp điệu, học vẽ…. Đó là chưa
kể biết bao nhiêu đứa trẻ khác “dính” chặt vào chiếc màn hình vi tính của dịch
vụ internet với bao trò chơi điện tử đầy hấp lực với không biết bao nhiêu tiền
bạc của gia đình bị chúng “nướng” chẳng thương tiếc.
Còn với trẻ em nông thôn, mùa hè lại là mùa…
kiếm tiền. Không chỉ để giúp gia đình mà còn để mua sách vở, quần áo cho mình để
chuẩn bị năm họ mới.
Hai thằng tuổi chừng mười, mười hai ì ạch khiêng
bó nhánh trúc bỏ lên xe, mồ hôi chảy dài thành vệt trên gương mặt bé thơ trong
cái nắng trưa gay gắt. Quẹt nhanh giọt mồ hôi chực tràn vào mắt, thằng bé cao
gầy nói: “Con tên Tuấn, còn em con tên Tú. Hai anh em đi kiếm nhánh trúc về cho
mẹ cắt ra. Cứ cắt xong còn tươi xanh là bán mỗi ký ba ngàn hai. Nếu ngày nào hai
anh em kiếm được nhiều thì mẹ cắt nhiều, có khi ngày được ba chục ký!”. “Nhưng
hai anh em nhỏ như vầy, đi không sợ… rắn à?”. “Sao dì nói xui vậy? Sợ thì sợ
nhưng không đi làm sao có tiền? Mẹ con nói bây giờ giá cả cái gì cũng leo thang
như diều gặp gió, hè mà không đi kiếm tiền phụ ba mẹ thì mai mốt vô năm học chắc
phải có đứa bị nghỉ!”. Bé Tú hồ hởi. “Con không chịu nghỉ học đâu! Đi học có bạn
vui lắm, vui nhất là được cô cho điểm mười, về được mẹ thưởng cái bánh cam!”.
“Nhà hai con ở đâu?”. “Xa lắm, dì hổng biết biết đâu. Ở Cẩm Giang í, từ đường
dầu quẹo vô đường đất đỏ rồi đi hướng bờ kinh…”. “Thường hai anh em đi kiếm
nhánh trúc ở đâu?”. “Đâu có thì đi hà dì! Có khi đi tới cầu Bà Mai, Cầu Sắt, Cầu
Khởi… Nhưng phải để ý, chỗ này hôm trước mình đi rồi thì hôm sau đừng đi nữa,
phải để chừng chục ngày sau…”.
Còn với các em Tí, Lan, Hậu, Hùng từ mười đến
mười lăm tuổi chuyên mót mì thì công việc có vẻ “dễ ăn” hơn. Các em đi thành
nhóm, một chiếc xe đạp trành, cái bao diêm và cây cuốc nhỏ. Như vậy xem như đã
đủ “đồ nghề”. Không cần phải chú ý khu vực mình đã đi qua và phải “để chừng chục
ngày sau” như anh em Tuấn. Đội quân mót mì khi đi bán mì ở lò sẽ nghe ngóng xem
các chú lái bàn nhau ngày mai nhổ mì ở đâu, để rồi “phăng” theo thế là kiếm được
tiền! Lúc cao giá nhất một ký mì bán được 1.100 đồng/ký. “Buổi em mót được mười
lăm ký là bộn rồi đó chị! Mỗi lần như vậy mẹ cho em năm ngàn để dành mua sách
vở. Cả tháng nay em để dành gần hai trăm ngàn đó!”. Cô bé tên Lan da đen nhẻm,
tóc vàng hoe màu nắng tươi cười khoe.
Nhưng đừng tưởng công việc như vậy là “thuận
buồm xuôi gió”, dân mót mì cũng có “luật” rất đàng hoàng: hễ tới đám đất này mà
thấy đã có “đồng nghiệp” rồi thì phải đi tìm đám khác chứ không được nhào vô
“xâm canh”. Có ngày xui, đi cả mấy đám nhưng không kiếm được ký nào!
Cắt nhánh trúc, mót mì, tỉa nhãn, giẫy cỏ… là
những công việc ngoài đồng không mấy nhẹ nhàng với tuổi nhỏ. Nhưng vì nhà nghèo
nên các em vẫn phải làm, “Làm mệt thì nghỉ, nghỉ hết mệt lại làm chứ ở không thì
lấy tiền đâu hả chị?”. Đó là lời của hai công nhân tí hon làm công việc bào vỏ
mì ở một lò mì thuộc xã Trường Đông (Hoà Thành).
“Tụi em làm ở lò mì cũng… sướng, mười giờ mì mới
về, vậy nên sáng được đi chơi một chút. Về ăn cơm thật no, phải ráng ăn cho no
tới ba, bốn giờ chiều nghen! Rồi vô làm. Bào vỏ mì tính theo tấn, bốn mẹ con em
cùng làm, ngày cũng được gần trăm ngàn. Mỗi ngày mẹ cho hai anh em mười ngàn để
dành mua sách vở, quần áo cho năm học mới. Mẹ nói mùa hè vầy thì đỡ chứ khi tựu
trường thì chưa biết làm sao…”- thằng nhóc tên Hà tuổi 14, nói như bắp rang
trong khi tay luôn xoèn xoẹt bào vỏ mì. “Còn em thì chỉ ham mùa hè dài nữa, càng
dài càng tốt để em có thời gian đi bào mì kiếm tiền phụ mẹ, mẹ em bị đau khớp
mà, cứ làm một chút là đau lắm. Vậy mà mẹ cũng phải đi làm. Em ước mình lớn thật
nhanh để vác bột, khiêng mì mấy công việc đó có tiền nhiều hơn bào vỏ mì dữ
lắm!”. Một chú nhóc tên Tiền tuổi mười sáu nhưng dáng dấp chỉ như trẻ mười ba
hồn nhiên bảo:
Ngày hè đối với trẻ em nghèo là như vậy. Nhìn
những gương mặt thơ ngây lấm lem bụi đất và nắng gió mà không khỏi cảm thương.
LAM PHƯƠNG