Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nằm trên dãy Hymalaya với độ cao trung bình khoảng 4.900m, Tây Tạng được xem là “nóc nhà của thế giới” với những ngọn núi cao sừng sững phủ băng tuyết quanh năm.

![]() |
Linh vật ở đây chính là con bò núi - Yak, phục vụ dân Tây Tạng tất cả những gì mà nó có. Người ta dùng bò Yak làm phương tiện chuyên chở, khai thác sữa, bơ, thịt để ăn và để thắp đèn, bộ lông mềm ấm thì làm áo, khăn choàng, da làm giày, ngay cả phân bò cũng được phơi khô trộn với cỏ làm chất đốt hoặc trộn cùng đất trên vách nhà che chở cho con người trong tiết trời giá lạnh.
![]() |
Bên cạnh những trải nghiệm về đời sống kiên cường và huyền bí Tây Tạng, du khách còn được chiêm ngưỡng nhiều di tích tâm linh. Càng đi, càng thấm thía triết lý sống của người dân ở đây: xem nhẹ “văn minh vật chất”, chú trọng vun đắp cho cuộc sống tâm linh, tinh thần.
Những điểm đến không nên bỏ qua
Thủ phủ của Tây Tạng là Lhasa - “thánh địa của Phật giáo”- nên đâu đâu cũng có những ngôi chùa cổ kính. Người Tây Tạng giải thích rằng Lhasa là “đất bùn của dê”, bởi từ xa xưa, thành phố được xây dựng trên đất bùn do các chú dê vận chuyển đến. Lhasa là một di sản văn hoá nổi tiếng thế giới được xây dựng từ khoảng năm 637 trên một ngọn đồi có tên là Mabuge.
![]() |
Ngoài nét kiến trúc độc đáo, đến đây, bạn còn có dịp khám phá cảnh thiên nhiên hùng vĩ của đèo Gangbala, cao 4.800m, tham quan Dương Hồ và Đại Cầu Khúc Thuỷ - một trong ba cây cầu nổi tiếng bắc qua sông Yarlung Lumg Tsangpo.
Tây Tạng còn nổi tiếng với chùa Đại Chiêu (Jokhang) được xây dựng từ năm 693, nằm ngay tại trung tâm thành phố Lhasa có khu vườn rộng 25.000m2 và 370 phòng. Đây vừa là ngôi chùa cổ, vừa là tu viện nổi tiếng của Phật giáo Tây Tạng. Chùa Đại Chiêu đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, và là điểm hành hương thiêng liêng của các tín đồ Phật giáo khi đến với Tây Tạng.
![]() |
Ngược 8km về phía Tây thành phố Lhasa là Thiền viện Drepung do các đệ tử của Tông Khách Ba (Tsong-Kha- Pa) - nhà cải cách tôn giáo lớn nhất trong lịch sử Tây Tạng - xây dựng lớn bằng cả ngôi làng, lúc cao điểm có đến 10.000 tăng sĩ từ các miền đến đây để học tập.
![]() |
Sẽ thiếu sót nếu du khách là phật tử hành hương Tây Tạng mà không ghé đến tu viện Dzongchen, một trong 6 tu viện lớn theo truyền thống Phật giáo nguyên thuỷ ở Tây Tạng. Có thể coi Dzongchen là một “cõi Phật” thuần khiết. Ngoài quần thể chùa có hàng trăm sư tụ họp, du khách còn gặp những “ngôi nhà” ở ẩn của các tu sĩ theo dòng tu này. Đến đây, phật tử khắp thế giới được tham quan, sống trong không gian đậm màu thiền tịnh, nếu có cơ may sẽ được tiếp kiến đức Đạt Lai Lạt Ma tại vị...
![]() |
Có thể nói, Phật giáo là nền tảng cơ bản của người Tây Tạng. Hình ảnh những ngôi chùa, những vị tăng trong màu áo nâu được nhìn thấy khắp nơi trên vùng thảo nguyên đầy gió và cát, cùng những điều huyền bí. Đến với Tây Tạng không chỉ là chặng đường hành hương về đất Phật mà còn là khoảnh khắc chiêm nghiệm bản thân, gột sạch những vướng bận trong lòng…
Theo thethaovietnam