Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mùa hè và mối lo tai nạn thương tích ở trẻ
Thứ hai: 09:27 ngày 03/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp nghỉ hè, tai nạn thương tích ở trẻ lại gia tăng. Không chỉ gây nguy cơ tử vong, tai nạn thương tích còn để lại những hậu quả, di chứng nặng nề, biến trẻ thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Cần làm gì để có thể phòng tránh những chuyện đáng tiếc này cho trẻ?

Cần tổ chức các khóa tập bơi, chống đuối nước cho trẻ nhằm hạn chế tối đa tai nạn trong dịp hè.

Trăm kiểu tai nạn rình rập 

Dù mới bước vào hè, nhưng theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại một số bệnh viện, nhiều bệnh nhi bị tai nạn thương tích được đưa vào cấp cứu. Đơn cử, tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, các bác sĩ vừa tiến hành ca phẫu thuật gắp viên đạn súng hơi găm ở cánh tay phải của bé trai N.H.K. (5 tuổi ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Tai nạn hy hữu này xảy ra trong lúc K. đang chơi trốn tìm cùng bạn và vô tình trúng đạn súng hơi do người dân bắn chuột.

Sau 5 ngày được điều trị tích cực, sức khỏe của K. đã ổn định. “Đến giờ tôi vẫn chưa hoàn hồn. May mắn là viên đạn chỉ trúng vào tay, chứ lệch đi vào mắt, ngực…, thì không biết con tôi sẽ thế nào”, mẹ bé K. chia sẻ.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều tai nạn bất ngờ mà Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận trong dịp nghỉ hè. Bác sĩ Phạm Xuân Hưng, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, mùa hè học sinh nghỉ học, được tự do vui chơi và tai nạn thương tích gia tăng. Nếu người lớn không để ý, với sự hiếu động chưa lường hết được mọi sự nguy hiểm, trẻ dễ bị tai nạn thương tích như: Đuối nước, bỏng, trượt ngã, va quệt, điện giật, hóc dị vật…

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã cấp cứu, gắp đồng xu trong cổ họng kịp thời cho bé Lương Minh Đ. (5 tuổi) và bé Nguyễn Hải N.K. (3 tuổi) cùng sinh sống trên địa bàn quận Long Biên do nuốt đồng xu khi chơi đùa tại nhà. Theo bác sĩ Vũ Huy Hiền, Trưởng khoa Thăm dò chức năng (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang), trẻ bị hóc dị vật cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ xử lý kịp thời, dễ dàng kiểm soát các nguy cơ.

Còn tại Khoa Cấp cứu - Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) trung bình mỗi năm tiếp nhận khoảng 1.000-2.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Trong số đó, nhiều trường hợp thương tâm như: Bé trai 3 tuổi uống nhầm dầu hỏa, bé gái 8 tuổi bị đuối nước trong bồn tắm, bé trai 5 tuổi bị gấu cắn đứt 2 tay, hay do mải thả diều một bé trai ngã từ sân thượng (tầng 4) xuống dẫn đến tử vong… 

Bác sĩ Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Nhi trung ương cho rằng, trẻ bị tai nạn thương tích chủ yếu vẫn do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi. Mùa hè, khi trẻ không phải đến trường, nguy cơ này càng gia tăng. Đáng nói, ngoài việc có thể bị cướp đi tính mạng, trẻ còn bị thương tật suốt đời, mất đi khả năng học tập, lao động và để lại những tổn thương tâm lý nặng nề.

Trong số các tai nạn thương tích, đuối nước là một trong những tai nạn gây tử vong nhiều nhất ở nước ta, sau tai nạn giao thông. Mặc dù hồi chuông cảnh báo liên tục được gióng lên, song những ngày vừa qua, nhiều vụ tử vong do đuối nước liên tiếp xảy ra trên địa bàn cả nước. Gần đây nhất, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí) đã tiếp nhận một bệnh nhi (13 tuổi ở thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) khi đang chơi ở gần nhà không may bị ngã xuống hố nước sâu. 

Theo bác sĩ Lê Ngọc Duy, đuối nước thường xảy ra rất nhanh, nếu phát hiện muộn rất khó cứu hoặc cứu được cũng để lại di chứng ở não, hệ thần kinh hoặc sống đời sống thực vật. Không chỉ ở nơi có sông, ngòi, ao, hồ mà ngay cả những dụng cụ chứa nước trong gia đình như: Giếng, bể chứa nước, bồn tắm… cũng là những mối hiểm họa.

Xây dựng cộng đồng an toàn 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tai nạn thương tích trẻ em là vấn đề mang tính toàn cầu. Trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 900.000 trẻ tử vong do tai nạn thương tích, tương đương với gần 2.500 trẻ tử vong mỗi ngày và mỗi giờ có hơn 100 trẻ tử vong. Còn tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 8.000 trẻ tử vong vì tai nạn thương tích, trong đó phần lớn là do các tai nạn trong đời sống sinh hoạt thường ngày như: Bỏng, ngã, ngộ độc thuốc, đuối nước... 

 

Tổ chức nhiều hình thức hoạt động phong phú để trẻ em được vui chơi giải trí lành mạnh, phù hợp, an toàn trong dịp hè. Ảnh: Thái Bình

Việc đẩy mạnh xây dựng “Ngôi nhà an toàn” và “Cộng đồng an toàn” được xem là một trong những chiến lược phòng, chống tai nạn thương tích tại cộng đồng lâu dài và bền vững. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc xây dựng “Ngôi nhà an toàn” giúp các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ nhận biết được các mối hiểm họa, từ đó rà soát, liệt kê các yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích để có kế hoạch sắp xếp, sửa chữa, loại bỏ.

Ngoài việc dành thời gian quan tâm chăm sóc, quản lý con cái, mỗi gia đình cần cập nhật thêm kiến thức về sơ cấp cứu một số trường hợp tai nạn đơn giản, để có thể sơ cứu trước khi đưa trẻ đến cơ sở y tế. 

Ngoài ra, các ngành chức năng, địa phương cần tích cực triển khai chương trình phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ như: Tổ chức các khóa tập bơi, chống đuối nước; dạy kỹ năng sống; tạo sân chơi lành mạnh trong dịp hè cho trẻ…

Riêng vấn đề phòng, chống đuối nước, trên địa bàn thành phố đã tổ chức nhiều lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ. Cô Vũ Kim Phượng, giáo viên thể dục Trường Trung học cơ sở Ngọc Lâm (quận Long Biên) lưu ý, ngoài dạy bơi cho trẻ, cần giáo dục trẻ ý thức tự bảo vệ khi tham gia các hoạt động mạo hiểm, tập huấn các kỹ năng bơi và sơ cứu cơ bản trong trường hợp không có sự giúp đỡ của người lớn.

“Trẻ không những cần biết bơi, học kỹ năng tồn tại dưới nước, mà còn cần nắm được kỹ năng cứu đuối. Bởi, khá nhiều vụ đuối nước tập thể là do các em hoảng loạn cứu nhau không được, nên cùng bị chìm”, cô Vũ Kim Phượng nhấn mạnh.

Tại lễ phát động “Tháng hành động vì trẻ em năm 2019” vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định, bảo vệ, chăm sóc trẻ em là trách nhiệm của Nhà nước, cộng đồng và mỗi gia đình. Do đó, các địa phương phải bảo đảm kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Trong đó chỉ đạo lập danh sách bàn giao, tiếp nhận, quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại địa phương.

Ngoài ra, tổ chức nhiều hình thức hoạt động phong phú để trẻ em được vui chơi giải trí lành mạnh, phù hợp, an toàn. Cùng với đó, rà soát, bổ sung đầy đủ hệ thống biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn tại các ao, hồ, công trình đang xây dựng, các địa điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn thương tích cho trẻ em. 

Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý yêu cầu các quận, huyện, thị xã xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp những điểm vui chơi, cũng như bổ sung trang thiết bị vui chơi tại cộng đồng cho trẻ em...

Nguồn hanoimoi

Tin cùng chuyên mục