BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mùa hè xanh của tôi

Cập nhật ngày: 04/08/2017 - 23:57

BTN - Với nhiều bạn trẻ, tháng 7 là tháng của những hoạt động tình nguyện. Dịp này, tôi lại nhớ về một mùa hè xanh mà lần đầu tiên mình tham gia với các bạn cùng trường, cùng lớp.

Mùa hè năm 2004, khi ấy, tôi mới vừa học xong năm nhất, gác lại sau lưng lời hứa với một số bạn bè cùng ở lại làm thêm để lo học phí năm sau, tôi theo mấy đứa bạn thân trải nghiệm mùa hè xanh ở một vùng quê nghèo của đất nước. Nơi chúng tôi chọn đó là xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần, một trong những xã nghèo nhất của tỉnh Trà Vinh.

Trước khi đi, chúng tôi được đội trưởng và một số bậc “tiền bối” quán triệt tư tưởng về những hoạt động chủ yếu của chiến dịch, những khó khăn, vất vả có thể gặp để chuẩn bị sẵn tâm lý. Chúng tôi cũng được hướng dẫn đem theo những vật dụng cá nhân cần thiết như thuốc chống muỗi, đèn pin…

Thời đó, đời sống bà con nông thôn miền Tây còn nhiều khó khăn, đường đi đa số đều là đường đất, nhỏ hẹp, chỉ đủ cho 2 xe máy chạy, xe 4 chỗ trở lên khó đi được, huống chi xe 25 chỗ ngồi. Chúng tôi phải cuốc bộ từ đầu xã vào điểm đến. Một số bạn nữ được các bạn nam địa phương hoặc cán bộ xã tình nguyện chở bằng xe đạp, các bạn nam phải lội bộ mấy cây số mới đến nơi. Mệt, nhưng thấy bà con địa phương nhiệt tình, vui vẻ, các em nhỏ cũng ríu rít chào đón, chúng tôi vui hẳn lên, quên cả mệt nhọc.

Miền Tây có 2 thứ nổi tiếng mà chúng tôi thường gọi đùa là “đặc sản”, đó là muỗi và… cầu cá. Ban đêm muỗi ở đây đúng là “kêu như sáo thổi”, một phần chắc tại chúng tôi có mùi lạ, một phần đèn điện rất yếu, chỉ sáng hơn đèn dầu một chút nên muỗi tha hồ tấn công.

Ðứa nào cũng vừa trò chuyện vừa gãi liên tục, mặc dù đã bôi thuốc nhưng vẫn không hiệu quả. Sáng ra, đứa nào cũng “bông hoa” đầy người. Nhưng đó chỉ là những ngày đầu, những ngày sau, rút kinh nghiệm, đứa nào cũng mặc quần dài, loại vải dày và chắc bọn muỗi cũng quen mùi chúng tôi nên không tấn công nữa.

Chúng tôi đa số là dân tỉnh lẻ lên thành phố học, nhưng đứa thì ở Ðông Nam bộ, đứa ở Tây Nguyên, đứa miền Trung nên nhiều bạn chưa từng biết đến những cây cầu cá. Một số bạn ban đầu ngại, không dám đi, vừa sợ té, vừa cảm thấy mắc cỡ, có đứa khi cần giải quyết nhu cầu phải ráng nhịn, cả 2, 3 ngày mới dám đi một lần, có đứa đi phải rủ thêm một đứa nữa theo đứng canh chừng. Nhưng riết rồi quen, nhiều đứa lại đâm ra… thích cái không khí mát mẻ, thoải mái.

Các bạn nữ được phân công công việc nhẹ nhàng hơn các bạn nam, chủ yếu là dạy học cho các em nhỏ: đi tuyên truyền về phòng, chống sốt xuất huyết, vệ sinh môi trường, vận động đưa trẻ đi học đúng độ tuổi, ban đêm thì dạy xoá mù chữ, sinh hoạt văn nghệ.

Công việc chúng tôi tưởng đơn giản nhưng không dễ chút nào. Nhớ ngày đầu đi khảo sát học sinh và vận động các em học hè, tôi và đứa bạn mới vừa bước vô nhà, mới mở lời thì bị mấy anh trai địa phương trêu chọc: “Cho anh đi học nữa được không? Em có dạy người lớn không?”... Hai đứa mắc cỡ không dám nói gì, xin phép ra về luôn chưa kịp vận động các em. May là em đó cũng biết thông tin nên xin ba mẹ cho đi học.

Buổi tối, chúng tôi đi dạy kèm mấy em học yếu hoặc mù chữ. Vất vả nhất là khi trời mưa, đường vắng, trơn, 2 bên đường nhái, ếch kêu ỏm tỏi nghe não ruột, do không rành đường, chúng tôi vừa đi vừa hồi hộp, vừa sợ ma vừa sợ té. Tôi và nhỏ bạn đang mò mò đi thì nghe tiếng mấy em học sinh trong nhà chạy ra: “Cô ơi, cô đi đâu vậy? Ðể tụi con dẫn đường cô đi, sẵn học chung luôn”.

Nghe mấy em nói, chúng tôi như mở cờ trong bụng. Thế là tối nào mấy em cũng làm bạn đồng hành của chúng tôi. Mấy bữa dạy về sớm, các em rủ chúng tôi đi bắt đom đóm. Lâu rồi không thấy đom đóm, nghe nói là chúng tôi háo hức đi liền. Ðom đóm nhiều vô kể, chúng đậu trên các cây to trông như có đèn điện nhấp nháy, đẹp lung linh. Vậy là tối nào không mưa, hễ rảnh rỗi là chúng tôi lại kêu các em dẫn đi xem đom đóm.

“Cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân nên chúng tôi nhanh chóng hoà nhập với cuộc sống của bà con nơi đây, tình cảm với mấy em học sinh ngày càng thân thiết. Việc đến nhà các em chơi là chuyện thường tình, hết đứa này lại đến đứa kia rủ rê, không đi thì các em trách, giận.

Tôi nhớ có lần đến nhà của 2 chị em em nọ, em học lớp 6, chị lớp 7. Ăn cơm xong, thằng bé nói: “Cô ngồi chơi với chị, con đi cho cá ăn!”. Vốn tính ham vui nên tôi hí hửng: “Cho cô đi với, cô cũng thích cho cá ăn!”. Thằng nhỏ cười tủm tỉm: “Không được cô ơi!”. Thấy tôi ngơ ngác, chị hai nó giải thích: “Nó đi cho cá tra ăn đó cô!”, tôi mới vỡ lẽ.

Thứ bảy, chủ nhật không làm việc nhiều thì đó là lúc chúng tôi nhớ nhà nhất. Thời ấy, người dân còn khó khăn, không ai có điện thoại bàn, muốn điện thoại phải ra tận bưu điện xã, còn ở quê nhà, ba mẹ cũng không có điện thoại, trong xóm, nhà nào khá giả mới có nên mỗi lần muốn nghe điện thoại phải hẹn giờ để cùng nhau ra, khỏi phải chờ đợi, chạy đi kêu.

Rồi chiến dịch cũng sắp kết thúc, chuẩn bị chia tay, chúng tôi vừa vui vừa buồn, vui vì sắp về nhà, buồn vì sắp phải xa bà con nơi đây, xa các em học sinh ngây thơ, dễ mến. Người đi cũng buồn mà người ở cũng buồn. Bà con xóm làng cứ bịn rịn dặn dò, còn mấy đứa trẻ đứa nào cũng đưa sổ tay cho chúng tôi ghi địa chỉ trường, lớp để mai mốt viết thư, còn dặn phải trả lời thư, có đứa lặng lẽ ra góc sân ngồi khóc làm chúng tôi cũng muốn khóc theo.

Vậy mà mấy đứa viết thư thật, đứa nào cũng viết, dù có những lá thư rất ngắn, có những lá thư chữ không đọc được, có đứa còn trách sao cô viết thư trả lời cho bạn này mà không viết cho con, cô có nhớ con không…

Thời gian trôi qua, về lại trường, chúng tôi mải mê học hành, mải mê đi làm thêm… Còn bọn trẻ đứa thì nghỉ học, đứa chuyển trường nên những lá thư thưa dần và càng ngày càng mất liên lạc. Giờ đây, chắc có đứa đã là sinh viên hay đã có gia đình riêng, không biết các em ấy còn nhớ gì không, riêng tôi vẫn còn nhớ những lá thư các em đã gửi cho chúng tôi như nhớ một kỷ niệm đẹp của thời sinh viên, từng được tiếp xúc, được quen với những người dân quê chân chất, tình cảm, nhất là bọn trẻ vô cùng dễ thương.

T.Tr