Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bây giờ chẳng cần đi ngược đường nào thì phố Tây Ninh cũng đã phầm phập từng cơn gió mùa Đông Bắc. Được một cái là ban ngày thường đầy nắng. Nắng vàng ong chan chảy khắp nơi nơi, dù phố hay vườn.
Cũng bây giờ, người phương Nam gốc mới thật sự biết thế nào là gió mùa Đông. Ơi ngọn gió! Người tha hương thì nhớ, còn người “bổn xứ” thì thường thấy “ớn”. Lạnh chi mà lạnh dữ! Mới đầu tháng 12 mà có đêm một tấm chăn len chẳng đủ độ ấm để ru người vào giấc ngủ.
Đành tìm thêm chăn đệm gì đó đắp thêm mới được yên lòng. Lạ nhé! Độ mươi năm trước từ khi có dự báo gió mùa Đông Bắc; thì vài ngày sau gió mùa mới đôi chút ảnh hưởng đến miền Nam. Còn nay, nghe dự báo xong đêm trước, thì ngày sau có thể gió mùa đã chạy sầm sập tới tận Tây Ninh, Sài Gòn. Hay là do nhiều cánh rừng đã mất, nên gió cứ thênh thang mà phóng tới? Để hôm trước còn làm tuyết ở Pan-xi-păng, thì hôm sau đã hun hút thổi vòng quanh ngọn núi Bà Đen.
Coi vậy mà có nhiều lúc gió mùa Đông cũng làm vui lòng người phương Nam. Ấy là khi mùa lá rụng đã về trên phố. Nhớ thời xa vắng chưa xa, từng có tiểu thuyết hay: Mùa lá rụng trong vườn của nhà văn Ma Văn Kháng.
Mới chỉ trong một khu vườn nhỏ, lá rụng đã đủ để nhà văn viết nên một tác phẩm hay; thì cớ gì mà lá rụng trên phố lại không gợi trong lòng người biết bao nhiêu là chuyện. Trước mắt tôi, cũng như các cán bộ, công chức, công nhân đi làm về mỗi buổi chiều hôm là lá rụng chạy lao xao theo từng ngọn gió.
Chúng tụ lại, rồi lập tức tản ra, chạy ào ào theo từng bánh xe lăn, nghe như có tiếng reo cười trong gió. Chúng gợi cho chúng ta nhớ, mình đã từng là trẻ con, từng chạy đuổi, nô đùa… Trông thì vui thế, nhưng đấy lại là “vấn nạn” của các anh chị phụ trách công việc bảo vệ môi trường đô thị. Mỗi đêm về, họ lại mất bao công sức quét dọn, vun vào từng đống lá rồi chờ xe đến chở đi…
Bây giờ, cũng chỉ có những phố trồng cây dầu là còn cảnh xôn xao lá rụng trên đường. Như ở đường Nguyễn Chí Thanh hay Lê Lợi… Các phố còn lại, đa số đã được trồng các loại cây bốn mùa xanh, như giáng hương, sao, viết, bằng lăng hoặc hoa ban…
Chợt nhớ tới con đường phố lớn nhất của thành phố Tây Ninh. Là đường 30.4 hơn 10 năm về trước cũng toàn là cây có mùa rụng lá. Thoạt đầu là xà cừ, cứ đến mùa này là lá rơi lắc rắc như vàng rơi trên phố. Sau gần 40 năm sống, thân rễ chúng trở nên quá lớn làm hư hại cả kết cấu hạ tầng đô thị nên người ta đành chặt đi, chỉ để lại cây dầu.
Rồi sau đó “ngầm hoá” kỹ thuật hạ tầng, cây dầu cũng không đủ đất sống, người ta lại chuyển chúng đi nơi khác. Nay là giáng hương tuy ẻo lả nhưng lá bốn mùa xanh và còn chưa kịp lớn. Phố này đang thiếu vắng bóng cây, nói gì đến lá rụng mùa Đông.
Nói đến cây, cũng chớ quên cây bàng. Dọc các nẻo đường, tôi đã thấy trên những tán cây xoà rộng là lác đác những lá bàng đỏ thắm. Bàng phương Nam cũng đã nhiễm tính cách miền Nam. Cũng như cây dầu vậy! không có chuyện lá thi nhau rụng hết, chỉ trơ lại những thân cành khô khỏng như cây bàng mùa đông Hà Nội.
Dầu là cây bản địa, lá nào rụng thì rụng, lá còn lại vẫn xanh, nên hàng dầu trên phố vẫn bốn mùa xanh. Các kỹ sư lâm nghiệp xếp chúng vào họ Cây thường xanh. Hay là cây bàng đến sống ở phương Nam, cũng đã thích ứng để trở thành một cây thường xanh bản địa.
Nói đến thích ứng, thì không gì bằng giống cây hoa hoàng anh, mà mấy năm qua các hội, đoàn thể thường trồng trên khắp các phố, làng. Bạn đi đường thấy đó! Khi gió mùa Đông Bắc về, cũng là lúc mùa hoa hoàng anh nở rộ. Khắp tán cây sum suê rừng rực sắc vàng. Cứ như là hoa bức xạ thêm sắc nắng để phụ giúp thêm cho người ấm áp hơn trong giá rét mùa đông.
Thế là mùa lá rụng vẫn có nhiều cảnh sắc giúp con người thêm hy vọng. Con người cũng đang bình tĩnh chống chọi với dịch bệnh, thích ứng linh hoạt với tình hình mới. Vậy nên phố phường vẫn nhộn nhịp những vòng quay vui sống.
Những anh chị bán bánh mì nóng vẫn cưỡi xe đạp điện, phát loa rao: Ai bánh mì nóng đây, bánh mì đặc ruột đây! Các bạn shipper xuất hiện nhiều hơn, chở từng thùng hàng to bự chạy trên các phố. Người bán vé số rong đã có, nhưng thường rụt rè hơn, không xáp lại gần khách qua đường mời mọc như xưa. Chỉ có anh kẹo vũ kẹo kéo ở trước Trường Nguyễn Hiền là vẫn vắng khách mua. Các em vẫn đang học trực tuyến tại nhà. Anh ráng chờ thêm ít bữa!
Nhưng tôi nhớ nhất là một người phụ nữ bán vé số trên đường Khedol - Suối Đá mà tôi gặp tuần trước, khi gió mùa Đông đã ồ ập thổi về. Bà đứng co ro cạnh giàn mướp rất nhiều hoa vàng nở. Đường vắng, nhưng vẫn có người đi qua dừng lại để mua.
Bán xong, bà gập người lại cảm ơn. Khách qua đường gửi lại nụ cười và lời chào ấm áp. Ấm cả lòng người vô tình chứng kiến. Gió lạnh như đã đi đâu hết, chỉ còn lại niềm hy vọng như vừa được nắng thắp lên.
NGUYỄN