Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Mưa lớn, nhiều nơi bị ngập
Thứ bảy: 12:10 ngày 28/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những cơn mưa lớn trong thời gian qua đã khiến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh bị ngập. Nhiều hộ dân phải đặt mô-tơ bơm nước trong nhà ra sân. Một vài hộ dân khác đóng cửa, đi nơi khác ở. Chính quyền địa phương chuẩn bị 2 phương án cấp bách.

Xe mô tô vào ra hẻm số 67 bị nước ngập, chết máy.

Tất bật chống chọi với nước

Ngập nhiều nhất là ở khu vực cuối hẻm số 67, khu phố 2, phường 3, TP. Tây Ninh. Khu vực này thuộc địa danh Trảng Dài, có mặt bằng trũng thấp. Những năm trước, vào mùa mưa, nơi đây thường xuyên xảy ra ngập úng cục bộ. Những năm gần đây, đường giao thông ở khu vực này được Nhà nước đầu tư nâng cấp, mở rộng, đồng thời xây dựng hệ thống thoát nước đấu nối vào hệ thống thoát nước đường Cách Mạng Tháng Tám (CMT8). Vài năm nay, người dân ở đây không còn cảnh bì bõm trong nước mỗi khi mùa mưa đến. Thế nhưng, những ngày gần đây, xảy ra tình trạng bị gập cục bộ khi mưa lớn tại hẻm số 67 và một số hộ dân ở các đường, hẻm khác trên địa bàn phường 3.

Chiều 25.10, nhiều gia đình ở đây tất bật chống chọi với nước. Ở đoạn giữa hẻm số 67, một hộ dân đặt mô-tơ bơm nước từ trong nhà ra đường. Trong nền nhà, trong sân của hộ gia đình này nước ngập lênh láng. Vợ chồng chủ nhà không ngừng tay di dời các vật dụng như tủ lạnh, máy giặt, xe đạp, giày dép tránh bị hư hỏng.

Cách đó vài chục mét, một số người dân đang ở trọ xúm nhau tát nước trong khu nhà trọ ra ngoài đường. Một vài hộ dân khác xúc cát vào bao, đắp đê chắn ngang trước cổng để hạn chế nước tràn vào nhà. Một vài xe mô tô vào- ra khu vực này bị nước ngập, chết máy. Điều bất ngờ là các miệng cống của hẻm 67 không có tác dụng thoát nước mà ngược lại, dẫn nước từ nơi khác trào vào khu vực này. Vì vậy, mực nước ở đây ngày càng dâng cao, mặc dù buổi chiều cùng ngày không có xảy ra mưa lớn.

Vừa đắp xong mấy bao cát làm con đê trước cửa nhà, ông Hồ Văn Khuôn, chia sẻ: “Những năm gần đây, không xảy ra tình trạng ngập như thế này, nhưng không rõ hệ thống cống ở đây xây dựng thế nào mà không thoát nước. Mấy ngày nay mưa lớn, nước từ cống xì lên khu dân cư. Tôi yêu cầu chính quyền địa phương có phương án nạo vét đường cống, cho thoát nước để bà con đây dễ làm ăn, sinh sống”.

Bà Trần Thị Đào di dời đàn chó của gia đình lên giường cho đỡ ướt.

Ông Nguyễn Văn Thái, nhà ở cuối hẻm số 67 “bó tay” trước cảnh nhà mình bỗng biến thành ao. Theo lời ông Thái, mấy ngày trước nhà cửa còn khô ráo, ngủ một đêm sáng dậy, nước ngập lênh láng trong nhà. Ban đầu nước ngập vài xen-ti-mét, hiện nay nước ngập đến bắp vế.

Vợ chồng khiêng đồ đạc chất lên đầy giường, đầy tủ nhưng vẫn chưa hết. Còn chiếc máy giặt không còn chỗ chất, nên đành để dầm trong nước. Ông Thái phải kê vài tấm ván lên một hàng ghế để làm “cầu khỉ” đi từ nhà trước ra nhà sau. Phía sau nhà, ông nuôi một đàn gà, nước ngập suốt ngày đêm, chúng đứng chịu trận trên những cây xà ngang. Ngày nào cũng có vài con gà bị rớt xuống nước, bị chết vì lạnh.

Chỉ tay về con hẻm trước nhà, người đàn ông này cho biết: “Những năm trước nước không đến nỗi ngập như thế này. Từ khi làm đường đến nay, nước mưa từ hẻm số 61 và đường Phạm Văn Xuyên đổ xuống đây ngày càng nhiều”.

Theo ông Thái, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước ngập như hiện tại là do mưa to, lượng nước mưa nhiều, trong khi đó ống cống đường kính quá nhỏ nên không thoát kịp. Người dân này mong muốn: “Sau này, đề nghị ngành chức năng có biện pháp thông cống hoặc thay thế ống cống có đường kính lớn hơn, để thoát nước cho khu vực này được khô ráo”.

Đắp đê trước cổng để hạn chế nước tràn vào nhà.

Bà Trần Thị Đào, chuyên kiếm sống bằng nghề gói bánh tét, bánh ú đi bán dạo cho bà con trong xóm. Những ngày nay, nước ngập nền nhà, không còn chỗ để gói bánh, nấu bánh nên bà trở thành người thất nghiệp. Gia đình bà không có ruộng, vườn, không nguồn thu nhập nào khác.

Một mình bà phải bươn chải kiếm tiền nuôi đứa cháu ngoại còn nhỏ tuổi. “Nếu vài ngày nữa nước vẫn còn ngập, chắc tôi phải đi lãnh vé số về đi bán dạo kiếm sống chứ biết làm sao bây giờ?”- người đàn bà này cho biết. Bà Đào nói trong xóm có một số gia đình, vì không chịu nổi cảnh dầm chân trong nước nên đã khoá cửa nhà đi thuê nhà trọ hoặc dọn đồ đạc đến nhà người thân để ở tạm. 

Chuẩn bị phương án cấp bách

Không chỉ riêng ở hẻm số 67 mới xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ mà dọc hai bên đường 3.2, đường Phạm Văn Xuyên (đều thuộc phường 3. TP. Tây Ninh) cũng có nhiều gia đình bị ngập tương tự như thế. Một số hộ dân này dùng mô-tơ bơm nước ra đường để hy vọng cứu vãn tình thế. Trong khu vực này có một số quán cà phê, quán nhậu đều trong tình trạng ngưng hoạt động.

Hiện tượng nước từ nơi khác theo miệng cống trào vào khu vực hẻm số 67.

Chủ quán đờn ca tài tử (quán nhậu Cây Điều) chỉ chiếc mô-tơ trùm bao ni-lông bên lề đường cho hay, gia đình đã đặt máy bơm nước liên tục hơn 10 ngày liền. Hiện nay, nước ngập đầy quán, gia đình không còn chống chọi nữa nên đành buông xuôi. Chủ quán mở cửa rào cho chúng tôi xem, trong quán nước ngập gần tới mặt bàn, mặt ghế và ngập tới những chiếc võng.

Các dụng cụ chế biến thức ăn như nồi niêu, chén bát, thau chậu được chất hết lên mặt bàn. Một số vật dụng khác trôi bồng bềnh trong quán. Gần đó, một quán cà phê võng cũng trong tình trạng xếp bàn ghế lại. Những chiếc xe mô tô dựng trong sân đầy nước. Chủ quán buồn rầu vì chẳng biết đến khi nào nước mới rút cạn để buôn bán bình thường trở lại. 

Trao đổi với chúng tôi về tình hình ngập úng cục bộ trong phường, ông Lê Lam Điền- Phó Chủ tịch UBND phường 3 cho biết, những cơn mưa lớn nhiều ngày qua đã gây ngập cục bộ khoảng 100 hộ dân trong khu vực từ đường số 63 đến số 67 của phu phố 2, phường 3.

Trước đây, ngành chức năng đã đấu nối hệ thống thoát nước từ các đường này ra cống thoát nước của đường CMT8, nhưng do cao độ của các tuyến đường này thấp hơn so với đường CMT8 và lượng nước mưa trong những ngày qua quá lớn, khiến cho nước chảy ngược vào các tuyến đường bên trong.

Một số vật dụng của quán Cây Điều trôi nổi bồng bềnh trong nước.

Để cải thiện tình hình này, UBND phường có 2 giải pháp. Thứ nhất, chờ thực hiện dự án ngầm hoá hệ thống điện, cáp quang trên đường CMT8, sẽ điều chỉnh hệ thống cống dẫn nước của đường CMT8 về nhà máy xử lý nước của TP. Tây Ninh.

Mặt khác, sẽ đấu nối hệ thống thoát nước của các tuyến đường này vào hệ thống thoát nước của đường Lê Duẩn nối dài, từ đó sẽ giải quyết được lượng nước ở đây. Trong những ngày tới, có thể nước sẽ ngập nhiều hơn.

Để chuẩn bị đối phó với tình huống này, Phó Chủ tịch UBND phường 3 cho biết, Phường đã đề ra 2 biện pháp cấp bách: có thể sẽ đặt máy, bơm nước trong khu vực này ra đường CMT8. Trường hợp nếu mưa liên tục kéo ngày, tình hình ngập nặng hơn, phường sẽ cho di dời những gia đình trong khu vực bị ngập ra sinh sống tạm ở các trường học, trạm y tế, văn phòng khu phố, để bảo đảm cho người dân.

Hiện nay, đang mùa mưa bão, trong những ngày tới có thể sẽ thêm nhiều cơn mưa lớn, kéo dài. Tình trạng ngập nước có thể tiếp tục diễn biến phức tạp. Tình trạng ô nhiễm môi trường, dịch bệnh cũng có thể xảy ra. Vì vậy, chính quyền địa phương, ngành chức năng và người dân ở những khu vực trũng, thấp cần chủ động, phòng ngừa để bảo vệ tài sản, sức khoẻ, công ăn việc làm cho bản thân và gia đình.

Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục