BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mưa lũ gây thiệt hại nặng tại miền Trung 

Cập nhật ngày: 18/11/2023 - 09:17

Ngày 17-11, nước lũ ở miền Trung bắt đầu rút, người dân cùng chính quyền địa phương tổ chức khắc phục hậu quả. Đợt lũ lần này đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại các tỉnh này.

Núi lở, đường sạt

Ngày 17-11, tranh thủ thời tiết tạnh ráo và lũ trên sông Hương xuống dưới báo động 2, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội và công an của tỉnh Thừa Thiên Huế tỏa về các phường, xã giúp người dân thu dọn bùn non, rác thải và dọn vệ sinh môi trường, phun hóa chất để phòng ngừa dịch bệnh nguy cơ bùng phát sau lũ. Tại sông Hương, đoạn chảy qua khu vực trung tâm TP Huế, một khối lượng rác khổng lồ theo nước lũ tràn về, phủ kín chân cầu, dọc bờ sông. UBND các phường, xã trên địa bàn TP Huế đã huy động lực lượng cùng ghe thuyền và các dụng cụ tất bật dọn rác ứ đọng, khơi thông dòng chảy.

Ngập lụt bao vây các trục đường chính ở huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định), chia cắt nhiều vùng dân cư. Ảnh: NGỌC OAI

Ngày 17-11, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã kiểm tra tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra tại các huyện Sơn Hà. Trong đợt mưa lũ từ ngày 14-11 đến nay, huyện Sơn Hà đã di dời 30 hộ với 107 nhân khẩu tại các điểm sạt lở núi Van Cà Vãi, núi Làng Bồ (thị trấn Di Lăng). Tại khu vực này, tình trạng sạt lở xảy ra liên tiếp vài năm trở lại đây. Cầu Nước Lác (xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà) bị nước xói mòn gây sạt lở một bên mố cầu, cầu Nước Lố (xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà) bị ngã đổ hoàn toàn tường cánh phía hạ lưu; nước làm xói lở sâu vào nền đường.

Bà Đinh Thị Trà, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, cho biết, địa phương đã cắm biển cảnh báo, tuyên truyền vận động người dân, kịp thời di dời dân đến nơi an toàn, đồng thời tổ chức lực lượng, phương tiện để khắc phục nhanh các điểm sạt lở để đảm bảo giao thông. Ông Trần Phước Hiền cho biết, trước mắt tỉnh sẽ ưu tiên khắc phục những cầu, đường bị sạt lở lớn để nối liền giao thông, sớm ổn định cuộc sống người dân.

Tại Phú Yên, mưa lũ làm tuyến đường bộ ĐT642 (đoạn Triều Sơn - La Hai, huyện Đồng Xuân, Phú Yên) bị ngập sâu, chia cắt nhiều vùng dân cư. Tại các quốc lộ QL25, QL29, QL19C bị lũ cuốn hư hại, sạt lở nền và mặt đường với khối lượng rất lớn. Trong suốt 24 giờ qua, thủy điện Sông Ba Hạ duy trì xả về hạ du 2.340m3 /giây (xả qua tràn 1.940m3/giây + chạy máy 400m3/giây).

Tại Bình Định, các trạm thủy văn đo được mức nước ở các trạm, sông đều tăng cao mức báo động 1 đến báo động 2 khiến nhiều địa bàn vùng thấp trũng hạ du các sông bị ngập lụt, chia cắt. Tại vùng hạ du sông Kôn (các huyện Tuy Phước, Phù Cát) lũ đang cô lập nhiều trục đường chính, chia cắt các vùng dân cư. Tại khu vực miền núi huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) mưa lớn gây sạt lở một số vị trí đường ĐH33 đoạn qua đèo Vĩnh Sơn ở xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh bị sạt lở với 5 điểm sạt lở lớn gây ách tắc giao thông.

Nhiều người chết, mất tích

Ngày 17-11, thi thể vợ chồng ông H.X.L và bà H.T.V (cùng trú tại xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) được tìm thấy sau nhiều ngày mất tích. Đây là 2 nạn nhân bị mất tích từ ngày 14-11 khi đi qua khe suối ngập sâu để thăm trang trại.

Cùng ngày, thi thể bé H.P.Q.NH. (sinh năm 2020, xã Phú Thượng, TP Huế ) cũng được tìm thấy sau khi bị trượt ngã chân xuống dòng nước lũ và mất tích từ sáng 16-11. Đồng thời, tìm thấy thi thể cháu N.T.T.H, sinh năm 2005, trú phường Hương Sơ, TP Huế bị mất tích sau vụ lật thuyền xảy ra vào sáng 15-11 tại khu vực ngập nước phường Phú Hậu, TP Huế.

Nhiều người chết, mất tích trong mưa lũ những ngày qua.

Chính quyền và nhân dân xã Phước Kim (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) vẫn đang tổ chức tìm kiếm ông Hồ Văn K. (trú thôn 1 xã Phước Chánh) bị lũ cuốn mất tích khi vượt suối lũ. Trước đó, vào ngày 16-11, 4 người khi đi làm ở rẫy tại xã Phước Kim, do thấy mưa to, gió lớn, nhóm người này quay trở về. Đến 12 giờ 30 cùng ngày, khi đến đoạn suối Nước Se thuộc xã Phước Kim (ở hạ lưu sông Đăk Mi 3) giáp với xã Phước Chánh thì bất ngờ gặp lũ lớn cuốn trôi. 3 người may mắn thoát nạn, còn ông Hồ Văn K. bị lũ cuốn mất tích.

Đến trưa 17-11, lực lượng chức năng Bình Định đã tìm thấy, vớt được thi thể em H.Ng.H.O. (19 tuổi, ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) bị lũ cuốn trôi vào đêm 16-11. Trước đó, khoảng 21 giờ 10 ngày 16-11, em O. làm việc tại nhà máy gỗ trên đường về nhà, khi qua bờ tràn Giang Nam (thôn Giang Nam, xã Phước Hiệp) gặp lũ lớn cuốn mất tích.

Tại Phú Yên, lũ cuốn trôi 1 người dân mất tích, 256 ngôi nhà bị ngập nước, địa tuyến đường miền núi sạt lở. Trước đó, khoảng 21 giờ 45 ngày 16-11, ông Mạc Văn C. (40 tuổi, ở thôn Tân Yên xã Ea Ly, huyện Sông Hinh) đang di chuyển qua khu vực tràn suối Hố Nai, thuộc địa phận thôn 2/4 xã Ea Ly thì bị lũ cuốn mất tích. Vị trí ông C. bị cuốn trôi tại tràn qua suối tự nhiên trên đường vào Nhà máy Thủy điện Krông H’Năng.

Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) thông tin, vào khoảng 8 giờ 37 phút (giờ Hà Nội), một trận động đất có cường độ 5,4 richter đã xảy ra tại khu vực biên giới Myanmar và Trung Quốc, độ sâu chấn tiêu khoảng 48km. Trận động đất có cường độ lớn nên gây dư chấn đến tận Hà Nội, nhiều người dân sinh sống trên các tòa nhà cao tầng cho biết, đã cảm nhận được sự rung lắc.

Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia thông tin, thời tiết tại miền Trung bắt đầu tốt lên từ ngày 18-11. Nam bộ cũng sẽ ít mưa, thời tiết đẹp trên phạm vi cả nước sẽ duy trì khoảng 7-8 ngày tới, đến khoảng ngày 25 đến 27-11, Trung Trung bộ, Nam Trung bộ và Nam bộ sẽ có mưa trở lại; miền Bắc đón đợt không khí lạnh mới.

Ngày 17-11, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam quyết định cứu trợ khẩn cấp bước đầu cho tỉnh Thừa Thiên Huế 100 triệu đồng tiền mặt và và 200 thùng hàng gia đình với các vật dụng thiết yếu. Tổng giá trị hỗ trợ là 220 triệu đồng. Số tiền và hàng trên được chuyển tới các gia đình nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn bị thiệt hại về nhà ở, sinh kế, có người chết, mất tích và bị thương do mưa lũ.

VĂN PHÚC - NGUYỄN QUỐC

Nguồn SGGPO