Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mùa mận chín ở Phiêng Khoài 

Cập nhật ngày: 13/06/2023 - 08:40

Từ năm 1990, nhiều diện tích nương rẫy trồng ngô, sắn hiệu quả kinh tế thấp đã được người dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu (Sơn La) phá bỏ để trồng những cây mận hậu đầu tiên.

Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, cây mận phát triển tốt, sai quả, mẫu mã đẹp và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy hiện nay, khoảng 70% người dân xã Phiêng Khoài trồng mận hậu, trở thành địa phương có diện tích trồng mận hậu lớn nhất huyện Yên Châu. Năm nay, mận hậu được mùa, được giá nên bà con càng thêm phấn khởi.

Một gốc mận hậu của gia đình anh Vũ Văn Thược ở bản Cồn Huốt 1, xã Phiêng Khoài.

Chúng tôi đến Phiêng Khoài vào những ngày đầu tháng 6. Từ sáng sớm, những chuyến xe máy chở mận hậu đã tấp nập nối đuôi nhau về trung tâm xã, sau đó được các thương lái đưa lên xe tải vận chuyển về các tỉnh miền xuôi tiêu thụ.

Để kịp giờ cho thương lái thu mua, khi mặt trời chưa lên khỏi dãy núi, gia đình anh Vũ Văn Thược ở bản Cồn Huốt 1, xã Phiêng Khoài đã lên nương hái mận. Vừa hái mận, anh Thược vừa vui vẻ chia sẻ với chúng tôi: “Gia đình tôi có 6ha trồng mận hậu với gần 2.000 gốc.

Dự kiến, vụ mận hậu năm nay gia đình tôi thu về khoảng 1,5 tỷ đồng. Trước đây, tôi chỉ làm vườn theo kinh nghiệm, nhưng bây giờ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc cây mận hậu một cách bài bản nên năng suất cao hơn.

Bên cạnh đó, tôi còn áp dụng biện pháp kỹ thuật kích cho cây ra hoa, đậu quả sớm thành mận hậu trái vụ, mang lại giá trị kinh tế cao gấp 2-3 lần mận hậu chính vụ. Giá bán mận hậu trái vụ thấp nhất là 80.000 đồng/kg, lúc cao điểm lên đến 130.000 đồng/kg. Riêng mận hậu trái vụ năm nay gia đình tôi đã thu được 600 triệu đồng”.

Do ít mưa nên năm nay, nhiều vùng trồng mận cho quả bé, năng suất thấp. Tuy nhiên, ở Phiêng Khoài, để trồng mận hậu trên đồi, trên nương, bà con đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động. Vì vậy, dù ít mưa nhưng những trái mận hậu ở Phiêng Khoài vẫn to, mọng...

Không chỉ gia đình anh Vũ Văn Thược, nhiều hộ dân ở Phiêng Khoài cũng rất vui vì một mùa mận hậu bội thu, được giá. Ông Vì Văn Vồng, người dân tộc Xinh Mun, ở bản Tà Ẻn, cho biết: “Nếu nói người dân Phiêng Khoài giàu lên từ cây mận hậu cũng không quá. Nhờ mận hậu, các chủ vườn ở đây đều có nhà đẹp để ở, xe ô tô để đi.

Trước đây, chúng tôi làm nương, trồng ngô, trồng sắn vất vả nhưng vẫn không đủ ăn. Nhờ trồng mận, cuộc sống đã thay đổi. Quá trình canh tác, chúng tôi vừa tự nghiên cứu cải tiến vừa đi học hỏi các vườn mận khác.

Gia đình tôi có 7ha trồng mận hậu, trung bình 1ha mận cho thu hoạch 10-12 tấn quả. Năm nay, giá bán mận hậu chọn quả tại vườn là 50.000 đồng/kg, loại bình thường là 25.000 đồng/kg, được giá hơn những năm trước”.

Chị Vũ Thu Trang, tiểu thương chuyên thu gom mận ở bản Kim Chung 1 chia sẻ: “Nhiều năm đi thu gom mận trên địa bàn tỉnh Sơn La, tôi thấy mận hậu Phiêng Khoài mẫu mã đẹp, quả đều, khi ăn có vị ngọt, giòn, được khách hàng rất ưa chuộng.

Giờ mận đang chín rộ, ngày nào tôi cũng thu mua 6-7 tấn nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường”. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đặng Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài cho biết: “Sau khi trồng thử nghiệm, thấy mận hậu hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, cho trái ngon, lại được giá và không lo đầu ra, người dân trong xã đã đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất đồi trồng ngô, sắn sang trồng cây mận hậu.

Hiện nay, cả xã Phiêng Khoài có hơn 400 hộ trồng mận hậu với gần 2.000ha. Thời điểm chính vụ, mỗi ngày, Phiêng Khoài tiêu thụ khoảng 200 tấn mận hậu. Để hỗ trợ người dân, chúng tôi phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tập huấn cho người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây, cách thức để mận cho năng suất, chất lượng cao...”.

Trải qua hàng chục năm, cây mận hậu đã gắn bó với người dân Phiêng Khoài, trở thành loại cây trồng chủ lực, đặc trưng của xã, mang lại thu nhập cao cho bà con. Trên đường trở về trung tâm huyện Yên Châu, chúng tôi được ngắm nhìn nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang, phía sau là những vườn mận chín trĩu quả, vô cùng thích mắt.

“Chúng tôi xác định tiếp tục phát triển cây mận hậu bằng cách ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để sản phẩm chất lượng hơn, an toàn hơn, mở rộng hơn nữa thị trường, giúp người dân yên tâm gắn bó với cây mận hậu, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình”, đồng chí Đặng Văn Cương cho biết thêm.

Nguồn qdnd