Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đây cũng là thời điểm các cơ sở y tế, các địa phương vào chiến dịch tuyên truyền phòng chống các bệnh mùa mưa. Thế nhưng, vẫn còn một số người dân, cụm dân cư ở huyện Tân Châu vẫn thờ ơ trong việc phòng chống bệnh.

Đã vào mùa mưa, thời tiết diễn biến bất thường nên những căn bệnh như tiêu chảy, sốt xuất huyết (SXH)... rất dễ xảy ra. Đây cũng là thời điểm các cơ sở y tế, các địa phương vào chiến dịch tuyên truyền phòng chống các bệnh mùa mưa. Thế nhưng, vẫn còn một số người dân, cụm dân cư ở huyện Tân Châu vẫn thờ ơ trong việc phòng chống bệnh.
Ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thị xã Tây Ninh là ấp tập trung rất đông bà con người dân tộc Khmer sinh sống. Vừa qua, đã có một ca mắc bệnh sốt xuất huyết phải điều trị gần 2 tuần. Đó là em Lâm Văn Kha, 2 tuổi. Ông ngoại của em Kha cho biết: ở đây, vào buổi chiều là muỗi vo ve khắp nơi, có lẽ đó là nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết (SXH) cho Kha. Chị Thị Don, một người dân sống trong ấp cho biết thêm, chiều tối ra ngoài sân hóng mát là trở thành mục tiêu của muỗi ngay, ngồi xem ti vi trong nhà cũng bị muỗi cắn. Theo ông Cao Văn Xà Rum, một người đã lớn tuổi thì trước đây cán bộ y tế thường xuống khu dân cư cấp thuốc để bà con tẩm mùng bằng hoá chất chống muỗi.
![]() |
Người dân tộc thiểu số nuôi nhiều bò nhưng ít người làm chuồng trại để nhốt bò |
Quan sát cho thấy, nhiều hộ dân ở đây để cây cối um tùm trong vườn nhà, không phát quang, dọn dẹp cỏ dại. Một số gia đình chưa khai thông dòng nước thải sinh hoạt, để nước tù đọng, vừa mất vệ sinh vừa tạo điều kiện cho muỗi sinh sản. Bà con người Khmer lại quen sống tập trung gần nhau, nhà nọ sát nhà kia, chăn nuôi gia súc cạnh nhà. Người dân tại ấp Thạnh Đông nuôi nhiều bò nhưng hầu như rất ít nhà có làm chuồng nhốt bò. Thay cho chuồng, họ thường cột bò ngay trước sân nhà. Có một số hộ thậm chí tối đến, dắt bò cột ngay ở trước nhà hoặc nhà bếp! Cỏ cắt về cho bò ăn được đem cất cẩn thận trong nhà. Đây chính là môi trường sống lý tưởng cho muỗi và nhiều loài côn trùng khác.Vì thế, nhiều gia đình phải sống chung với ruồi và muỗi là điều dễ hiểu.
Ở ấp Tân Trung A, xã Tân Hưng, bà con người Chăm cũng nuôi khá nhiều bò. Nhà chị Thị Ro Phi A nuôi đàn bò 13 con, chuồng bò làm ngay sát bên cạnh nhà ở. Chị Phi A cho biết, mỗi khi vào đầu mùa mưa, ruồi và muỗi lại xuất hiện nhiều. Có năm, muỗi nhiều đến mức con chị phải mắc mùng để học bài. Chị Phi A biết rằng nuôi bò gần nhà tạo điều kiện cho ruồi và muỗi phát triển, dễ gây bệnh SXH và tiêu chảy. Ban ngày thì ruồi nhặng khắp nơi, ăn cơm phải mở quạt để đuổi ruồi, buổi tối thì muỗi bay ra tấn công. Thế nhưng, do đất hẹp, chị Phi A không thể dời chuồng bò ra xa được nên đành sống chung với ruồi, muỗi. Các hộ gia đình gần đó cũng trong hoàn cảnh tương tự.
Sau một vài cơn mưa, đường làng lầy lội. Một số người dân ở ấp Tân Trung A cho biết, họ cũng lo ngại nước bẩn mang mầm bệnh ngấm xuống giếng, có thể gây bệnh đường ruột. Theo chị Nguyễn Thị Bích Nga, Trưởng Trạm Y tế xã Tân Hưng: “Cứ đến hẹn lại lên, năm nào trạm cũng triển khai tuyên truyền phòng chống những dịch bệnh thường diễn ra vào mùa mưa cho người dân, tuy nhiên ý thức chuyển biến trong cộng đồng còn chậm. Mỗi gia đình cần tự ý thức về vệ sinh môi trường tại nơi mình đang sống”.
Đối với bệnh SXH, do chưa có vắc-xin phòng bệnh nên cách tốt nhất là người dân cần biết cách phòng bệnh: diệt lăng quăng thường xuyên, dọn dẹp nước đọng quanh nhà, thay nước bình hoa, giữ nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ, ngủ mùng kể cả ban ngày, thoa kem chống muỗi cho trẻ em. Ngoài ra, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cũng cần đề phòng các bệnh mùa mưa khác như sốt siêu vi, bệnh đường hô hấp, cảm cúm… Cách phòng chống hữu hiệu nhất là ăn uống vệ sinh, đủ chất, giữ vệ sinh môi trường, không tiếp xúc với tác nhân có khả năng gây bệnh.
DI LIÊN – VIỆT ĐÔNG